Chủ Nhật, 24/11/2024 06:49 (GMT +7)

Cơ hội mở rộng hợp tác phát triển cây mè tại Thạnh Hóa

Thứ 6, 28/07/2023 | 15:49:48 [GMT +7] A  A

Ngày 27/7/2023, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Phạm Tùng Chinh có buổi làm việc với đoàn công tác của Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh và các đối tác nước ngoài, trao đổi về kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu mè (vừng) tại Việt Nam.

Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Phạm Tùng Chinh làm việc với đoàn công tác của Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh và các đối tác nước ngoài, về kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu mè

Tại buổi làm việc, Tập đoàn Fuji Baking Group Co.,Ltd - Nhật Bản, trình bày kế hoạch thu mua mè, với sản lượng mỗi năm 100 tấn mè nguyên liệu. Ngoài ra, Tập đoàn cũng mong muốn sẽ hợp tác với địa phương trên các lĩnh vực an sinh, xã hội, nhằm đảm bảo đời sống của người dân phát triển một cách bền vững.

Theo ngành nông nghiệp huyện Thạnh Hóa, hiện trên địa bàn huyện có trên 2.800 hecta khoai mỡ, trong đó có trên 1.500 hecta có đê bao, vụ canh tác cây khoai mỡ vào khoảng tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau, trong những tháng còn lại, những diện tích trồng khoai mỡ có đê bao, nông dân cũng mong muốn luân canh thêm vụ mè, để có thêm thu nhập.

Giảng viên Khoa Khoa học sinh học, Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ - Phạm Đức Toàn, cũng cho biết: “Các giống mè đang canh tác tại địa phương, có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh, có chất lượng tốt. Đặc biệt, qua trồng thử nghiệm luân canh trên đất trồng khoai mỡ, có ít dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hơn trên đất lúa, đảm bảo được các tiêu chuẩn tại các thị trường khó tính như Nhật Bản”.

Tham quan mô hình “điểm nhân giống mè trên líp khoai”, tại Khu phố 1, thị trấn Thạnh Hóa

Sau buổi làm việc, các đại biểu đi thực tế tham quan mô hình “điểm nhân giống mè trên líp khoai”, tại Khu phố 1, thị trấn Thạnh Hóa. Các chuyên gia nhận định, điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết khá thuận lợi, cây mè có nhiều triển vọng phát triển trên đất trồng khoai mỡ. Các đại biểu cũng đã thảo luận tìm ra các giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu mè tại địa phương trong thời gian tới.

Việc phát triển vùng nguyên liệu mè, sẽ giúp địa phương có cơ hội mở rộng hợp tác, góp phần vào thực hiện có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện; giúp người trồng khoai mỡ mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích, tăng thêm thu nhập cho gia đình./.

Trung Hưng

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu