Hơn 6.300 người, trong đó một nửa là dân thường đã thiệt mạng kể từ khi cuộc xung đột ở Yemen nổ ra hồi tháng 3/2015. (Ảnh: Reuters) |
Hôm qua (24/4), cuộc hòa đàm Yemen bước sang này thứ 4 với hàng loạt bất đồng chưa thể giải quyết, đặc biệt là việc xây dựng lòng tin và duy trì lệnh ngừng bắn mong manh có hiệu lực từ ngày 11/4 vừa qua.
Xung đột vẫn không ngừng leo thang tại Yemen kể từ ngày đầu tiên diễn ra hòa đàm ở Kuwait. Chính phủ Yemen và nhóm phiến quân Houthi, cùng lực lượng ủng hộ cựu Tổng thống Abdullah Saleh trong những ngày qua liên tiếp cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn tại thành phố Taiz.
Theo các nguồn tin từ Kuwait, phái đoàn đàm phán của Tổng thống Mansour Hadi yêu cầu phiến quân chấm dứt việc bao vây nhiều thành phố, đặc biệt là Taiz, đồng thời thả các tù nhân như một phần trong các biện pháp xây dựng lòng tin.
Trong khi đó, nhóm Houthi đòi liên quân do Saudi Arabia đứng đầu ngừng tiến hành các cuộc không kích chống nhóm phiến quân này, trước khi đề cập đến những vấn đề khác.
Phát biểu hôm qua, Thủ tướng Yemen Bin Dagher nhấn mạnh, chỉ có hai con đường để chấm dứt cuộc chiến, trong đó đàm phán là lựa chọn đầu tiên: “Chúng tôi tới Kuwait và thực sự mong muốn đạt được hòa bình và ổn định cho Yemen. Chúng tôi muốn đàm phán thực sự với các lực lượng đối lập. Nếu các bên có thiện chí, chúng ta có thể đạt được các giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc chiến này”.
Nhằm hỗ trợ Chính phủ Yemen đẩy lùi nhóm phiến quân Houthi, từ tháng 3/2015, liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu tiến hành các cuộc không kích chống phiến quân Houthi và sau đó bốn tháng đã triển khai các chiến dịch trên bộ tại Yemen. Các lệnh ngừng bắn cũng như các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc bảo trợ trước đây nhằm chấm dứt xung đột tại Yemen đều thất bại.
Trong thông báo mới nhất về diễn biến hòa đàm Yemen, đặc phái viên Liên Hợp Quốc Ismail Ould Cheikh Ahmed cho biết, các bên đang hướng tới việc xây dựng lập trường chung để hóa giải các bất đồng, tuy nhiên, cuộc thương lượng cam go này cần thời gian mới có thể đi đến một thỏa thuận vững chắc về hàng loạt vấn đề gây tranh cãi.
Theo Liên Hợp Quốc, đã có hơn 6.300 người thiệt mạng tại Yemen, trong đó hơn một nửa là dân thường. 14 triệu người Yemen đang cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp và các nỗ lực thúc đẩy hoạt động nhân đạo tại đây ước tính cần tới 1,8 tỷ USD trong năm 2016 này. Khủng hoảng tại Yemen hiện có thể coi là một cuộc nội chiến mở rộng và nguy cơ bất ổn sẽ kéo dài nếu những nỗ lực hòa đàm không mang lại kết quả./.
Ý kiến ()