“Ai cũng có thể bắt đầu nếu biết cho mình một cơ hội.” Đó là triết lý của chàng thanh niên đang nắm trong tay chuỗi 10 cửa hàng thời trang tại miền Bắc và ngày ngày vẫn lăn lộn với sự nghiệp kinh doanh non trẻ của mình.
Thành hay bại là điều còn quá sớm để kết luận nhưng một điều đáng quý là Nguyễn Bá Phương vẫn luôn tự tin chia sẻ tinh thần khởi nghiệp đến cộng đồng các bạn trẻ.
“Tôi không chơi ngông”
Cuối tháng 12/2012, giữa bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó, thì chàng trai trẻ Nguyễn Bá Phương cầm trong tay tấm bằng Công nghệ Thông tin (Đại học Bách Khoa Hà Nội) lại ra quyết định khởi nghiệp bằng một thương hiệu thời trang có tên Zenda.
Nhớ lại tình hình kinh tế-xã hội lúc đó, không ít người sẽ “toát mồ hôi” với quyết định “tất tay” đầy mạo hiểm của Phương. Khi đó, tăng trưởng của các nền kinh tế đầu tàu (Mỹ, Trung Quốc, Nhật bản và EU) đều suy giảm đồng thời kéo theo các nền kinh tế khác.
Trong nước, thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp, hàng tồn kho ở mức cao, sức mua trong dân chúng suy kiệt. Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng ở rơi vào tình trạng đáng lo ngại khi mà hàng loạt doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, dừng hoạt động hoặc giải thể. Thậm chí, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/12/2012 của ngành may trang phục đã tăng lên tới 41,5% (Tổng cục Thống kê).
Sinh năm 1983, ở cái tuổi ngoài ba mươi, đối với mỗi người đàn ông đây là giai đoạn đã dần chín chắn, vì vậy mặc dù quyết định đầu tư vào một ngành nghề không thuộc sở trường với những áp lực cạnh tranh vô vàn khó khăn, song Phương khẳng định “đây không phải là sự chơi ngông.”
Đột phá từ jeans
Không phải ai sinh ra cũng có điều kiện gia đình thuận lợi, một công việc “làm thuê” ổn định sau 5 năm ra trường đã không giúp chàng trai ngoại tỉnh này có thể mua nhà và kết hôn giữa đất thủ đô đầy đắt đỏ.
Tích lũy được 30 triệu đồng, Phương cầm số tiền đó cùng người yêu của mình vào Thành phố Hồ Chí Minh tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
“Lúc đó hàng may mặc ‘Made in Việt Nam’ khá thịnh hành, tuy nhiên nếu mặt hàng kinh doanh không đột phá thì rất khó tiếp cận thị trường. Vốn là người có phong cánh phóng khoáng nên tôi đã tìm chọn jeans là mặt hàng chiến lược của mình,” Phương chia sẻ.
Thời trang là một ngành nghề xa lạ, không có quen biết, không ai hướng dẫn, hai bạn trẻ cứ thế mà “mày mò” các mối quan hệ. “Trời không phụ lòng người,” cuối cùng, một vài mối làm ăn lớn của Phương đã được chắp nối.
Phương nhớ lại, quần jeans luôn là sản phẩm ưa chuộng của giới trẻ, song khi đó hàng nhập khẩu chất lượng tốt thì giá rất đắt, do vậy các loại quần jeans giá bình dân trên thị trường Hà Nội chủ yếu là hàng gia công có xuất xứ từ Trung Quốc.
“Nắm bắt được nhu cầu của giới trẻ, yêu thích hàng jeans của các hãng thời trang thế giới song giá cả phải rẻ. Nên chúng tôi đã mạnh dạn liên hệ, thu mua hàng xuất dư tại một số nhà máy gia công hàng xuất khẩu. Còn nhớ, lô hàng đầu tiên 500 chiếc quần bò về đến Hà Nội đã bán hết ngay trong một buổi chiều, nhờ hàng ‘chất’ và giá thì chỉ có hơn 100.000 đồng/chiếc”.
Đánh đúng tâm lý người tiêu dùng trẻ tuổi, nên khi đó kinh tế trong nước rất khó khăn, song cửa hàng của Phương lúc nào cũng đông khách, mỗi tháng sau khi trừ các chi phí cũng thu nhập về cũng tới 100 triệu đồng. Sau đó, nhờ có số vốn tương đối cùng với kinh nghiệm tích lũy được và thay vì phụ thuộc chủ hàng, Phương quyết định thuê thiết kế rồi đặt hàng nhà máy sản xuất, từ đó thương hiệu Zenda cũng ra đời.
Không ngần ngại chia sẻ bí quyết kinh doanh, Phương tiết lộ “trong bối cảnh hội nhập, thị trường thời trang đặc biệt là dòng sản phẩm dành cho giới trẻ đang có sự cạnh tranh khốc nghiệt. Tuy nhiên để tồn tại và đứng vững vẫn phải có những cách đi riêng. Hiện nay, trên thị trường chưa có cửa hàng thời trang nào cung cấp dịch vụ bảo hành sản phẩm và đây chính là điểm khác biệt của Zenda”./.
Ý kiến ()