Thứ Sáu, 22/11/2024 08:29 (GMT +7)

Cần Thơ Hiệu quả từ mô hình tuyên truyền phòng chống SXH từ trường học

Thứ 2, 28/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Mô hình truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết trong trường học được Sở Y tế Thành phố Cần Thơ triển khai thực hiện từ năm 2007.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 1 trong 3 vùng đồng bằng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới do biến đổi khí hậu. Đặc biệt với nhiệt độ trung bình, ẩm độ không khí gia tăng đã làm tăng nguy cơ dịch sốt xuất huyết lan truyền tại nhiều địa phương trong vùng.

Nhằm giảm thiểu rủi ro bùng phát dịch sốt xuất huyết, Thành phố Cần Thơ đã triển khai nhiều mô hình truyền thông trong cộng đồng, trong đó mô hình truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết trong trường học trong thời gian qua được đánh giá là mang lại hiệu quả cao.

hieu qua tu mo hinh tuyen truyen phong chong sxh tu truong hoc hinh 0
Các em học sinh nuôi cá để diệt lăng quăng

Mô hình truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết trong trường học được Sở Y tế Thành phố Cần Thơ triển khai thực hiện từ năm 2007. Bước đầu, Sở Y tế chọn thí điểm mỗi huyện trong thành phố một xã để thực hiện việc tuyên truyền trong các trường tiểu học và trung học cơ sở ở xã này, sau đó tiếp tục phối hợp với Văn phòng công tác biến đổi khí hậu Thành phố Cần Thơ thực hiện thêm tại các trường ở 4 phường thuộc hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy là An Hòa, Cái Khế, Long Tuyền và Trà Nóc.Đây được xem là những địa phương tập trung những đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu và có độ phơi nhiễm cao với bệnh sốt xuất huyết. Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ cho biết: “Chúng tôi dựa trên cơ sở, thứ nhất, trên 80% các hộ gia đình đều có học sinh ở trong các hộ gia đình, đây là một lực lượng rất là lớn. Thứ 2, thầy cô giáo có kiến thức về kỹ năng sư phạm do đó khi chúng ta cung cấp kiến thức cho họ để họ truyền đạt cho học sinh. Việc làm này rất hiệu quả hơn nhiều. Đặc biệt, khi các cháu lớn, các cháu sẽ có kiến thức và kỹ năng thực hành các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết. Như thế, nó sẽ mang lại bền vững trong công cuộc phòng chống sốt xuất huyết trong những năm tiếp theo”.

Các trường được chọn thực hiện mô hình truyền thông phòng, chống sốt xuất đã sử dụng những tài liệu phòng chống sốt xuất huyết do Trung tâm y tế dự phòng Thành phố Cần Thơ cung cấp để tổ chức lồng ghép tuyên truyền về bệnh sốt xuất huyết vào những buổi sinh hoạt dưới cờ, tiết học ngoại khóa.

Dựa vào những kiến thức mà các em đã tiếp thu được, trường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức cho các em thực hành bằng việc tham gia các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng; tổ chức cho các em thi kiến thức phòng, chống sốt xuất huyết… Với những kiến thức đã tích lũy được các em về phổ biến lại với người thân trong gia đình, bà con xóm, ấp.

Chúng ta phải khẳng định, mô hình truyền thông phòng, chống sốt xuất trong trường học là mô hình đầy tính đột phá và sáng tạo của ngành Y tế Thành phố Cần Thơ. Bởi lẽ, bằng việc đưa kiến thức về phòng chống sốt xuất huyết có sự tham gia của cộng đồng vào nhà trường với nội dung phù hợp với học sinh ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, mô hình này đã đem lại kết quả vượt ngoài sự mong đợi, có tác dụng hết sức tích cực đối với việc tuyên truyền trong từng hộ gia đình, trong từng xóm, ấp.

Có thể nói các em học sinh đã trở thành những cánh tay nối dài làm cho cộng đồng tham gia tốt hơn việc phòng chống căn bệnh này. Qua đánh giá thay đổi hành vi trong phòng, chống sốt xuất huyết ở các hộ dân trước và sau khi thực hiện mô hình này cho thấy: Tỷ lệ hộ thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng từ 28% tăng lên gần 96%; hộ dọn dẹp nhà cửa từ 32% tăng lên 93%…

Qua kiểm tra trắc nghiệm kiến thức phòng chống sốt xuất huyết trong gần 6.300 học sinh của hơn 180 lớp, từ lớp 3 đến lớp 5 có 94% học sinh đạt kết quả khá, giỏi. Kiểm tra ngẫu nhiên tại gia đình, 100% học sinh được tuyên truyền về bệnh sốt xuất huyết; 98% gia đình học sinh tham gia hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết. Điều đáng ghi nhận là tỷ lệ mắc sốt xuất huyết tại các địa phương này hàng năm giảm đáng kể, góp phần giảm thiểu số ca mắc sốt xuất huyết trên phạm vi toàn Thành phố. Chỉ tính riêng trong 3 năm gần đây, mỗi năm số ca mắc sốt xuất huyết ở Cần Thơ chỉ khoảng 50/100.000 dân, trong khi cả nước trong năm 2015 này vẫn còn ở mức hơn 80/100.000 dân.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ: Hiện tại ngành Y tế đang chuẩn bị tài liệu tuyên truyền về bệnh sốt xuất huyết để kết hợp với Ban tuyên giáo Thành ủy, Sở Giáo dục thành phố triển khai cho cán bộ quản lý, giáo viên tại các trường trên địa bàn Thành phố để mở rộng kênh truyền thông này, nhất là vào dịp sinh hoạt hè nhằm góp phần làm giảm thiểu số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trong tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay và dự báo dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát trong năm tới./.

Tấn Phong/VOV – ĐBSCL

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu