Thứ Năm, 23/01/2025 16:36 (GMT +7)

Bến Lức: ổn định việc làm cho lao động nữ

Thứ 5, 09/12/2021 | 16:03:00 [GMT +7] A  A

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng chung đến mọi hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Bằng những nỗ lực và hoạch định cụ thể, các cơ sở sản xuất, các mô hình kinh tế do nữ làm chủ vẫn duy trì hoạt động và giữ việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.

Nhiều lao động đã chủ động nhận hàng mang về gia công tại nhà để đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.

Thay vì tổ chức tập trung gia công một chổ như trước đây, năm nay, để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch, chị Phạm Thị Mộng Thúy Hằng, Tổ trưởng tổ may gia công balo, túi xách tại ấp 2 xã An Thạnh đã chia lao động thành các nhóm nhỏ làm việc tại từng hộ gia đình, nhờ vậy mà tổ may của chị Hằng vẫn duy trì được sản xuất, ổn định được việc làm và thu nhập cho lao động nữ tại địa phương trong đại dịch COVID-19. Vốn là người xuất thân từ nghề may, chị Hằng mong muốn xây dựng kinh tế gia đình và hỗ trợ lao động nữ địa phương phát triển kinh tế ổn định từ nghề. Do đó, sau khi tìm hiểu thị trường, năm 2005 chị Hằng đã huy động gần 100 triệu đồng để đầu tư máy móc, trang thiết bị để nhận sản phẩm balo, túi xách về may gia công. Trung bình mỗi tháng, Tổ nhận gia công từ 25.000 – 30.000 sản phẩm các loại, duy trì mức lương ổn định cho 15 lao động nữ từ 3 – 6 triệu đồng/tháng.

Chị Hằng, chia sẻ:Nghề may gia công không khó, chỉ cần chịu khó học hỏi, nắm vững tay nghề. Nghề này không gò bó như làm công nhân may tại các công ty, xí nghiệp nên có thể vừa làm, vừa chăm sóc gia đình. Để làm ra một sản phẩm hoàn thiện cần phải qua nhiều công đoạn nên cần rất nhiều lao động. Chị em tới xưởng của tôi làm thì nhận lương theo hiệu quả lao động. Ai làm được nhiều thì sẽ hưởng nhiều, nên các chị em rất chịu khó học hỏi và hăng hái làm việc”.

Ngoài tạo thu nhập cho bản thân, chị Phạm Thị Mộng Thúy Hằng còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều chị em phụ nữ tại địa phương.

Như trường hợp của chị Trần Thị Thùy Trang, từng là công nhân tại TP Hồ Chí Minh, cuộc sống xa nhà rất bấp bênh, thời gian làm việc lại nghiêm ngặt nên chị quyết định trở về quê xin việc làm ở tổ may gia công của gia đình chị Hằng. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, thu nhập của chị luôn đạt hơn 4 triệu đồng/tháng.

Chị Trần Thị Thùy Trang, ấp 2 xã An Thạnh chia sẻ:Dịch bệnh kéo dài, gây khó khăn đến đời sống nhiều hộ gia đình, may mắn là bản thân tôi vẫn duy trì được việc làm và thu nhập ổn định.”

Còn với một lao động lớn tuổi như bà Cù Thị Hiền, thì thu nhập hơn 4 triệu đồng mỗi tháng từ nghề may gia công là số tiền khá lớn, đủ để bà chăm lo chi phí cho gia đình. Vừa tham gia may gia công túi xách, bà Hiền còn chủ động được thời gian để chăm nom mẹ già ngoài 90 tuổi.

Tổ may gia công balo, túi xách tại ấp 2 xã An Thạnh đã tạo nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho lao động nữ

Hiện trên địa bàn huyện Bến Lức đã có hàng chục cơ sở may gia công đang hoạt động nhộn nhịp, giải quyết cho hàng trăm lao động nữ của địa phương. Nghề may gia công dễ học, dễ làm và có lợi thế là tiện sắp xếp thời gian để đưa đón con và chăm lo cho gia đình. Không chỉ giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn, các tổ may gia công trên địa bàn huyện cũng thu hút nhiều lao động nữ xa quê có động lực trở về làm việc. Nhận thấy mô hình may gia công phát triển tích cực, giúp phụ nữ nông thôn nâng cao thu nhập, Hội LHPN huyện đã tạo điều kiện mở các lớp học may cho chị em; đồng thời, phối hợp với các ngành và doanh nghiệp giúp các cơ sở gia công có nguồn thu ổn định và có điều kiện thuê lao động làm việc lâu dài.

Có thể nói, may gia công không chỉ là nghề ít vốn, dễ làm mà đó còn là một nghề phù hợp với nhiều chị em phụ nữ, nhất là những trường hợp vừa cần có thời gian để chăm lo cho gia đình, vừa cần có tiền để ổn định cuộc sống, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Việt Hằng – Lê Hạnh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu