Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 03:47 (GMT +7)
Cách tính thuế thu nhập cá nhân ở một số quốc gia
Thứ 7, 13/01/2018 | 15:02:00 [GMT +7] A A
Một số nước cũng thu thuế thu nhập cá nhân theo bậc nhưng theo xu hướng người càng giàu càng phải đóng thuế nhiều lên.
Thuế thu nhập cá nhân không chỉ là nghĩa vụ của mỗi công dân với quốc gia mà còn thể hiện định hướng phát triển của giới cầm quyền. Nhiều quốc gia phát triển hiện cũng áp dụng nhiều cách tính thuế thu nhập cá nhân khác nhau.
Singapore, Malaysia có 10 bậc, Indonesia chỉ có 4 bậc
Theo Sở Nội Thu Singapore (IRAS), từ nhiều năm trở lại đây, quốc đảo Singapore đã áp dụng cách tính thuế thu nhập cá nhân tăng theo lũy tiến. Với người thu nhập thấp, mức thuế phải đóng cũng thấp và càng có thu nhập cao, mức thuế thu nhập cá nhân cũng tăng tương ứng.
Cụ thể, thuế thu nhập cá nhận tại Singapore áp dụng với công dân đảo quốc này chia thành 10 bậc thuế, trải từ 2% đến 22% tổng thu nhập cá nhân.
Theo đó, người có thu nhập dưới 20.000 SGD/năm (khoảng 340 triệu đồng, tương đương 28,3 triệu đồng/tháng) sẽ được miễn hoàn toàn thuế thu nhập cá nhân. Mức thuế 2% bắt đầu được tính từ 20.001 SGD tới 30.000 SGD (340-510 triệu đồng/năm – khoảng trên 28,3 triệu đến 42,5 triệu đồng/tháng).
Ở mức đóng thuế cao nhất, công dân Singapore có thu nhập năm trên 320.000 SGD (5,4 tỷ đồng/năm, tương đương 450 triệu đồng/tháng) sẽ phải đóng mức thuế suất 22%. Tức là, nếu thu nhập tăng gấp khoảng 10 lần thì thuế suất đối với thuế thu nhập cá nhân cũng sẽ tăng thêm 10 lần.
Với mức tính thuế thu nhập cá nhân theo bậc lũy tiến, giới lập pháp Singapore cho thấy quốc gia này muốn đảm bảo người thu nhập thấp sẽ được hưởng mức thuế suất thấp và người thu nhập cao sẽ phải đóng thuế thu nhập tương xứng, từ đó tạo sự công bằng về thuế. Với người nước ngoài sinh sống tại Singapore, mức thuế suất được quyết định theo ngành nghề lao động thay vì mức thu nhập, dao động 10-22%.
Các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia hay Indonesia cũng có cách tính thuế thu nhập lũy tiến như Singapore. Cụ thể, Malaysia có 10 bậc thuế trải 1% – 28% còn Indonesia chỉ có 4 bậc thuế trải từ 5% – 30%.
Công dân Malaysia có thu nhập thấp dưới 5.000 MYR (28,2 triệu đồng/năm, tương đương 2,3 triệu đồng/tháng) được miễn thuế hoàn toàn. Hiện mức thu nhập trung bình năm của công dân Malaysia là khoảng 70.000 MYR (396 triệu đồng, tương đương 33 triệu đồng/tháng). Người hưởng thu nhập ở mức này chịu mức thuế suất khoảng 16%.
Trong khi đó, công dân Indonesia hưởng mức thu nhập năm trung bình khoảng 60 triệu IDR (95 triệu đồng, tương đương 7,9 triệu đồng/tháng) sẽ đóng thuế thu nhập cá nhân theo bậc 15%.
Mỹ tính thuế theo ‘thu nhập thực’
Khác với nhiều quốc gia tính thuế cá nhân dựa trên tổng thu nhập, Sở Thuế vụ Mỹ tính thuế mỗi cá nhân theo thu nhập thực, tức thu nhập đã trừ đi chi phí tái đầu tư và các chi phí sinh hoạt khác.
Điều này đồng nghĩa, nếu công dân Mỹ dành phần lớn tiền kiếm được để đầu tư bất động sản hay mua xe hơi, đồ gia dụng, khoản thuế trong năm đó họ phải đóng là rất thấp.
Tuy nhiên, phần thu nhập kiếm được từ các khoản đầu tư sẽ được tính thuế vào những năm tiếp theo nếu công dân Mỹ không tiếp tục đem đi đầu tư. Thuế thu nhập tại Mỹ được thu theo nhiều đối tượng, bao gồm cá nhân, hộ gia đình, lao động chính trong gia đình …
Theo bảng tính thuế thu nhập cá nhân từ Sở Thuế vụ Mỹ, thuế suất đối với một người độc thân sẽ có 7 bậc lũy tiến, trải từ 10% tới 120.529 USD (2,7 tỷ đồng) cộng với 39,6% thu nhập chịu thuế.
Sở dĩ mức thuế thu nhập tại Mỹ cao là do thu nhập chịu thuế đã trừ đi toàn bộ chi phí sinh hoạt và tiền tái đầu tư. Chính quyền liên bang áp dụng dạng tính thuế này nhằm khuyến khích công dân Mỹ tái đầu tư vào nền kinh tế thay vì cất tiền trong két.
Ngoài ra, các khoản từ thiện cũng được liệt vào danh sách các khoản chi được miễn thuế. Do đó, công dân Mỹ muốn giảm bậc thuế thường đem phần thu nhập thừa ra đi làm từ thiện, giúp giảm đáng kể lượng thuế phải trả./.
Theo Ngô Minh/Zing
Ý kiến ()