Thứ Hai, 25/11/2024 13:44 (GMT +7)

Biến các trạm y tế xã thành mô hình “bác sĩ gia đình”

Thứ 3, 20/11/2018 | 10:37:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – “Nguyên lý y học gia đình đã được tập huấn và triển khai rộng rãi tại các mô hình y tế xã phường”- Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.

Được hội nghị Trung ương lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương ban hành cách đây một năm, Nghị quyết 20 về công tác tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đặt mục tiêu nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam, đảm bảo mọi người dân đều được quản lý chăm sóc sức khỏe…

Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu trên 95% trạm y tế xã phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Tăng chất lượng cuộc sống từ chăm sóc y tế cơ sở

Những năm qua, với sự hỗ trợ của Dự án Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (Dự án HPET), Bộ Y tế đã triển khai đồng loạt các giải pháp nhằm hỗ trợ cho đội chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến y tế cơ sở. Đội chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến y tế cơ sở bao gồm bác sỹ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh và dược tá đều được tập huấn một cách đồng bộ theo ê kíp và liên tục.

Dự án HPET do Bộ Y tế thực hiện từ 2014 tới 2020, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Liên minh Châu Âu, nhằm tăng cường năng lực cho 1.000 trạm y tế xã, hàng trăm trung tâm y tế huyện và cơ sở đào tạo tại 15 tỉnh khó khăn ở miền núi phía Bắc và Tây nguyên. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định mục tiêu để mọi người dân đều được tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, để sống khỏe và tuổi thọ cùng chất lượng cuộc sống tăng thì phải gắn với y tế cơ sở.

“Bộ Y tế đang làm điểm về chăm sóc y tế cơ sở tại 26 xã điểm trên toàn quốc. Điểm đối với y tế cơ sở là các hoạt động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh dịch… tiến tới điều trị bệnh ngay từ tuyến xã để người dân tiếp cận dịch vụ y tế ngay từ đầu, không phải đi xa và đỡ tốn kém”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển, 90% trường hợp bệnh là có thể điều trị ngay tại các phòng khám theo mô hình bác sĩ gia đình của tư nhân hoặc nhà nước. Tại Việt Nam, hiện nay cũng xây dựng trạm y tế tuyến xã và tuyến huyện theo mô hình y học gia đình chứ không cần lên tuyến trên. Bộ Y tế đang hướng về y tế cơ sở, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng toàn diện về khám chữa bệnh, theo đó, tiếp tục ban hành và thực hiện nghiêm tiêu chí về chất lượng bệnh viện và có chấm điểm độc lập từ nay đến cuối năm.

“Hiện nay, nguyên lý y học gia đình đã được tập huấn và triển khai rộng rãi tại các mô hình y tế xã phường… Theo đó, chúng ta không chỉ khám chữa bệnh mà còn phòng bệnh như tiêm chủng, giáo dục truyền thông, nâng cao sức khỏe, hướng dẫn chế độ ăn và tăng cường rèn luyện sức khỏe từ tuyến cơ sở. Người dân cũng cần đi phát hiện bệnh, khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Trạm y tế xã phường, phòng khám gia đình đó có cả điều trị các bệnh thông thường…”, bà Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Đầu tư ODA cho y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình

Nhiệm vụ quan trọng của Bộ Y tế và các địa phương trong tình hình mới là đưa y tế cơ sở thực sự là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe, tạo niềm tin cho người dân vào y tế cơ sở.

Bộ Y tế sẽ tập trung triển khai nhiệm vụ này thế nào trong bối cảnh nút thắt chính của vấn đề y tế cơ sở là nguồn lực đầu tư? Với vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên,Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ để đổi mới toàn bộ hệ thống, hoạt động và tài chính của y tế cơ sở, sử dụng nguồn vốn ODA đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở.

“Về cơ sở vật chất và trang thiết bị, ngành y tế ngoài việc vận động và đề xuất với các địa phương quan tâm đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới cho y tế, từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn xã hội hóa. Hiện nay, đặc biệt còn có nguồn đầu tư từ các dự án ODA. Vừa rồi chúng tôi đã triển khai và trình lên Chính phủ, Quốc hội cho ngành y tế thực hiện dự án hỗ trợ y tế tuyến cơ sở từ nguồn vốn vay của ADB và WB. Với hoạt động chuyên môn, để các trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y tế gia đình, chúng tôi đã chủ động chuẩn bị những điều kiện về chức năng nhiệm vụ của trạm y tế xã, đồng thời hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo tập huấn, luân phiên luân chuyển cán bộ từ tuyến huyện xuống tuyến xã và ngược lại”, ông Liên nhấn mạnh.

Bộ Y tế khẳng định, vấn đề dự phòng, nâng cao sức khỏe nhân dân và chăm sóc người dân từ khi còn khỏe mạnh là nội dung hết sức quan trọng và đổi mới trong Nghị quyết 20. Để thực hiện được điều này, y tế cơ sở có vai trò quan trọng nhất.

Bộ Y tế dự kiến trong năm 2018 sẽ hoàn thành xây dựng 26 trạm y tế điểm. Các tỉnh sẽ xây dựng lộ trình triển khai, phấn đấu trong 5 năm (2019-2023) hoàn thiện tất cả các khâu đầu tư, nhân lực và hoạt động của trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình./.

Theo PV/VOV

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu