Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 09:10 (GMT +7)
Các cơ sở y tế tự chủ tài chính để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Thứ 7, 20/01/2018 | 09:52:00 [GMT +7] A A
Ngày 19/1, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến “Triển khai công tác ngành Y tế năm 2018 và Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg” tại hơn 640 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố và tuyến huyện, xã trong cả nước với gần 17.000 đại biểu tham dự.
Tham dự Hội nghị tại đầu cầu Trung ương có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương, đánh giá cao ngành y tế trong năm 2017 đã nỗ lực đổi mới. Chất lượng khám, chữa bệnh, thái độ phục vụ của các cán bộ y tế ở các bệnh viện, các tuyến được nâng lên rõ rệt. Ngành y tế đã chú trọng phát triển y tế dự phòng và y tế cơ sở; y tế cơ sở và y tế chuyên sâu đã cân xứng nhau và đi đúng nhiệm vụ phục vụ từng đối tượng người bệnh. Đặc biệt, ngành y tế đã ban hành gói giá dịch vụ y tế cơ bản, đấu thầu thuốc quốc gia tập trung, tự chủ tài chính…
Để công tác y tế năm 2018 thực sự hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của người dân, Phó Thủ tướng lưu ý ngành y tế chú trọng đẩy mạnh tự chủ bệnh viện. ngành y tế cần nhận thức đầy đủ về mối quan hệ giữ biên chế, tổ chức bộ máy với thực hiện tự chủ bệnh viện thực sự.
“Tỷ lệ điều dưỡng viên/bác sĩ ở Việt Nam còn thấp so với trung bình của thế giới và cần tăng tỷ lệ này lên nhưng không cần tăng biên chế nếu các bệnh viện, cơ sở y tế được tự chủ”. “Đừng nghĩ chỉ bệnh viện Trung ương như Bạch Mai, Việt Đức mới tự chủ được mà thực tế cho thấy nhiều trạm y tế có thể hoàn toàn tự chủ được. Khi tự chủ, tính giá dịch vụ y tế, chất lượng lên, bệnh nhân đến nhiều, thì không chỉ có thu nhập mà quan trọng tay nghề, chuyên môn nâng lên. Thậm chí có những trạm y tế mời được những bác sĩ tư nhân cùng hợp tác, thậm chí khám chữa bệnh trong trạm. Tinh thần là sử dụng toàn bộ nguồn lực về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực trên địa bàn để chăm sóc sức khoẻ cho người dân, không phân biệt công hay tư”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ngành y tế cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, để công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi thì phải từng bước triển khai các kế hoạch tại các cơ sở, đẩy mạnh chuyển giao và đào tạo cán bộ tại tuyến y tế cơ sở, các bệnh viện tuyến trên phải cập nhật bệnh án điện tử đầu tiên, không chỉ phục vụ cho thanh toán bảo hiểm… Phó Thủ tướng đề nghị ngành y tế tiếp tục duy trì đấu thầu tập trung quốc gia, giúp giảm được tiền thuốc cho người dân, đặc biệt là thuốc ung thư hiện vẫn còn cao hơn trong khu vực.
Nhắc lại hiện tượng các bác sĩ bị hành hung và các sự cố y khoa trong năm qua, Phó Thủ tướng phân tích: “Trừ một vài trường hợp, còn phần nhiều các sự cố người nhà bệnh nhân gây rối là do không được giải thích đầy đủ rõ ràng hoặc do bản thân một số cán bộ y tế chưa thực sự tốt. chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc”. Một số sự việc bác sĩ bị hành hung trong bệnh viện, bên cạnh xử lý nghiêm những người có hành vi gây rối , Phó Thủ tướng cho rằng cần nhìn nhận trách nhiệm của từng bệnh viện, từng giám đốc sở y tế, lãnh đạo địa phương. Môi trường bệnh viện thật tốt không chỉ khoa, phòng bệnh đẹp, sạch sẽ mà cần công khai, minh bạch về tài chính, chức năng nhiệm vụ, thái độ phục vụ của từng cán bộ y tế, và phải được giám sát.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong năm 2017, ngành y tế đã nỗ lực triển khai đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu lấy người bệnh là trung tâm phục vụ. Bộ Y tế đã hoàn thành Đề án và được Hội nghị Trung ương 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới; xây dựng, trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động cùa Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW.
