Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 20:09 (GMT +7)
Cảnh giác dịch bệnh mùa đông xuân
Thứ 7, 05/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Không chỉ dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp mà nhiều bệnh nguy hiểm khác ở trên người cũng đang có nguy cơ bùng phát vào mùa đông xuân như: cúm, tay chân miệng, sởi, rubella và liên cầu khuẩn. Cộng thêm vào đó, sự biến đổi khí hậu, đặc biệt là ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, khiến tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp…
Không thể chủ quan
Theo các chuyên gia dịch tễ, thông thường vào thời điểm tháng 11 và 12 là giai đoạn cuối của dịch SXH trong năm với số ca mắc giảm nhanh. Tuy nhiên hiện nay, tình hình dịch bệnh SXH tại các địa phương trong cả nước vẫn diễn biến phức tạp với không ít ca bị biến chứng nặng và tử vong. Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó cục Trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận trên 69.441 ca mắc SXH và làm 47 người tử vong. Đặc biệt, tại 56/63 tỉnh, thành phố đã ghi nhận có người mắc và tử vong do SXH. Trong số đó, khu vực các tỉnh, thành phía Nam như TPHCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ… số trường hợp mắc SXH chiếm tới hơn 75% số ca mắc và gần 90% số ca tử vong của cả nước. Tại khu vực phía Bắc thì Hà Nội vẫn đang là điểm nóng về dịch SHX, dù chưa ghi nhận ca tử vong nào nhưng đã có trên 10.500 trường hợp mắc SXH. Bệnh nhân phân bố ở tất cả các quận, huyện, thị xã của Hà Nội, nhưng tập trung chủ yếu ở các quận nội thành. Đáng chú ý, số người mắc SXH ở Hà Nội bị biến chứng nặng chiếm khá nhiều.
Vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ chứa nước để phòng bệnh sốt xuất huyết.
Trước diễn biến của dịch SXH vẫn căng thẳng và phức tạp dù đã bước vào mùa đông, đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết, năm nay do tác động của hiện tượng El Nino (được đánh giá là mạnh nhất trong lịch sử) kéo dài khí hậu nóng ấm đến cuối năm, đã dẫn đến nguy cơ bùng phát và kéo dài dịch SXH so với các năm trước. Bởi đây là điều kiện cho muỗi gây bệnh phát triển mạnh, đời sống và tuổi thọ của muỗi có xu hướng kéo dài hơn. Do đó, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không được chủ quan mà phải chủ động, quyết liệt phòng chống SXH. Đồng thời, để hạn chế các trường hợp SXH biến chứng nặng, gây tử vong ở giai đoạn cuối vụ dịch hiện nay, người dân khi có biểu hiện của sốt cao phải nhanh chóng đến cơ sở y tế khám, điều trị, không nên chủ quan tự điều trị tại nhà.
Nhiều mối đe dọa
Cùng với dịch SXH, đại diện Cục Y tế dự phòng cũng bày tỏ lo ngại khi cho biết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cùng với những thói quen có hại và tình hình mất an toàn vệ sinh thực phẩm mà mùa đông xuân năm nay, các dịch bệnh nguy hiểm như tay chân miệng, cúm gia cầm và liên cầu khuẩn cũng rất dễ bùng phát thành dịch ở trên người. Trong số các dịch bệnh trên, đáng lo nhất hiện nay là tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng mạnh số người mắc. Thống kê đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 52.617 ca bệnh tay chân miệng ở 62/63 tỉnh, thành phố; trong đó, số ca mắc chiếm phần lớn là trẻ em, học sinh nên nguy cơ dịch lan rộng trong môi trường nhà trường là rất cao. TS Trương Đình Bắc cho biết, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus đường ruột gây ra, nên dễ lây truyền từ người sang người theo đường tiêu hóa và tiếp xúc, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở trong lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Các trường hợp có biến chứng nặng thường do virus EV71 gây ra. Đáng lo hơn, tỷ lệ người lành mang trùng ở mức rất cao chiếm tới 71%. Để phòng tránh căn bệnh này, cần phải đảm bảo tốt công tác vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm nhất là trong các trường học, nhà trẻ và lớp mẫu giáo.
Cùng với đó, hiện nay dịch cúm gia cầm cũng đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước. Hiện nay, ở nước ta đã xuất hiện một số ổ dịch cúm A/H5N1 và H5N6 trên đàn gia cầm ở 6 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, dịch cúm A/H7N9 đang rất phức tạp ở Trung Quốc, tuy chưa vào Việt Nam nhưng nguy cơ virus cúm nguy hiểm này xâm nhập vào nước ta là rất lớn. Thời điểm cuối năm và mùa đông xuân cũng là giai đoạn mà việc tiêu thụ, vận chuyển và buôn bán gia cầm, nhất là gia cầm lậu, tăng mạnh làm gia tăng nguy lây lan virus cúm từ gia cầm sang người. Đáng chú ý, đại diện Cục Y tế dự phòng cũng cảnh báo dịch bệnh liên cầu khuẩn dù không có nhiều người mắc nhưng khi đã bị mắc thì nguy cơ tử vong rất cao. Thống kê cho thấy trong vòng 11 tháng qua của năm 2015, cả nước ghi nhận 82 trường hợp mắc liên cầu khuẩn, nhưng có tới 10 trường hợp tử vong. Đặc biệt trên 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh. Để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này, người dân cần phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tuyệt đối không ăn tiết canh, nội tạng heo và các sản phẩm từ thịt heo chưa được nấu chín; không mua bán, vận chuyển, giết mổ heo bệnh, heo chết.
MINH KHANG- SGGPO
Ý kiến ()