Thứ Sáu, 29/11/2024 12:38 (GMT +7)

“Anti vaccine” khiến dịch diễn biến sởi tại TP HCM chưa thể hạ nhiệt

Thứ 7, 16/02/2019 | 16:27:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Trong và sau Tết Nguyên Đán, các dịch bệnh đều giảm dần. Tuy nhiên, dịch bệnh sởi gia tăng tại TP HCM và đang diễn biến hết sức phức tạp.

Dịch sởi gia tăng tại TP HCM từ tháng 8/2018 đến nay vẫn diễn biến hết sức phức tạp, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Một phần nguyên nhân khiến bệnh sởi tăng là do trào lưu “anti vaccine” của một số bà mẹ dẫn tới không đi tiêm phòng sởi cho con, là nguồn lây lan bệnh trong cộng đồng.

anti vaccine khien dich dien bien soi tai tp hcm chua the ha nhiet hinh 1
Dịch sởi diễn biến phức tạp tại TP HCM.

Có mặt tại Trạm Y tế phường Tân Thới Nhất, Quận 12 TP HCM vào buổi sáng đúng ngày tiêm chủng, chúng tôi thấy rất đông các ông bố bà mẹ đưa con đến tiêm ngừa cho con. Khi được hỏi về lợi ích của tiêm phòng, các bậc phụ huynh đều cho biết lo sợ con bị mắc nhiều bệnh nên đi tiêm chủng theo khuyến cáo và yêu cầu của các y bác sĩ trạm y tế.

Thế nhưng, không phải bậc phụ huynh nào cũng ý thức được việc tiêm ngừa đầy đủ cho con mình. So với những ngày tiêm chủng khác thì số người đưa con đi tiêm ngừa lần này tại trạm y tế phường Tân Thới Nhất chỉ đạt 1/4.

Bác sĩ Trương Minh Thống Nhất, trưởng trạm y tế phường cho biết, đầu năm 2019, tỉ lệ tiêm chủng trên địa bàn chỉ có 56%, đây là một tỉ lệ rất thấp so với mặt bằng chung của thành phố. Rất nhiều lần trạm y tế mời phụ huynh đến tiêm phòng cho con nhưng nhiều người không đưa trẻ đến. Tại phường cũng vừa có một chùm ca bệnh sởi với 2 trường hợp mắc là 2 bệnh nhi chưa đến tuổi chích ngừa sởi (9 tháng tuổi).

Ngay từ đầu năm 2019, trạm y tế phường Tân Thới Nhất đã thực hiện ngay việc tiêm vét sởi để đạt mục tiêu tỉ lệ tiêm sởi trên địa bàn phải đạt 90 – 95%. Các y bác sĩ liên tục nhắc nhở phụ huynh đưa bé ra trạm, ghi chú cụ thể các mũi tiêm tiếp theo, không để sót mũi tiêm sởi nào, đặc biệt là trong tình hình sởi gia tăng như hiện nay. Các bác sĩ cũng đã dành một ngày tại mỗi trường học để tổ chức tiêm vét ngay tại chỗ, nhằm tránh tình trạng mời phụ huynh nhưng họ bận rộn, không đưa con tới tiêm ngừa.

Đối với các trẻ không đến trường, bác sĩ Nhất cho biết: “Chúng tôi tổ chức chích ngừa tại cộng đồng và có thư mời tiêm phòng. Có những trẻ 9 tháng và 12 tháng tuổi chưa gửi trường học, chúng tôi kết hợp với ban điều hành khu phố, gửi thông báo xuống các tổ trưởng. Các tổ trưởng thông báo xuống các tổ dân phố có những bé đủ 9 tháng chưa tiêm sởi thì gửi thư mời đến để đi tiêm”.

anti vaccine khien dich dien bien soi tai tp hcm chua the ha nhiet hinh 2
Trẻ nhập viện vì sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM
anti vaccine khien dich dien bien soi tai tp hcm chua the ha nhiet hinh 3

