Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 17:44 (GMT +7)
Bến Lức: Hỗ trợ vốn giúp nông dân phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch
Thứ 5, 25/11/2021 | 14:52:00 [GMT +7] A A
Trong thời gian qua tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân huyện Bến Lức. Trước tình hình trên, là đơn vị đi đầu trong công tác tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện đã triển khai nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời cho người dân, đồng thời hỗ trợ các hộ vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đẩy mạnh phát triển kinh tế ổn định cuộc sống.
Gia đình bà Trần Thị Hên ở ấp 4 xã Lương Bình, làm nghề buôn bán tạp hóa, do dịch bệnh kéo dài khiến gia đình gặp khó khăn về nguồn vốn. Vừa qua, bà Hên được vay 50 triệu đồng từ chương trình tín dụng giải quyết việc làm của NHCSXH Bến Lức, nhờ đó gia đình bà có điều kiện sửa sang lại cửa tiệm, tiếp tục đầu tư thêm hàng hóa để buôn bán trở lại, giờ đây cuộc sống gia đình bà Hên đã dần ổn định sau dịch.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Tùng, chị Trần Thị Bích Vân, ấp 5 xã Lương Bình vừa được NHCSXH huyện Bến Lức hỗ trợ cho vay khắc phục khó khăn và giải quyết việc làm với số tiền 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, gia đình anh – chị đầu tư thêm vào mảnh vườn 5.000m2, trồng 2.000 gốc mai tứ quí.
Anh Nguyễn Văn Tùng, ấp 5 xã Lương Bình chia sẻ: “Vì dịch bệnh kéo dài nên nông sản của bà con nông dân, nhất là trái chanh khó tiêu thụ, giá bán lại thấp trong khi giá các loại vật tư nông nghiệp như phân bón lại tăng cao, khiến người nông dân gặp khó khăn. Dù số tiền được giải ngân không lớn, song cũng giúp gia đình tôi phần nào có thêm nguồn vốn để mạnh dạn chuyển đổi từ trồng chanh sang trồng mai với hy vọng thời gian tới sẽ có nguồn thu nhập ổn định hơn từ loại cây trồng này.
Với sự hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn trong thời điểm sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, bà con nông dân, các hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Bến Lức đã có điều kiện tái sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh phù hợp. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng CSXH huyện còn tích cực tranh thủ mọi nguồn lực để tăng thêm nguồn vốn vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn trong nhân dân, tính đến thời điểm 15/11/2021 tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng trên địa bàn huyện đạt trên 275 tỷ đồng với 11.465 lượt khách hàng dư nợ. Trong đó, nguồn vốn giải quyết việc làm chiếm 40 tỷ đồng, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho 950 hộ gia đình bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 có điều kiện sớm khôi phục, tái đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Việt Hằng – Lê Hạnh
Ý kiến ()