Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 11:42 (GMT +7)
Bảo tồn, phát huy nét văn hóa đặc sắc trong Lễ hội Ok Om Bok – Đua ghe Ngo
Thứ 4, 21/11/2018 | 16:01:00 [GMT +7] A A
Hằng năm, cứ vào giữa tháng 10 âm lịch là đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng, đồng bào Khmer Nam bộ nói chung lại rộn ràng vào mùa lễ hội Ok Om Bok – Đua ghe Ngo. Đây là một trong 3 lễ hội lớn nhất của đồng bào Khmer trong năm cùng với Tết Chôl Chnăm Thmây và lễ Sene Dolta.
Đua ghe ngo truyền thống mừng lễ hội Ok Om Bok. Ảnh tư liệu: TTXVN
Nét văn hóa đặc sắc
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer nhất cả nước với hơn 400.000 người, chiếm gần 31% dân số cả tỉnh. Người Khmer ở đây coi Mặt Trăng là một vị thần điều tiết mùa màng trong năm. Vì vậy, cứ vào khoảng giữa tháng 10 âm lịch hằng năm, cũng là những ngày cuối mùa mưa và là thời gian thu hoạch hoa màu đủ loại, trong đó có lúa nếp là sớm nhất, họ lấy lúa nếp làm thành cốm dẹp cùng các hoa màu khác để làm lễ vật cúng Mặt Trăng.
Tương truyền, lễ hội Ok Om Bok – Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer có từ rất lâu đời. Các cụ già người Khmer kể lại, lễ hội có ý nghĩa đưa tiễn nước ra sông, vì thời gian tổ chức lễ hội vào thời điểm cuối năm, lượng mưa đã giảm, mực nước ở ruộng, ao, hồ, sông bắt đầu hạ xuống; nhà nông bắt đầu vào thu hoạch vụ mùa và các nông sản. Ngoài ra, đồng bào Khmer vốn đã được tiếp thu cả hai nền văn minh của đạo Bà-la-môn và đạo Phật nên mới có nghi lễ Cúng Trăng trong lễ hội Ok Om Bok – Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer còn gọi là Lễ Cúng Trăng hay lễ “Đút cốm dẹp”.
Nghi thức lễ được tiến hành vào tối 15/10 âm lịch, khi mặt trăng lên cao, mọi người tập trung tại sân chùa hay sân nhà để làm lễ. Người ta cắm hai cây trúc và dùng lá dừa làm hình cái cổng vòm, trên cổng có giăng dây trầu gồm 12 lá tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một chùm cau gồm 7 trái được chẻ vỏ ra như hai cánh con ong tượng trưng cho 7 ngày trong tuần. Dưới cổng vòm có đặt cái bàn bày các thức cúng là sản vật của nhà nông như: Dừa, chuối, khoai lang, khoai môn, bánh in và cốm dẹp.
Mâm cúng bày xong, mọi người ngồi chắp tay quay mặt về hướng mặt trăng để làm lễ. Khi trăng lên cao tỏa sáng, mọi người bắt đầu đốt nhang, đèn và mời một người cao tuổi, có uy tín nhất trong phum, sóc hay trong gia đình làm chủ lễ. Người chủ lễ khấn vái nói lên lòng biết ơn của con người đối với mặt trăng, xin mặt trăng tiếp nhận lễ vật và ban cho mọi người sức khỏe, mùa màng tươi tốt… Cúng xong, mọi người quây quần cùng thu lộc các đồ cúng để hưởng phước, các em nhỏ thì vui chơi, múa hát cho đến đêm khuya.
Cùng với lễ Ok Om Bok (đút cốm dẹp), Hội đua ghe Ngo cũng là hoạt động mà người Khmer mong chờ trong những ngày này. Trước ngày lễ hội cả tháng là nhà chùa, sư sãi, cùng ban quản trị chùa Khmer lại vận động người dân tham gia. Các chùa phải chuẩn bị để tuyển chọn các tay bơi là những chàng trai khỏe mạnh trong các phum sóc để luyện tập để thi đấu trong ngày hội lớn.