Tỷ lệ tiêm chủng tại cộng đồng chưa cao là một trong những nguyên nhân khiến các bệnh viện nhi luôn quá tải các ca mắc sởi. Riêng tại khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM hiện có gần 20 trẻ bị sởi đang điều trị, trong đó có nhiều trẻ bị nặng, đã biến chứng viêm phổi, tiêu chảy…

Cháu Nguyễn Phát Đạt, ngụ quận Tân Phú, 28 tháng tuổi sốt cao 3 ngày rồi nổi ban, mẹ bé cho nhập Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã hai ngày qua. Chị Trần Tú Linh, mẹ bé kể, từ khi bé được 4 tháng tuổi đến nay, nghe theo trào lưu “anti vaccine” trên mạng, chị đã không cho bé tiêm phòng, sợ con về ốm nhiều hơn. Vì vậy chị ở nhà chăm sóc con, đồng thời ít cho bé tiếp xúc với người lạ để khỏi bị lây nhiễm bệnh, nhưng bé Đạt vẫn mắc sởi.

“Từ hồi 4 tháng tới giờ, tôi không cho con tiêm phòng. Tại vì con cũng hay bị bệnh nên không đi, rồi khi quay lại tiêm thì hết thuốc nên tới giờ vẫn chưa tiêm. Hai mũi sởi chưa tiêm. Ở nhà thì chăm sóc cháu ăn uống đầy đủ bình thường, Cháu chưa đi học và mẹ ở nhà giữ. Hôm trước thấy nóng sốt rồi đưa đi viện”, chị Tú Linh nói.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, việc các phụ huynh không cho con tiêm ngừa ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ tiêm chủng, hoặc con đang ốm lặt vặt cũng không cho trẻ tiêm vaccine, không phân biệt vaccine nào có tác động mạnh tới bé, vaccine nào an toàn và không có biến chứng sau khi tiêm.

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, số bệnh nhi bị sởi nhập viện tại khoa vẫn từ 15 – 20 ca mỗi ngày, chứng tỏ vẫn còn rất nhiều trường hợp mắc sởi trong cộng đồng và việc tuyên truyền chích ngừa vẫn chưa được nhiều người thực hiện. Khi đã mắc sởi, việc điều trị rất vất vả vì phải cách ly, có những bệnh nhi mang bệnh lý mãn tính nên chữa trị gặp khó khăn hơn.

Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo: “Vaccine sởi là loại vaccine an toàn và hiệu quả rât cao, được sản xuất bởi công nghệ chuyển giao từ Nhật Bản. Nếu tiêm ít nhất 2 mũi và tiêm đúng thời gian thì trẻ sẽ không mắc sởi. Đặc biệt, các trẻ tiêm mũi sởi dịch vụ phải lưu ý tuân thủ mũi 9 tháng, mức độ lặp lại mũi thứ 2 đúng khoảng cách, đừng để đến lúc 12 tháng mới tiêm mũi 1, rồi chờ thời gian vài năm mới tiêm mũi nhắc lại, sẽ là khoảng trống để virus sởi xâm nhập”.

Hiện bệnh sởi trên địa bàn TP HCM đang diễn biến phức tạp, từ đầu năm 2019 đến nay đã ghi nhận 978 ca mắc bệnh sởi. Hiện tại bệnh sởi đã có mặt tại 24/24 quận – huyện. Trong tổng số ca mắc sởi có đến 95% là chưa tiêm phòng vaccine.

Theo nhận định của các chuyên gia y tế dự phòng, tình hình bệnh sởi đang có chiều hướng gia tăng, một số địa phương khác trong nước và nước ngoài cũng đang gia tăng số ca mắc bệnh sởi. Để phòng ngừa bệnh sởi, người dân cần tiêm chủng vaccine phòng bệnh; hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh hô hấp.

Những trường hợp có triệu chứng của bệnh hô hấp kèm theo mắt đỏ, hoặc phát ban, nhất là phụ nữ có thai và người chưa tiêm ngừa bệnh sởi cần ở nhà và hạn chế tiếp xúc với người khác./

Mỹ Dung/VOV-TPHCM

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu