Thứ Hai, 25/11/2024 10:33 (GMT +7)

Bệnh hiểm nghèo: Người bệnh không phải vượt tuyến lên Trung ương

Thứ 4, 02/01/2019 | 13:16:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN -Sau 5 năm thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, tỷ lệ chuyển tuyến giảm chỉ còn khoảng 5%, nhiều bệnh viện huyện làm chủ nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu.

85% các người bệnh ở tuyến dưới có xu hướng giảm chuyển tuyến

Ông Trần Đình Nhơn (71 tuổi, ở TP Đà Lạt) bị nhồi máu cơ tim và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. May mắn thay, ông Nhơn không phải chuyển lên bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM, bởi bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng vừa thành lập được đơn vị can thiệp tim mạch từ Đề án bệnh viện vệ tinh. Tại bệnh viện này, các bác sĩ đã tiến hành đặt stent động mạch vành cho ông Nhơn để không nguy hiểm đến tính mạng.

“Tôi được biết, các bác sĩ ở đây đã được chuyển giao kỹ thuật đặt được stent. Nhiều người đã đặt stent thành công ở bệnh viện này. Trường hợp của tôi nếu phải chuyển về Sài Gòn thì không thể đi được vì bệnh nặng và gia đình không có người đưa đi”- ông Nhơn nói.

benh hiem ngheo: nguoi benh khong phai vuot tuyen len trung uong hinh 1

85% các người bệnh ở tuyến dưới có xu hướng giảm chuyển tuyến, nhiều bệnh viện tuyến Trung ương không còn cảnh nằm ghép, quá tải.

Với chủ trương giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương, sau 5 năm thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, đến nay tỷ lệ chuyển tuyến ở một số chuyên khoa trọng điểm đã giảm xuống chỉ còn khoảng 5%. Nhiều bệnh viện tuyến huyện cũng đã thực hiện được những ca phẫu thuật khó, làm chủ nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu giúp người bệnh có thể điều trị những bệnh lý hiểm nghèo ở ngay tuyến dưới mà không cần phải lên tuyến trên.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, nếu như giai đoạn 2013-2015 cả nước chỉ có 7 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Việt Đức, đến nay đã có 138 bệnh viện vệ tinh được hình thành từ 23 bệnh viện hạt nhân. 10 chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển là ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu và chống độc.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, 23 bệnh viện hạt nhân tuyến trên đã chuyển giao gần 2.000 kỹ thuật y tế cho bệnh viện vệ tinh tuyến dưới. Hơn 85% số bệnh viện vệ tinh đã có xu hướng giảm bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên, từng bước giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM.

Mô hình bệnh viện vệ tinh cũng phát triển và có nhiều hình thức phù hợp cho từng địa phương. Bệnh viện vệ tinh phát triển rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước, không chỉ dừng lại phát triển ở các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tỉnh mà còn được thực hiện ở nhiều bệnh viện tuyến huyện như BV Đa khoa huyện Mộc Châu (Sơn La), Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khường (Lào Cai); Bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện Tam Đường (Lai Châu)… Theo PGS Lương Ngọc Khuê, hiện bệnh viện vệ tinh không chỉ là những bệnh viện công lập mà còn ở các bệnh viện ngoài công lập.

Tham gia Đề án Bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh là bệnh viện vệ tinh của 4 bệnh viện hạt nhân: Việt Đức, Bạch Mai, Nhiệt Đới và Lão khoa Trung ương. Ông Trịnh Văn Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ khi có Đề án bệnh viện vệ tinh, tỷ lệ chuyển tuyến giảm xuống còn 0,7%. Tất cả các kỹ thuật của bệnh viện hạng 1, bệnh viện đã hoàn thiện 100%. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đang triển khai thêm 1.457 kỹ thuật của bệnh viện hạng đặc biệt tuyến Trung ương.

