Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 06:36 (GMT +7)
Bệnh viện công gặp nhiều khó khăn khi phải tự chủ tài chính
Thứ 4, 08/11/2017 | 10:05:00 [GMT +7] A A
Nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút người bệnh, mức lương của cán bộ nhân viên y tế sau khi tự chủ… là những vấn đề được đặt ra trong buổi khảo sát về tình hình khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) tại bệnh viện Nguyễn Trãi (TP Hồ Chí Minh) của Ban văn hóa xã hội – Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh vào chiều 7/11.
Theo bệnh viện Nguyễn Trãi, hiện đơn vị có 54 bàn khám bệnh và 900 giường bệnh nội trú thực kê. Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong thời gian qua, bệnh viện triển khai dự án xây dựng mới khối ngoại, thực hiện trích 15% số tiền thu từ công khám, giường bệnh và sử dụng 5% số thu này đầu tư cải tạo mặt bằng khoa khám bệnh, sửa chữa nhà vệ sinh, thực hiện công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh ngoại trú, thực hiện các dự án vay kích cầu mua sắm thay thế một số trang thiết bị. Bên cạnh đó, bệnh viện tập huấn giao tiếp ứng xử cho nhân viên y tế bước đầu đã nâng cao sự hài lòng của người bệnh.
Tuy nhiên, trong quá trình khám chữa bệnh bằng BHYT, bệnh viện Nguyễn Trãi cũng gặp nhiều khó khăn như tỷ lệ phân phối thẻ BHYT diện cán bộ hưu trí và tự nguyên luôn cao nên bệnh viện luôn bị bội chi và vượt trần hàng năm; có những vấn đề chưa hợp lý trong khám chữa bệnh cũng như trong quá trình thanh quyết toán BHYT dẫn đến chậm trễ, nếu không giải quyết kịp thời bệnh viện phải mất chi phí điều trị. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng gặp khó khăn trong công tác đấu thầu thuốc và thanh toán BHYT…
Bác sĩ Võ Văn Tiến, Giám đốc bệnh viện Nguyễn Trãi, cho biết kinh phí ngân sách giao cho bệnh viện trong năm 2017 giảm 82,62% so với năm 2016, gây khó khăn rất lớn cho bệnh viện trong việc đảm bảo hoạt động. Bên cạnh đó, cơ cấu tiền lương vào giá tiền giường, tiền công khám chữa bệnh chênh lệch tăng do thu không đủ bù chi. Cụ thể, mức lương cơ sở từ 1.210.000 đồng tăng lên 1,3 triệu đồng khiến tiền lương phải chi trả tăng thêm khoảng 450 triệu đồng/tháng, trong khi số tăng thu do cơ cấu tiền lương vào giá không đổi.
“Số chênh lệch tăng này nếu sử dụng từ nguồn cải cách tiền lương thì khoản thu nhập tăng thêm của đơn vị sẽ giảm tương ứng. Thu nhập của bác sĩ bị giảm xuống thì bệnh viện sẽ gặp khó khăn trong việc giữ chân bác sĩ gắn bó với bệnh viện, bởi hiện nay các bệnh viện tư đang thu hút lớn bác sĩ công sang làm việc”, bác sĩ Võ Văn Tiến chia sẻ thêm.
Tại buổi giám sát, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa xã hội – Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh, cho biết phần lớn bức xúc của người dân khi đến khám bệnh tại các cơ sở y tế là tình trạng quá tải dẫn đến chờ đợi lâu, không có giường nằm, thiếu thuốc, thanh quyết toán rất khó… người dân không hiểu và cho rằng bệnh viện làm khó dễ.
Bên cạnh đó, đại biểu Minh Trí cũng cho biết, nếu tiến tới tự chủ hoàn toàn, một trong những yếu tố để thu hút được nguồn thu đó là nâng cao chất lượng bệnh viện để bệnh nhân đến nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện nay công tác khám chữa bệnh BHYT lại gặp rất nhiều khó khăn cả về phía điều trị lẫn người bệnh. Theo đó, phía bệnh nhân thì thủ tục vẫn còn phức tạp, còn về phía bác sĩ điều trị khó khăn trong chỉ định kỹ thuật, thuốc.. .
Với những vấn đề được đưa ra trong buổi kháo sát, bà Thi Thị Tuyết Nhung đề nghị, với cơ chế chuyển đổi tiến tới tự chủ, bệnh viện phải tính toán quản trị một cách khoa học để làm sao nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thu hút người bệnh nhiều hơn. Khi bệnh nhân tin tưởng đến khám nhiều thì bệnh viện sẽ có kết dư quỹ để tiếp tục chi cho sự nghiệp cải cách chế độ tiền lương, giữ chân bác sĩ gắn bó với bệnh viện nhiều hơn. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng cần phải tập trung hướng tới chuyên ngành mũi nhọn của mình là lão khoa, biến cái không lợi thế thành cái lợi thế.
Đan Phương/Báo Tin Tức
Ý kiến ()