Ngành tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy y tế từ Trung ương tới địa phương theo hướng tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tại Trung ương đã giảm được 36 phòng trong các Vụ, Cục (từ 94 xuống còn 58 phòng); thành lập Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia trực thuộc Bộ Y tế. Tại địa phương, đã thực hiện sáp nhập một số trung tâm không có giường bệnh làm nhiệm vụ y tế dự phòng tuyến tỉnh thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Đến nay đã có 40 tỉnh, thành phố được UBND tỉnh, thành phố ban hành quyết định quy định thực hiện; 202/420 huyện đã thực hiện hợp nhất bệnh viện, trung tâm y tế huyện một chức năng thành trung tâm y tế huyện hai chức năng và quản lý trạm y tế xã…
Trong năm 2017, ngành y tế chủ động trong phòng chống dịch bệnh, dự báo, phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra. Tỷ lệ mắc và tử vong của nhiều bệnh truyền nhiễm giảm so với năm 2016. Tuy nhiên, bệnh ho gà, sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp: 557 trường hợp mắc bệnh ho gà, 5 trường hợp tử vong; 175,8 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết, 38 trường hợp tử vong (số nhập viện tăng 40,8%, số tử vong tăng 2 trường hợp so với năm 2016). Trước tình hình trên, ngành phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, địa phương, đặc biệt tại các điểm nóng về phòng, chống sốt xuất, báo cáo, giám sát theo ngày của từng quận, huyện có dịch để có chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời; cấp hỗ trợ vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch sốt xuất huyết cho các tỉnh,thành phố…, nhờ đó từ tháng 9/2017, dịch đã giảm.
Ngành triển khai và hoàn thành đấu thầu tập trung cấp quốc gia đợt 1/2017, đẩy mạnh đấu thầu tập trung cấp địa phương, hiện đã triển khai ở tất cả 63 tỉnh, thành phố; chuẩn bị đàm phán giá thuốc cấp quốc gia, đã thành lập Hội đồng đàm phán giá, thẩm định kế hoạch đàm phán giá thuốc đợt 1 gồm 8 mặt hàng thuốc biệt dược gốc, dự kiến hoàn thành trong quý 1/ 2018; thống nhất với bảo hiểm xã hội Việt Nam danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia do Bsor hiểm xã hội Việt Nam thí điểm tổ chức đấu thầu.
Ngành thực hiện các biện pháp nâng cao tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội trên cả nước được tích cực thực hiện (số người tham gia bảo hiểm y tế là gần 81 triệu người, đạt tỷ lệ 86,4%, vượt 4,2% so với chỉ tiêu Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao); thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho 169 triệu lượt người khám, chữa bệnh nội trú và ngoại trú; chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là 85.250 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, hệ thống cung ứng dịch vụ y tế chưa đáp ứng được nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng, cơ cấu bệnh tật thay đổi, biến đổi khí hậu, già hóa dân số. Thiếu các cơ sở chăm sóc sức khỏe người già, các bệnh không lây nhiễm, các cơ sở nghiên cứu y sinh học…
Tổ chức hệ thống y tế đang bước đầu được sắp xếp lại nhưng còn chậm nên vẫn còn nhiều đầu mối, thiếu thống nhất, nhất là tuyến cơ sở nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Tiến độ xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật còn chậm. Công tác thanh, kiểm tra còn rất hạn chế do đội ngũ thanh tra mỏng, cơ chế chính sách còn bất cập, một số vi phạm xảy ra còn chậm phát hiện và xử lý, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra hoạt động của nhà thuốc tư nhân, phòng khám tư nhân. Mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu từ quản lý nhà nước đến quản trị bệnh viện, trong khám, chữa bệnh còn chậm.
Trong năm 2018, ngành phấn đấu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, dịch bệnh, góp phần tăng tuổi thọ, nâng cao các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, tạo nền tảng vững chắc để phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ngành khẩn trương triển khai các nhiệm vụ về xây dựng luật, pháp lệnh theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy ngành y tế từ trung ương đến địa phương, xây dựng đội ngũ công chức, viện chức ngành y tế chuyên nghiệp, vững vàng về chính trị, tinh thông nghiệp vụ, có đủ năng lực, trí tuệ, phẩm chất, đạo đức đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Bên cạnh tập trung nguồn lực để nâng cao năng lực của y tế cơ sở, nhất là trạm y tế xã, ngành chỉ đạo các trạm y tế tập trung vào nhiệm vụ truyền thông, giáo dục sức khỏe; y tế dự phòng; quản lý sức khỏe đến từng người dân; khám, chữa bệnh theo phân tuyến và theo Thông tư 39/2017/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở; quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính tại trạm…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe các tham luận: “Hướng dẫn lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân”; “Mô hình trạm y tế xã theo hướng dẫn số 1383/HD-BYT của Bộ Y tế về mô hình điểm trạm y tế xã, phường”; “Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại trạm y tế xã, phường”; “Thực hiện tự chủ tại các cơ sở y tế và nguồn tài chính thực hiện Thông tư 39/2017/TT-BYT về gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở”.
Và “Kinh nghiệm triển khai thực hiện mô hình Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tuyến tỉnh và Trung tâm y tế huyện, quản lý và chỉ đạo công tác cán bộ, chuyên môn trạm y tế xã”; “Kinh nghiệm triển khai mô hình trạm y tế xã thực hiện theo nguyên lý y học gia đình: chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng bệnh, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, quản lý các bệnh không lây nhiễm, truyền thông tại cộng đồng”; “Kinh nghiệm sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân lực cho trạm y tế xã, phường”; “Kết quả và kinh nghiệm Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, xây dựng cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.
Ý kiến ()