“Hầu hết các kỹ thuật khó, người bệnh ở Quảng Ninh không may bị ốm đau đều được giải quyết ở tuyến tỉnh, không phải chuyển tuyến. Lĩnh vực mà bệnh viện chú trọng nhất là các kỹ thuật can thiệp tim mạch. Hiện nay, chúng tôi đã thực hiện được 9/10 kỹ thuật. Hiện, bệnh viện đang chuẩn bị kỷ niệm ca thứ 1000 đặt stent tại bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh”- ông Trịnh Văn Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Vẫn gặp khó về nguồn nhân lực

Thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương có 19 bệnh viện vệ tinh. PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, hiện 19 bệnh viện vệ tinh được chuyển giao các kỹ thuật theo đúng các gói kỹ thuật mà Bộ Y tế đã đặt hàng như: cấp cứu sơ sinh, cấp cứu sản khoa, xử trí một số bệnh lý của sản khoa nói chung. Riêng phẫu thuật phụ khoa, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã chuyển giao được các kỹ thuật chuyên sâu cho một số bệnh viện vệ tinh và hiện một số bệnh viện thực hiện thành công.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Đề án bệnh viện vệ tinh góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh, củng cố lòng tin của người dân với bệnh viện vệ tinh.

“ Đây là một trong những chỉ đạo thành công trong lĩnh vực chỉ đạo tuyến và là đổi mới trong chỉ đạo tuyến. Từ trước đến nay, chúng ta thường đi giảng dạy thì hiện nay vừa giảng dạy lý thuyết vừa hướng dẫn thực hành; đồng thời mua sắm trang thiết bị và xuống tận nơi giảng dạy, hướng dẫn các bác sĩ ở bệnh viện vệ tinh thực hành những ca mổ. Đối với những kỹ thuật cơ bản, đa số các bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Phụ sản Trung ương thực hiện tương đối tốt, chuẩn xác”- PGS.TS Trần Danh Cường cho biết.

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh năm 2013-2018 và kế hoạch 2018-2020, do Bộ Y tế vừa tổ chức, các bệnh viện cho rằng, một trong những khó khăn khi thực hiện Đề án là nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi còn hạn chế. PGS.TS Trần Danh Cường cũng cho biết, hiện nay, hệ thống các bác sĩ chuyên khoa được đào tạo vẫn còn hạn chế, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. “Bên cạnh việc chuyển giao kỹ thuật tốt, trước hết cần phải đào tạo lại đội ngũ bác sĩ chuyên khoa thì chắc chắn sẽ hiệu quả hơn. Hai việc phải làm song song với nhau, vừa đào tạo con người, vừa chuyển giao các kỹ thuật”- PGS Cường nói.

Còn theo ông Trịnh Văn Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, khó khăn lớn nhất của các bệnh viện vệ tinh hiện nay là phải bố trí đủ nguồn lực, lựa chọn được nhân lực để tiếp nhận được các gói kỹ thuật.

“Một kỹ thuật tốt, mới nhưng ai sẽ là người tiếp nhận và người đó có đủ năng lực để tiếp nhận hay không. Tiếp nhận sau đó có được triển khai hay không là cả một vấn đề. Mỗi 1 đơn vị bệnh viện vệ tinh, khi triển khai các gói kỹ thuật thì phải có lộ trình rất chính xác, từ khâu chuẩn bị nhân lực, đến các điều kiện về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng”- ông Trịnh Văn Mạnh cho biết.

Hướng tới triển khai hệ thống y tế từ xa Telemedicine

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Đề án bệnh viện vệ tinh góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh, củng cố lòng tin của người dân với bệnh viện vệ tinh, tăng tỷ lệ người bệnh tới khám, điều trị tại bệnh viện vệ tinh; Đồng thời, giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện vệ tinh lên bệnh viện hạt nhân, tăng tỷ lệ chuyển tuyến phù hợp từ bệnh viện hạt nhân về bệnh viện vệ tinh, giảm quá tải tại bệnh viện hạt nhân ở tuyến Trung ương . Bộ trưởng Y tế cũng cho rằng, bệnh viện Trung ương chỉ nên tập trung thực hiện kỹ thuật cao, còn các bệnh thông thường nên khám ở tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải.

Bộ Y tế cho biết, trong thời gian tới, việc triển khai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các bệnh viện vệ tinh sẽ được nhân rộng đến các bệnh viện tuyến huyện, xã. Bên cạnh đó, Bộ sẽ triển khai hệ thống y tế từ xa Telemedicine hỗ trợ hội chẩn trực tiếp qua màn hình với các ca cấp cứu không thể chuyển lên tuyến trên.

“Trình độ tay nghề của các y bác sĩ tuyến dưới được nâng lên rõ rệt. Thông qua hệ thống telemedicine, nhiều ca bệnh được hội chẩn trực tuyến, bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên, tỉ lệ tai biến cũng giảm đi, giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết./.

Thy Hạt/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu