Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 30/11/2024 23:46 (GMT +7)
Anh khẳng định giải quyết mọi vấn đề với EU thông qua các cơ chế được hai bên đồng thuận
Thứ 4, 09/09/2020 | 12:14:00 [GMT +7] A A
Ngày 8/9, Anh bước vào vòng đàm phán thương mại thời kỳ hậu Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu – EU), trong bối cảnh một bộ trưởng nước này khẳng định London sẽ tìm cách giải quyết mọi vấn đề với EU thông qua các cơ chế được hai bên đồng thuận.
Ông Brandon Lewis tới dự cuộc họp nội các ở London, Anh, ngày 13/3/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Anh phụ trách vấn đề Bắc Ireland, Brandon Lewis thừa nhận rằng sẽ là vi phạm luật pháp quốc tế nếu chính phủ nước này không tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận Brexit liên quan vùng lãnh thổ Bắc Ireland. Phát biểu trước Quốc hội Anh, Bộ trưởng Lewis khẳng định: “Đúng, điều này vi phạm luật pháp quốc tế theo một cách rất cụ thể và theo một cách hạn chế”. Ông nói thêm rằng London ủng hộ Nghị định thư về Bắc Ireland trong thỏa thuận Brexit và có “sự ưu tiên rõ ràng” cho những gì Anh đang lên kế hoạch.
Phát biểu trước Quốc hội Anh về dự luật sẽ được công bố trong ngày 9/9, trong đó bao gồm các nỗ lực nhằm “làm rõ” cách thức thực hiện thỏa thuận Brexit mà nước này đã ký với EU hồi năm ngoái, Bộ trưởng Lewis khẳng định Anh “hoàn toàn cam kết” thực hiện Nghị định thư về Bắc Ireland, theo đó khu vực này sẽ tiếp tục tuân thủ các quy tắc nhất định của EU để duy trì mở cửa biên giới trên bộ với Cộng hòa Ireland. Tuy nhiên, ông cũng cho biết dự luật mới sẽ tạo ra một “mạng lưới an toàn” để đảm bảo rằng hàng hóa có thể được miễn thuế trong Vương quốc Anh – bao gồm cả Bắc Ireland, đồng thời đảm bảo rằng mặc dù các quy tắc viện trợ của EU sẽ được áp dụng tại vùng lãnh thổ này, nhưng chúng sẽ không được áp dụng trên đất liền – cụ thể là tại Anh, Scotland và xứ Wales.
Bộ trưởng Lewis cũng nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi có quyền từ chối khái niệm luật của EU về hiệu lực trực tiếp theo yêu cầu của Điều 4 trong một số trường hợp nhất định, được xác định rất chặt chẽ”.
Điều 4 của Nghị định thư Bắc Ireland nêu rõ khu vực này sẽ vẫn là một phần lãnh thổ hải quan của Vương quốc Anh sau khi đã hoàn tất các thủ tục Brexit. Ông Lewis cho biết: “Có những tiền lệ rõ ràng cho Vương quốc Anh và thực sự là các quốc gia khác cần phải xem xét các nghĩa vụ quốc tế của họ khi hoàn cảnh thay đổi”. Ông cũng trích dẫn một đạo luật tài chính năm 2013, trong đó có các điều khoản “rõ ràng không chấp nhận các hiệp ước thuế quốc tế” cho phép lạm dụng các thỏa thuận này.
Những phát biểu của Bộ trưởng Lewis được đưa ra sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen ngày 7/9 cảnh báo rằng London có trách nhiệm về mặt pháp lý tôn trọng thỏa thuận Brexit nhằm tạo ra nền tảng cơ bản cho mối quan hệ song phương hậu Brexit.
Trước đó, tờ Financial Times của Anh dẫn một số nguồn tin thân cận cho biết Thủ tướng Anh Borris Johnson đang lên kế hoạch cho nội dung pháp lý mới nhằm thay thế một số điều khoản trong thỏa thuận Brexit mà Anh và EU đã ký năm ngoái. Theo nguồn tin trên, dự luật sửa đổi của Anh sẽ hủy bỏ tất cả những cam kết trước đó của nước này liên quan đến vấn đề trợ cấp nhà nước và thuế quan của vùng lãnh thổ Bắc Ireland.
Anh rời EU từ tháng 1/2020, gần 4 năm sau cuộc trưng cầu ý dân lịch sử đặt dấu chấm hết cho gần 50 năm quốc gia này hội nhập với châu Âu. Cuộc đàm phán trong tuần tới nhằm hướng tới ký kết một thỏa thuận đối tác mới giữa hai bên từ năm 2021 trong một loạt lĩnh vực từ thương mại và an ninh đến hợp tác trong vấn đề hạt nhân, vận tải và hàng không.
Giới chức châu Âu cho biết cần đạt thỏa thuận trước tháng 10, tức là chỉ còn chưa đầy hai tháng để tìm điểm chung và giải quyết bất đồng. Nếu không đạt thỏa thuận, quan hệ thương mại Anh – EU sẽ chỉ dựa trên các chuẩn mực tối thiểu mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thiết lập, theo đó các mức thuế quan sẽ cao hơn hiện nay và các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thủ tục phiền hà hơn hiện nay, có thể ảnh hưởng xấu tới hoạt động thương mại và đầu tư ở hai bờ eo biển Manche.
Cho đến nay tranh cãi lớn nhất giữa Anh và EU chủ yếu vẫn xoay quanh việc trợ giá nhà nước và đánh bắt cá. Nếu không đạt được thỏa thuận, gần 1.000 tỷ USD thương mại giữa London và Brussels có thể đổ “xuống sông xuống biển”.
https://baotintuc.vn/the-gioi/anh-khang-dinh-giai-quyet-moi-van-de-voi-eu-thong-qua-cac-co-che-duoc-hai-ben-dong-thuan-20200909061630349.htm
Ý kiến ()