Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 11:44 (GMT +7)
Cả nước còn 1,9 triệu hộ nghèo
Thứ 2, 16/10/2017 | 09:45:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Hiện nay cả nước còn khoảng 1,9 triệu hộ nghèo, hơn 1,3 triệu hộ cận nghèo, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai.
Tối 15/10, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp tổ chức chương trình “Chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các Bộ, ban ngành, các tôn giáo chức sắc cùng kêu gọi “Chung tay vì người nghèo”. |
Việt Nam nằm trong vùng thường xuyên phải hứng chịu thiên tai, bão lũ; bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn; mỗi cơn bão, lũ đi qua là nhiều nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi, số hộ nghèo đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, nhiều hộ thoát nghèo đang đứng trước nguy cơ tái nghèo. Ngay thời điểm hiện tại, nhiều địa phương do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn bất thường, tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, sau cơn bão số 10, gia đình chị Trương Thị Lĩnh – hộ nghèo nhất nhì huyện đã khó khăn nay còn khó khăn hơn bởi bão, lũ đã cuốn sạch sành sanh mọi tài sản gia đình chị. Căn nhà là tài sản lớn nhất, nay cũng bị cuốn phăng mái. Gần 1 tháng qua, 2 vợ chồng và 3 con của chị Lĩnh vẫn sống trong cảnh nhà không nóc. Cả căn nhà chỉ còn lại một góc lành lạnh nhất được ưu tiên dành cho chị Lĩnh dưỡng bệnh. Là lao động chính trong nhà, nhưng đến nay chị Lĩnh không còn khả năng lao động như trước, khi cùng một lúc mắc nhiều bệnh: viêm gan, viêm cầu thận, hen suyễn. “Các con tôi vì muốn có tiền chữa bệnh cho mẹ, nên đòi xin nghỉ học đi làm”, chị Lĩnh chua xót.
Với thông điệp không để ai bị bỏ lại phía sau, chương trình đã giúp kết nối câu chuyện của gia đình chị Lĩnh với các mạnh thường quân. Với số tiền lên đến hàng trăm triệu hy vọng sẽ giúp gia đình chị vơi bớt những khó khăn.
Theo báo cáo, kể từ năm 2000, hưởng ứng phát động của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, việc ủng hộ người nghèo vươn lên thoát nghèo đã trở thành phong trào sâu rộng trong toàn xã hội. Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã tiếp nhận được hơn 13 ngàn tỷ đồng; Chương trình an sinh xã hội ở các địa phương tiếp nhận được 36 ngàn tỷ đồng, góp phần xây dựng và sửa chữa hơn 1,4 triệu căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; hàng triệu hộ nghèo được hỗ trợ về vốn và tư liệu sản xuất; hàng chục ngàn công trình dân sinh được sửa chữa; kết quả đó góp phần thiết thực vào thực hiện 2 Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.
Bên cạnh đó, còn có nhiều chính sách như cho vay vốn, giúp những hộ nghèo có “cần câu cơm”, phát triển sản xuất, từ đó nâng cao đời sống.
Theo ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến người nghèo, phối hợp với các đoàn thể, hỗ trợ hộ nghèo được vay vốn. “Đây là chính sách ưu việt, giúp các hộ nghèo được tiếp cận với đồng vốn”.
Trong những năm qua, bằng sự nỗ lực của bản thân các hộ nghèo, sự giúp đỡ của Nhà nước, nhiều cá nhân, hộ nông dân đã có những sáng kiến thoát nghèo, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp hàng chục các hộ gia đình khác thoát nghèo.
Chị Lan Thị Hoang, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An là một trong những người đã mạnh dạn vươn lên làm giàu thành công.
Xuất phát từ thực tế nhiều phụ nữ, người già neo đơn tại địa phương không có việc làm, chị Hoang đã nảy ra ý tưởng làm các sản phẩm thủ công từ mây tre đan. Đến nay tổ nhóm sản xuất do chị thành lập đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục người tại địa phương, nâng mức thu nhập từ 20.000 lên 120.000 đồng/ ngày.
Từ những nỗ lực từ nhiều phía, cả từ chính quyền địa phương, Nhà nước đến bản thân người dân, đến nay tỷ lệ hộ nghèo nước ta đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 5,8% năm 2016. Trong 2 năm qua,tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đã giảm từ 9,9% năm 2015 xuống còn khoảng 7% năm 2017. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ được nhân dân đánh giá cao, được cộng đồng quốc tế coi Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo.
Tuy vậy, đánh giá về công tác giảm nghèo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức khi cả nước có hơn 1,9 triệu hộ nghèo và hơn 1,3 triệu hộ cận nghèo, tập trung phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và cũng là những địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Với nỗ lực giảm nghèo, Đảng, Nhà nước đã đề ra mục tiêu mỗi năm giảm 1% đến 1,5% hộ nghèo và sớm hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững về giảm nghèo theo Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết: “Đây là việc làm rất khó khăn nhưng giàu tính nhân văn, vừa là yêu cầu vừa là mục tiêu của phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Cùng với việc Nhà nước tiếp tục ưu tiên nguồn lực và sự nỗ lực vươn lên của bản thân người nghèo, rất cần có sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Với tinh thần đó, Thủ tướng kêu gọi các nhà hảo tâm hướng về người nghèo, soạn tin nhắn với nội dung “VNN” và gửi vào số 1408 để quyên góp ủng hộ người nghèo với trị giá 20.000 đồng một tin nhắn.
Theo Ban tổ chức, chương trình đã nhận được cam kết số tiền hơn 264 tỷ đồng dành cho người nghèo, kể cả các nguồn hỗ trợ đầu tư các dự án vì người nghèo. Trong đó số tiền ủng hộ qua Quỹ vì người nghèo Trung ương là 47,5 tỷ đồng. Đây mới chỉ là con số bước đầu trong tháng cao điểm Vì người nghèo và chắc chắn sẽ còn nhiều tấm lòng hảo tâm đóng góp cho công tác xóa đói giảm nghèo./.
Nguyễn Trang/VOV.VN
Ý kiến ()