Chiếc ghe Ngo là vật dụng được người Khmer và nhà chùa coi là linh thiêng, cũng là tài sản quý của cả phum sóc, được bảo quản cẩn thận tại chùa. Trước kia, mỗi năm ghe Ngo được hạ thủy một lần vào ngày lễ hội Ok Om Bok. Ghe Ngo có chiều dài khoảng 22 đến 26 m, mỗi ghe có từ 50 – 60 tay bơi. Nguyên bản chiếc ghe Ngo là loại thuyền độc mộc lớn, làm từ thân cây gỗ tốt.
Ngày nay, ghe Ngo được đóng bằng nhiều tấm ván dài ghép lại với nhau. Ghe Ngo có mũi và lái cong, thân được trang trí hoa văn sặc sỡ, đầu ghe có hình con thú biểu trưng cho ghe và chùa của mình. Giữa lườn ghe người ta đặt một cây dài từ đầu đến cuối thân ghe gọi là cây cần câu nhằm giữ thăng bằng và làm cho ghe có sức bật tốt khi bơi.
Liên quan đến sự tích đua ghe Ngo, có khá nhiều truyền thuyết gắn liền với đời sống sông nước như việc chuyên chở bằng ghe, đánh giặc hoặc đua ghe nhằm luyện tay nghề chèo lái ở vùng sông nước và nêu cao ý thức cộng đồng, tinh thần thượng võ… Cũng có lời kể, lễ hội đua ghe Ngo gắn liền với đạo Phật do ngày xưa có một ngày vào giờ Ngọ, các nhà sư đang trên đường khất thực bỗng dưng nước đổ mênh mông, các phật tử dốc sức chở sư sãi về chùa, lễ hội đua ghe Ngo vì thế đã được tổ chức…
Bảo tồn và phát huy
Trong những năm gần đây, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, cùng với việc bảo tồn, lễ hội Ok Om Bok – Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng đang ngày càng được phát huy, nâng tầm và được đồng bào Khmer ở cả các tỉnh lân cận tham gia hưởng ứng đua tài tại Hội đua ghe Ngo Sóc Trăng hằng năm.
Những ngày này, không chỉ đồng bào Khmer mà cả đồng bào Kinh, Hoa ở Sóc Trăng cũng cùng chung vui mùa lễ hội với nhiều hoạt động phong phú…
Năm nay, Tuần lễ hội Ok Om Bok – Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer Sóc Trăng diễn ra từ ngày 16 đến 22/11, tâm điểm của Tuần lễ hội diễn ra trong 2 ngày 21 và 22/11 với Giải đua ghe Ngo năm 2018. Giải đua có sự tranh tài của 48 đội ghe (38 đội ghe nam và 10 đội ghe nữ) trong đó tỉnh Sóc Trăng có 34 đội ghe Ngo, còn lại là các ghe đến từ Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long.
Trong dịp Lễ hội Ok Om Bok – Đua ghe Ngo còn có nhiều hoạt động như: Hội chợ thương mại, triển lãm, du lịch và liên hoan ẩm thực, liên hoan nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer tỉnh Sóc Trăng… Bên cạnh đó, du khách còn được chiêm ngưỡng hình ảnh huyền ảo, lung linh của đèn nước vào tối ngày 15/10 âm lịch…
Theo ông Danh Phương, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng: Tuần Lễ hội Ok Om Bok – Đua ghe Ngo ở Sóc Trăng được tổ chức nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer; thông qua lễ hội cũng quảng bá, giới thiệu hình ảnh về địa phương và con người Sóc Trăng; giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh, kêu gọi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Sóc Trăng.
Những năm gần đây, đời sống của đồng bào Khmer ngày càng được cải thiện cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền, lễ hội Ok Om Bok – Đua ghe Ngo ở Sóc Trăng ngày càng được tổ chức quy mô, đi vào chiều sâu hơn.
Lễ hội chính là dịp tăng cường các mối quan hệ cộng đồng để đồng bào các dân tộc ở Sóc Trăng ngày càng gắn kết, thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương Sóc Trăng giàu đẹp.
Ý kiến ()