Dư nợ Chính phủ trong năm 2014 theo tính toán ở mức hơn 1,8 triệu tỷ đồng. Cũng trong năm này, ngân sách đã phải dành 260.800 tỷ đồng để trả nợ.
Đây là những con số trong “Bản tin nợ công số 4” vừa được Bộ Tài chính công bố.
Nợ của Chính phủ theo giải thích trong bản tin là khoản nợ phát sinh từ các khoản vay trong nước, ngoài nước được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ hoặc các khoản vay khác do Bộ Tài chính ký kết, phát hành, ủy quyền.
Con số này theo báo cáo mới công bố năm 2014 ở mức trên 1,8 triệu tỷ đồng. Trong năm ngoái, dự nợ của Chính phủ là hơn 1,5 triệu tỷ đồng. Nếu so với năm 2010 khi dư nợ ở mức hơn 889.000 tỷ đồng, dư nợ Chính phủ trong năm 2014 đã tăng hơn 103%.
Dự nợ của Chính phủ năm 2014 theo thống kê tương đương 46,4% GDP. Trong cơ cấu nợ, nợ trong nước có tỷ lệ lớn hơn nợ nước ngoài. Cụ thể, nợ trong nước là hơn 1 triệu tỷ đồng và trên 800.000 tỷ đồng còn lại là nợ nước ngoài.
Nhìn lại từ năm 2010, xu hướng này chỉ xuất hiện trong 2 năm là năm 2013 và năm 2014. Trước đó, từ năm 2010, nợ nước ngoài luôn chiếm phần lớn trong cơ cấu nợ. Ví dụ, trong năm 2010, trong tổng số 889.000 tỷ đồng nợ thì hơn 530.000 tỷ đồng là nợ nước ngoài và chỉ hơn 359.000 tỷ đồng là nợ trong nước. Tương tự, năm 2011 và năm 2012, nợ nước ngoài cũng tăng dần khi lần lượt là hơn 666.000 tỷ đồng và trên 727.000 tỷ đồng.
Theo tính toán, dư nợ Chính phủ so với thu ngân sách của năm 2014 bằng 211,5%. Tỷ lệ này tăng dần trong 5 năm liên tiếp. Từ ngưỡng 157,9% trong năm 2010, dư nợ Chính phủ so với thu ngân sách lên mức 162%, 172%, 184% và 211,5% những năm tiếp theo.
Tổng số tiền trả nợ trong năm 2014 theo báo cáo là hơn 260.000 tỷ đồng. Con số này tăng tới gần 199% so với năm 2010. Trong những năm trước, tổng trả nợ trong kỳ chỉ ở mức hơn 87.000 tỷ đồng năm 2010, rồi sau đó lên gần 111.000 tỷ đồng năm 2011 và trên 154.000 tỷ đồng một năm sau đó.
Ý kiến ()