Chưa có ai chịu trách nhiệm về hiệu quả các dự án đã đầu tư
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, chúng ta cũng cần làm rõ trong hệ thống chính quyền ai chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm nước sinh hoạt, nước cho sản xuất cho người dân. “Liệu chúng ta có bảo đảm đủ nước cho người dân ít nhất từ nay đến 2030, có đủ cơ sở để bảo đảm nước cho dân trong thế kỷ này không. Muốn làm được điều đó cần phải có những điều kiện gì. Cần nói rõ cho dân biết trên cơ sở chỉ rõ trách nhiệm”.
|
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam |
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, để ứng phó biến đổi khí hậu thành công thì phải thay đổi hành vi của con người trong nhiều lĩnh vực. Trước hết, phải quyết liệt tiết kiệm sử dụng nguồn nước cả trong sản xuất lẫn sinh hoạt. Với nông nghiệp, phải có cuộc cách mạng chuyển từ nền nông nghiệp dùng nhiều nước sang nền nông nghiệp dùng ít nước, đặc biệt không coi nước là nguồn tài nguyên vô hạn, không mất tiền thay vào đó phải coi nước là nguồn tài nguyên hữu hạn, mất tiền. Chuyển trồng trọt từ nước ngọt là chủ yếu sang cả trồng trọt nước lợ và nước mặn, đồng thời nên có khuyến cáo 10 hành vi thay đổi của người tiêu dùng khi sử dụng nước, nghiên cứu đến việc tái sử dụng nước. “Đặc biệt, phải có giải pháp đồng bộ về quản lý nước ở 3 cấp là quốc gia, vùng và hộ gia đình. Trong đó, phải thiết lập bằng được cơ chế tổng thể trong quản lý nước, có sự liên kết giữa các bộ ngành, vùng, nhằm đảm bảo nước sinh hoạt, nước sản xuất cho người dân”- ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường cũng cho rằng, để trả lời câu hỏi ai chịu trách nhiệm về bảo đảm nguồn nước như Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam nêu thì hiện nay vẫn chưa có ai chịu trách nhiệm trước Chính phủ về hiệu quả các dự án đã đầu tư. Hay hàng năm đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng cho hệ thống đê điều thì cũng khó rõ ai là người chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư. Hoặc rất chồng chéo trách nhiệm nếu tiến hành điều chỉnh quy hoạch vùng…
Theo ông Trần Hồng Hà, việc thực hiện chính sách, giải pháp về ứng phó biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế, dù hệ thống chính sánh, giải pháp là rất nhiều. Đơn cử như việc quản lý nước ở ĐBSCL, sự điều chỉnh các kế hoạch, kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu còn chậm.
“Trong xu thế hiện nay đòi hỏi một cuộc cách mạng trong nông nghiệp để ứng phó với tình trạng thiếu nước. Nếu chỉ tập trung vào lúa nước hay cây công nghiệp lâu năm thì có phù hợp không? Rừng tự nhiên hàng năm mất rất nhiều, rừng trồng nhiều loại cây chưa có giá trị cân bằng hệ sinh thái, bà con giữ rừng là giữ nước, nhưng chính sách cho bà con chưa thỏa đáng. Đó đều là những vấn đề phải tính toán”- ông Trần Hồng Hà nói.
|
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường |
Ông Hà cũng nhận định, vấn đề nhận thức cũng còn nhiều bất cập. Năng lực điều hành, trong đó có bộ máy cũng chưa có sự phối hợp thực sự hiệu quả. Biến đổi khí hậu là vấn đề phức tạp, lâu dài, đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn kể cả về bộ máy, nhưng so với các nước, Việt Nam chưa đầu tư được bao nhiêu.
Ông Trần Hồng Hà dẫn chứng về công tác điều hành hiện nay chưa ổn. Điển hình, tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước đã được dự báo từ 3-4 tháng trước, nhưng vì diễn ra vào dịp Tết, không có người đo đạc tỷ lệ mặn, chậm ứng phó vì vậy khi nước mặn vào thì vô phương cứu chữa. “Đó là một trong nguyên nhân dẫn đến tình trạng như vừa qua. Qua đó cho thấy công tác điều hành hiện nay có vấn đề. Bộ TN-MT đã họp về vấn đề này”- ông Hà nói.
Biến đổi khí hậu đe dọa trực tiếp đến sinh tồn của các thế hệ
Ông Trần Hồng Hà khẳng định, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây nên, thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề được Đảng, Nhà nước và Chính phủ hết sức quan tâm. Mới đây nhất, ngày 22/4 vừa qua, tại trụ sở Liên Hợp Quốc (Hoa Kỳ), Việt Nam đã cùng 170 quốc gia ký thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu.
“Với việc ký kết Thoả thuận Paris, Việt Nam một lần nữa khẳng định cam kết của mình để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tác động biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn dự báo rất nhiều: xâm nhập mặn, khô hạn, thiếu nước đang đặt ra bài toán đầy thách thức. Biến đổi khí hậu là mối đe dọa trực tiếp đến sinh tồn của các thế hệ con cháu chúng ta”- ông Trần Hồng Hà nói.
Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam lo lắng “được mùa mất giá còn đỡ, bởi nông dân vẫn lấy công làm lãi để sống, biến đổi khi hậu mới gọi là kinh khủng. Ví dụ như xâm nhập mặn, khô hạn thì người nông dân đói hết”.
|
Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam |
Theo ông Môn, cần nâng cao năng lực dự báo, chính sách hỗ trợ cho người dân, làm rõ trách nhiệm đầu mối, phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan. “Nông nghiệp bất lợi, nông dân bất an, nông thôn bất ổn”.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng cho rằng, để ứng phó biến đổi khí hậu hiệu quả, Việt Nam phải đẩy mạnh khâu cảnh báo, tuyên truyền. Cẩn trọng trong lựa chọn dự án, công nghệ, không để Việt Nam thành bãi rác công nghệ, chủ động chuyển đổi trong sản xuất.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cũng đề xuất, tới đây, Chính phủ phải rà soát lại quy hoạch phát triển có tích hợp giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, có quan điểm chỉ đạo đổi mới rõ ràng về nông nghiệp và năng lượng, có những dự án mang tính tổng thể, không manh mún, tập trung xã hội hóa. “Tất cả các ngành, cấp đều phải có kế hoạch để triển khai, trách nhiệm của các cấp bộ ngành phải rõ ràng”.
Ông Trần Hồng Hà cũng cho rằng, vấn đề nước hiện do 3 Bộ quản lý gồm Bộ TNMT quản lý số liệu chung, Bộ NNPTNT quản lý nước cho nông dân, Bộ Xây dựng về nước đô thị. Như vậy sẽ không rõ trách nhiệm.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh, thích ứng với biến đổi khí hậu là nội dung vừa cấp bách vừa lâu dài. Cả nước đang chống chọi với tác động của biến đổi khí hậu. Quý 1/2016, lần đầu tiên tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam bị âm, một phần do tác động của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu không thể tránh được, chúng ta phải sống chung với nó. Nhân dân đang rất lo lắng. Tới đây, Mặt trận sẽ đi khảo sát về tình hình này tại Tây Nam bộ, miền Trung, Tây Nguyên./.
Minh Hòa/VOV.VN
Ý kiến ()