Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 07:47 (GMT +7)
Biến thể virus và câu chuyện công bằng vaccine
Thứ 6, 23/07/2021 | 15:27:00 [GMT +7] A A
Biến thể Delta đang càn quét, tạo ra các đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng trên toàn cầu, từ những khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine thấp, đến những quốc gia dẫn đầu thế giới về số dân được tiêm chủng.
Hình ảnh virus SARS-CoV-2 qua kính hiển vi điện tử. Ảnh: Reuters
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thừa nhận rằng với sự hoành hành của biến thể Delta, làn sóng lây nhiễm và tử vong mới do COVID-19 đã bắt đầu.
Biến thể này đã được phát hiện trong hơn 75% số mẫu bệnh phẩm đưa đi phân tích chuỗi gen tại nhiều quốc gia lớn. Chỉ tính từ đầu tháng 7 tới nay, một số quốc gia trở thành “điểm nóng” với nguy cơ dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát, trong khi nhiều nước và khu vực buộc phải nâng cao mức độ cảnh báo và siết chặt các hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan nguy hiểm của biến thể Delta. Lo ngại chung là biến thể Delta có thể tìm được cách đục thủng hàng phòng vệ có được nhờ tiêm chủng, đẩy mục tiêu miễn dịch cộng đồng ra xa tầm tay hơn và trì hoãn mục tiêu chấm dứt đại dịch của toàn thế giới. WHO thậm chí còn cảnh báo có thể sẽ xuất hiện thêm các biến thể của virus SARS-CoV-2 lây lan trên toàn cầu, đe dọa các nỗ lực phòng chống dịch bệnh.
Với đặc điểm dễ lây lan, khó truy vết, biến thể Delta lần đầu xuất hiện tại Ấn Độ tới nay đã có mặt tại hơn 120 quốc gia/vùng lãnh thổ và đang chiếm đa số các ca nhiễm mới tại nhiều nước. Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh và Ấn Độ cho thấy biến thể Delta có khả năng lây lan cao hơn 40-60% so với biến thể Alpha lần đầu tiên phát hiện ở Anh. Trong khi đó, biến thể Alpha vốn đã lây lan nhanh hơn 50% so với virus SARS-CoV-2 gốc xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán (Trung Quốc) cuối năm 2019.
Điều đáng nói là biến thể Delta không chỉ đang làm trầm trọng hơn tình hình dịch bệnh ở những nước có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn tương đối thấp tại châu Á và châu Phi, mà còn tấn công dữ dội và đe dọa “đảo ngược” thành quả chống dịch ở những nước giàu hầu như đã kiểm soát được các đợt dịch trước nhờ chiến dịch tiêm chủng hiệu quả.
Israel là một ví dụ. Chưa đầy 10 ngày sau khi dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội cuối cùng hồi giữa tháng 6, Israel lại đứng trước nguy cơ đại dịch bùng phát trở lại do biến thể Delta. Thời điểm đó, Israael là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tiêm chủng vaccine với khoảng 57% dân số đã được tiêm. Từ chỗ nhiều ngày không ghi nhận ca lây nhiễm mới nào, hiện số ca lây nhiễm hằng ngày ở Israel là hơn 1.000 người, buộc nhà chức trách phải thắt chặt các biện pháp kiểm soát. Các tòa nhà, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp đều phải yêu cầu người ra vào đeo khẩu trang. Mỗi cá nhân vi phạm phải chịu mức phạt khoảng 300 USD/lần, trong khi chủ tòa nhà có thể sẽ phải chịu mức phạt gấp tới 10 lần. Nhà chức trách cũng đề xuất tái áp dụng Thẻ Xanh, theo đó chỉ có những người đã tiêm vaccine, bình phục sau lây nhiễm hoặc có kết quả xét nghiêm âm tính mới được có mặt tại các sự kiện có trên 100 người tham gia, dù được tổ chức ở trong nhà hay ngoài trời. Người dân cũng cần xuất trình Thẻ Xanh nếu muốn vào tham dự các sự kiện văn hóa, thể thao, tới phòng tập thể dục, nhà hàng, hội nghị, điểm du lịch và cơ sở tín ngưỡng. Hiện hơn 80% dân số Israel đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine.
Tại Mỹ, số ca mắc mới trung bình mỗi ngày đã tăng gấp đôi sau 3 tuần, trong đó 80% là nhiễm biến thể Dealta. Tình trạng này xảy ra dù Mỹ đã tiêm ít nhất một liều cho hơn 55% dân số tính tới trung tuần tháng 7. Trong phát biểu ngày 20/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận Mỹ vẫn còn một chặng đường dài để kiểm soát được đại dịch.
Các nước châu Âu cũng đang thận trọng hơn khi biến thể Delta được dự báo có thể chiếm tới 90% ca mắc COVID-19 mới tại “lục địa già” vào cuối tháng 8 tới, dù hơn một nửa số người trưởng thành ở châu Âu đã được tiêm chủng đầy đủ. Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) ước tính số ca mắc mới COVID-19 tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Na Uy và Iceland trong tuần kết thúc vào ngày 1/8 tới sẽ ở mức 420 ca/100.000 người dân, tăng gần gấp 5 lần so với mức của tuần trước đó. Trong tuần tiếp theo, bắt đầu từ ngày 2/8 tới, số ca mắc mới có thể vọt lên mức trên 620 ca/100.000 người dân. Không chỉ vậy, số ca phải nhập viện và tử vong do COVID-19 cũng có thể gia tăng, dù với tốc độ chậm hơn nhờ chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên quy mô lớn.
