Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 12:43 (GMT +7)
Chính thức ra mắt tác phẩm “Truyện Kiều” bản dịch tiếng Nga
Thứ 2, 09/11/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ra mắt tác phẩm “Truyện Kiều” bản dịch tiếng Nga nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh tác giả – Đại thi hào Nguyễn Du (1766-2016).
Tượng Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Nguyễn Du. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)
Tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng, Chủ biên bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga vui mừng coi tác phẩm này là nhịp cầu văn hóa giữa hai nước Việt-Nga.
Đây là niềm vui lớn của giới nghiên cứu văn học Việt Nam, giới nghiên cứu văn học Nga, là mong mỏi của nhiều thế hệ dịch giả tiếng Nga say mê Truyện Kiều và các nhà Việt Nam học nói chung.
Theo tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng, năng lượng của Truyện Kiều để lại vô cùng lớn, giá trị nhân văn mãi mãi đồng hành cùng đất nước Việt Nam. Đến nay, Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng khác nhau và các quốc gia đó cũng sẽ tiếp nhận các giá trị nhân văn của Truyện Kiều.
Đây là một công trình tập thể của nhóm dịch giả Việt-Nga, là những nhà Việt Nam học, Nga học, trong nhiều năm qua đã tham gia các chương trình trao đổi, truyền bá văn hóa Nga-Việt gồm tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng; dịch giả Đoàn Tử Huyến và Vũ Thế Khôi; nhà thơ Nga Vasili Popov, nhà Việt Nam học người Nga, Phó giáo sư Ngôn ngữ học Anatoli Socolov.
Phó giáo sư tiến sỹ Trần Thị An, Trưởng ban Ban Quản lý khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, sau 2 năm nỗ lực thực hiện, tác phẩm Truyện Kiều, với sự đặc định của các mã văn chương trung đại thể hiện ở sự dày đặc các điển tích, điển cố, với nhiều câu thơ mang đậm phong vị thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam.
Đặc biệt, với một nghệ thuật thơ bậc thầy, trong đó phải kể đến nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, nhạc điệu, hình ảnh, biểu tượng, đã được nhóm dịch giả chuyển tải sang tiếng Nga.
Nhóm biên dịch không có kỳ vọng chú thích toàn bộ mà cố gắng diễn giải ngay trong từng câu thơ, giúp các độc giả nắm bắt được ý nghĩa nội dung. Nhóm cũng thực hiện việc đánh số các câu thơ trong bản tiếng Nga nhằm giúp người đọc theo dõi nội dung của truyện thơ.
Chủ tịch Hội hữu nghị Nga-Việt, ngài Vladimir Buianov hy vọng không chỉ có Truyện Kiều mà tiếp sau sẽ có nhiều tác phẩm văn học khác của Việt Nam được dịch ra tiếng Nga./.
VIETNAMPLUS
Ý kiến ()