![]() |
Ứng cử viên Tổng thống Pháp Bemoit Hamon tới Berlin để tìm sự ủng hộ của lãnh đạo phe cánh Tả ở Đức Martin Schulz. Ảnh: DPA. |
Cách đây không lâu, việc lãnh đạo đảng SPD của Đức công bố sự hậu thuẫn với ứng cử viên Tổng thống của đảng Xã hội Pháp không phải là điều gì đáng chú ý. Nhưng kể từ khi Benoît Hamon, ứng cử viên của đảng Xã hội tới Berlin để vận động sự ủng hộ của SPD cách đây 2 tuần, nhiều người lại đặt câu hỏi ông này có chắc chắn nhận được sự hậu thuẫn đó không.
Tại đây, Martin Schulz, lãnh đạo mới của SPD và ứng cử viên Thủ tướng Đức trong cuộc bầu cử tháng 9, đã dành tặng ông Hamon cái siết tay nồng ấm. Với giọng tiếng Pháp trôi chảy, ông Schulz tuyên bố: “Benoît Hamon sẽ được SPD ủng hộ. Đó là sự hậu thuẫn cao nhất”.
Ông Hamon, cựu bộ trưởng trong Chính phủ trung tả ở Pháp là “một người có niềm tin rất lớn, thứ giúp ông ấy chiến đấu”. Schulz cố gắng tán dương với giọng điệu đầy lạc quan. Nhưng nhiều người, trong đó có cả ông Hamon cũng cảm thấy khó thuyết phục cho sự ủng hộ này.
Có một thực tế khá khó chịu là một lãnh đạo khác của SPD, Sigmar Gabriel, đương kim phó Thủ tướng và bộ trưởng Ngoại giao, hai tuần trước đó lại công khai ủng hộ một ứng viên khác trong cuộc bầu cử tại Pháp – một người đào tẩu khỏi hàng ngũ đảng Xã hội: Emmanuel Macron.
Ông Manuel từng đảm nhận chức vụ bộ trưởng Kinh tế, dành cảm tình cho người đồng cấp ở nước láng giềng. “Với những gì tôi từng thấy, ông là ứng cử viên Tổng thống duy nhất ở Pháp theo đuổi một đường hướng minh bạch và rõ ràng cho châu Âu” – ông Gabriel nói trong tuyên bố ủng hộ ứng cử viên Macron của mình.
![]() |
5 ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử Pháp tranh luận trên truyền hình. Ảnh: Handelsblatt Global. |
Cuộc “nội chiến” tại Pháp
Không ít hơn 3 ứng cử viên đại diện cho quan điểm xã hội đang cạnh tranh với nhau.
Và động thái của ông Gabriel là một chiến thuật khôn ngoan. Macron đang có nhiều cơ hội để đánh bại phe cực hữu tại Pháp và giành chiếc ghế Tổng thống hơn là một “lựa chọn” Hamon đầy rủi ro. Ulrike Guérot, chuyên gia về quan hệ Pháp- Đức, và là người đứng đầu một think-tank về chính trị tại Berlin nhận xét như vậy.
Macron là một chính trị gia theo đường lối trung tả, từng thôi chức bộ trưởng Kinh tế để tham gia của bầu cử Tổng thống. Ông này cũng từng là thành viên đảng Xã hội nhưng đã rời đi để có cơ hội tranh cử. Nhiều người Pháp gọi ông là kẻ cơ hội, không ít lại coi ông là kẻ phản bội.
Theo Handelsblatt Global, Macron là hiện thân của sự phân ly và khủng hoảng mà phong trào xã hội Pháp, cũng như tư tưởng dân chủ xã hội tại Tây Âu, đang gặp phải.
Tình hình trên thực tế còn tồi tệ hơn. Một ứng cử viên Tổng thống Pháp khác là Jean-Luc Mélenchon, cựu bộ trưởng giáo dục, rời khỏi đảng Xã hội Pháp 10 năm trước để rồi tự đứng ra thành lập chính đảng riêng- đảng Cánh tả. Ông Mélenchon đang có sự bứt phá và đã vượt qua cả đối thủ Hamon.
Sự đổ vỡ của đảng chị em tại Pháp khiến cho SPD phải lo lắng. Hàng thập kỷ qua, hai chính đảng trung tả này đã hỗ trợ và hợp tác với nhau, ít nhất là tại Nghị viện châu Âu, nơi ông Hamon và Schulz cùng là nghị sĩ và ở cùng một nhóm đại biểu.
Các thành viên của phong trào Dân chủ xã hội Đức đang chia rẽ theo cách mà những người Xã hội Pháp đang trải qua. “Nếu cánh Tả Pháp đoàn kết, điều đó sẽ giúp cho cánh Tả ở Đức rất nhiều”. chuyên gia Guérot nói. Nhưng điều đó đã không đi đúng mong muốn: “Cánh Tả ở Đức đang cố đối mặt với sự xói mòn nhanh chóng. Điều này cũng lặp lại ở Pháp”.
![]() |
Cựu chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz sẽ phải giải quyết bài toán đoàn kết giữa SPD và các đảng cánh Tả ở Đức. Ảnh: Politico. |
VOV-VN
Ý kiến ()