Anh là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới, hiện gần 70% dân số trưởng thành ở Anh đã được tiêm đủ liều, nhưng cũng là nơi ghi nhận biến thể Delta chiếm phần lớn số ca mắc mới. Chính phủ Anh đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm kiểm soát dịch từ ngày 19/7, và hiện số ca mắc mới theo ngày ở nước này vẫn duy trì ở mức cao, trung bình hơn 40.000 ca/ngày.
Pháp đã chính thức bước vào làn sóng dịch COVID-19 thứ tư khi ngày 20/7 ghi nhận số ca mới trên 18.000 và số ca tử vong trung bình trong 2 tuần qua đều ở mức 140. Từ tháng 8, người dân Pháp cũng phải chứng minh đã tiêm chủng hoặc âm tính với virus mới được vào nhà hàng, quán cà phê, trung tâm mua sắm, cơ sở y tế, lên máy bay, tàu hỏa hay xe khách đường dài. Hiện hơn 45% dân số Pháp tiêm đủ liều vaccine.
Ngay sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế và cho phép câu lạc bộ đêm mở cửa từ ngày 26/6, tới giữa tháng 7, Hà Lan ghi nhận gần 52.000 ca mắc mới COVID-19 trong một tuần, tăng gần 500% so với tuần trước đó. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thừa nhận việc dỡ bỏ phong tỏa quá sớm là “sai lầm” của chính phủ. Hiện số ca mắc mới theo tuần ở nước này đã ở mức gần 65.000 ca. Tây Ban Nha đã phải hoãn việc nới lỏng các biện pháp chống dịch khi tỷ lệ lây nhiễm đã tăng gấp 3 chỉ sau 2 tuần. Tuần trước nước này ghi nhận hơn 180.000 ca mắc mới.
Thực trạng biến thể Delta tấn công các nước và khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao là minh chứng cho nhận định được Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra từ khi dịch COVID-19 mới bùng phát “không ai được an toàn cho tới khi tất cả được an toàn”. Các nhà khoa học cho biết virus liên tục đột biến và tạo ra những biến thể nguy hiểm có khả năng tránh né hệ miễn dịch và giảm hiệu quả của vaccine. Trong khi đó, theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, việc thế giới sử dụng vaccine chưa hợp lý, thiếu công bằng đã dẫn tới đại dịch chưa thể chấm dứt trên phạm vi toàn cầu.
Người đứng đầu WHO nhấn mạnh lẽ ra đại dịch COVID-19 có thể đã được kiểm soát nếu vaccine được phân bổ công bằng hơn. Các chiến dịch tiêm chủng vaccine được triển khai nhằm bảo vệ người dân trên toàn thế giới, nhưng hiện mới có 1% dân số ở những quốc gia có thu nhập thấp được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Trong khi một số quốc gia giàu có nhất đang cân nhắc việc tiêm mũi thứ ba (liều nhắc lại) cho người dân, thì các nhân viên y tế, người cao tuổi và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khác ở phần còn lại của thế giới vẫn chưa được tiếp cận vaccine. Ông Ghebreyesus nhận định đây không chỉ là vấn đề về mặt đạo đức mà còn là sự thất bại về mặt dịch tễ học và kinh tế. Sự bất bình đẳng này càng kéo dài thì đại dịch cũng sẽ chưa thể kết thúc.
Sự lây lan nhanh chóng của biển thể Delta trên phạm vi toàn cầu cho thấy việc tạo miễn dịch trong một cộng đồng nhỏ sẽ không đạt hiệu quả lâu bền, nhất là khi virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi. Ngoài biến thể Delta được dự báo sẽ trở thành biến thể chủ đạo, gây ra phần lớn các ca bệnh COVID-19 trên toàn thế giới trong vài tháng tới, WHO cảnh báo các biến thể dễ lây lan và nguy hiểm hơn so với biến thể Delta hiện nay có thể sớm xuất hiện, bởi virus càng lây nhiễm nhiều thì khả năng biến đổi càng cao. Những biến thể mới có thể kháng các loại vaccine đang có, khiến công cuộc chống dịch phải “bắt đầu lại từ đầu”.
Trong bối cảnh đó, WHO một lần nữa nhắc lại thông điệp đã nhiều lần đưa kể từ khi COVID-19 được công bố là đại dịch toàn cầu: cuộc chiến chống kẻ thù chung rất cần sự đồng lòng và đoàn kết của cả cộng đồng quốc tế, mà lần này là trong vấn đề phân phối công bằng vaccine. Đây là một vấn đề không mới, song những lời kêu gọi thì chưa bao giờ cũ bởi các biến thể của virus SARS-CoV-2 không bỏ qua bất kỳ một quốc gia nào.
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/bien-the-virus-va-cau-chuyen-cong-bang-vaccine-20210723123655936.htm
Ý kiến ()