Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 01:44 (GMT +7)
Bến Lức: Những tấm gương gia đình văn hóa tiêu biểu
Thứ 4, 28/06/2023 | 11:50:38 [GMT +7] A A
Trong xã hội hiện đại, khi cái “tôi” của mỗi cá nhân được đề cao, việc chung sống nhiều thế hệ trong một gia đình trở thành vấn đề khiến nhiều người e ngại. Không ít người sợ khoảng cách về thế hệ dẫn đến những xung đột trong cách sống. Song, không ít gia đình, việc nhiều thế hệ cùng sinh sống lại giúp mỗi người biết sẻ chia và cảm thấy đầm ấm hơn trong cuộc sống hằng ngày.
Đó là câu chuyện của bà Trương Thị Một, ngụ ấp Lò Gạch xã Long Hiệp. Ba thế hệ với nhiều thành viên sống trong một mái nhà, để duy trì được hạnh phúc thì mỗi người đều vừa nghĩ đến hạnh phúc cá nhân, vừa nghĩ đến quyền lợi của những người chung quanh, nghĩ đến gìn giữ hạnh phúc gia đình, những yếu tố “gốc” của văn hóa gia đình Việt Nam được phát huy tối đa. Đó là đạo lý về hiếu thảo, trên kính dưới nhường, đó là người đi trước làm gương để người sau tin tưởng, tôn trọng – Và đó cũng chính là cách mà bà Một giáo dục các con, cháu từ lúc nhỏ ý thức giữ gìn nếp sống gia đình mà ông bà, cha mẹ đã dựng xây.
Là con cháu cụ Võ, nên Di tích lịch sử cấp Quốc gia Nhà và Lò Gạch Võ Công Tồn đang được gia đình bà Trương Thị Một giữ gìn và quản lý tốt. Gia đình bà đã xây hàng rào xung quang khu đất nhà và tu bổ sữa chữa khu mồ mã của cha mẹ, vợ của cụ Võ với tổng kinh phí là 450 triệu đồng. Từ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến thắp hương tưởng nhớ công lao to lớn của cụ Võ Công Tồn - Một nhà yêu nước, nhân sĩ nổi tiếng trước Cách mạng Tháng Tám 1945,… qua đó góp phần quảng bá hình ảnh của quê hương Bến Lức anh hùng đến mọi miền tổ quốc.
Còn với ông Đoàn Thành Sớm, ngụ tại Khu phố 10, thị trấn Bến Lức, thành viên lớn tuổi nhất cũng là người cầm trịch để giữ “lửa” trong gia đình hơn 40 năm qua. Ông Sớm cho rằng việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống là việc làm cần thiết để xây dựng một gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc. Vì vậy, ông luôn tâm niệm phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng bản thân và giáo dục con cháu phải không ngừng học tập, tu dưỡng đạo đức, lối sống, duy trì sự thống nhất trong gia đình, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nhờ có sự hòa thuận, đồng cảm và sẻ chia giữa các thành viên trong gia đình nên không khí trong gia đình ông luôn vui vẻ và đầy ắp tiếng cười.
Theo ông Sớm, muốn nói hay nhắc nhở được người khác làm việc gì đó, bản thân mình là đảng viên thì càng phải nêu gương và thực hiện trước. Đơn cử như việc nhắc người ta giữ gìn vệ sinh môi trường, gia đình sống hạnh phúc, hòa thuận thì nhà mình phải sạch sẽ từ nhà đến ngõ, cả gia đình cùng phấn đấu để ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thuận, thảo hiền. Vậy nên, đối với gia đình ông, tuy chẳng phải là "chức to, quyền cao" nhưng ông bà đều là những công dân tốt, thời còn đi làm nhà nước thì trách nhiệm, hết lòng với công việc; khi về hưu thì gương mẫu, nói là làm và làm nhiệt tình. Cũng chính vì vậy mà khi Nhà nước có chủ trương thu hồi đất để triển khai Dự án Đường tỉnh 830E, gia đình ông là một trong những hộ đầu tiên của Khu phố 10 đồng thuận nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao 140m2 đất bị ảnh hưởng cho dự án. Nhờ sự tiên phong, gương mẫu đi đầu mà đến nay 100% hộ dân trong Khu phố có diện tích đất bị ảnh hưởng bởi Dự án đã đồng thuận bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công.
Xác định việc xây dựng Gia đình văn hóa (GĐVH) có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ, những năm qua huyện Bến Lức luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Ngoài việc chỉ đạo tập trung xây dựng và nhân rộng các gương điển hình, người tốt, việc tốt; đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, suy thoái về đạo đức, lối sống trong gia đình, huyện còn tích cực vận động người dân thành lập các câu lạc bộ gia đình văn hóa, qua đó tạo điều kiện để người dân giao lưu văn hóa văn nghệ, thắt chặt tình đoàn kết, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất, giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng, bài trừ các tệ nạn xã hội.
Nhiều tổ chức, đoàn thể có cách làm sáng tạo, gắn xây dựng gia đình văn hóa với các phong trào thi đua, góp phần nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa như: Phong trào "Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc", "Gia đình 5 không, 3 sạch"; "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền".v.v… Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành và đi vào hoạt động có hiệu quả 75 câu lạc bộ "Gia đình phát triển bền vững" với 566 thành viên; 103 mô hình "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng"; 94 nhóm PCBLGĐ với 527 thành viên để hỗ trợ hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đã có sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.
Việc thực hiện các nội dung, tiêu chuẩn xây dựng GĐVH đã góp phần củng cố tình đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong gia đình và cộng đồng. Các gia đình đều thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ hương ước, quy ước đề ra; duy trì nếp sống lành mạnh, tình trạng bạo lực gia đình giảm mức đáng kể, nhiều gia đình có 3 - 4 thế hệ chung sống hòa thuận. Công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Pháp lệnh Dân số (sửa đổi)…được chú trọng thực hiện. Nhờ đó đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, tạo được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Hàng năm, các địa phương đều tổ chức đăng ký, bình xét danh hiệu gia đình văn hóa theo đúng quy định. Tính đến cuối năm 2022, toàn huyện có 39.523/40.087 gia đình đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 98,59%. Có 94/94 ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa, trong đó có 100% ấp, khu phố văn hóa được tái công nhận đạt chuẩn 03 năm liền; 11/14 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, trong đó có 4/6 xã được tái công nhận 05 năm liền.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã tạo ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt gia đình và công tác gia đình trước nhiều khó khăn, thách thức. Lối sống thực dụng còn tác động tới giá trị văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam. Các tệ nạn xã hội, như: Ma túy, cờ bạc, "tín dụng đen"… diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến thế hệ trẻ. Để gia đình thực sự là bến đỗ bình yên, nơi duy trì bản sắc văn hóa, đồng thời tiếp thu được cái hay, cái mới, các thành viên trong gia đình phải biết tôn trọng, nâng niu các giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống Việt Nam. Đồng thời, dành thời gian quan tâm, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, tạo môi trường trong sạch nhằm ngăn chặn tệ nạn xã hội./.
Việt Hằng – Lê Hạnh
Ý kiến ()