Thứ Sáu, 29/11/2024 11:53 (GMT +7)

Cơm chay “Tùy Tâm” ấm lòng người lao động nghèo ở Bến Lức

Thứ 7, 16/07/2022 | 12:13:26 [GMT +7] A  A

Hơn 1 năm nay, quán cơm chay “Tùy Tâm” tọa lạc tại số 22, đường 12, Khu Dân cư Hoàng Long, Khu phố 9 thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người lao động nghèo. Cứ vào giờ cơm trưa, những bác xe ôm, người bán vé số, buôn ve chai, thợ hồ đều tập trung về đây để nhận cơm.

Ông Vững tận tay trao cơm chay cho lao động khó khăn

Theo ông Nguyễn Hùng Vững (sinh năm 1964) – chủ quán, địa bàn thị trấn Bến Lức là nơi tập trung đông lao động nghèo, hàng ngày nhìn thấy những người chạy xe ôm, bán vé số, ve chai vất vả mưu sinh dưới cái nắng gay gắt rồi ăn qua loa gói mì hay ổ bánh mì,… ông Vững mong muốn làm một điều gì đó giúp đỡ phần nào cuộc sống mưu sinh khó khăn của họ. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông đem ý định mở quán ăn chay nói với gia đình và đã nhận được sự ủng hộ. Những ngày mới mở, quán đìu hiu vài ba người đến ăn. Dần dà, mọi người truyền tai nhau đến càng ngày càng đông. Hiện nay, mỗi ngày quán phục vụ từ 100-200 lượt người. Những ngày rằm, mồng một, lượng người tìm đến quán ăn chay đông gấp đôi, gấp ba. Quán có nhiều món chay đa dạng như: cơm, bún, mỳ xào, bánh mỳ,… Điều đặc biệt của quán là 9h sáng hàng ngày đã mở cửa đến khi quán hết cơm. Để mọi người thoải mái khi đến ăn, gia đình ông Vững ghi tên quán là “Tuỳ Tâm” thay vì “0 đồng” hay “miễn phí” như những nơi khác, điều này như thầm nhắc mọi người cứ thoải mái ăn no, đừng ngần ngại.

“Tôi không giàu có nhưng xin góp một phần nhỏ cho cuộc sống những người nghèo bớt vất vả, nhọc nhằn, vơi đi lo âu…” ông Vững, Chủ quán cơm chay Tùy Tâm, chia sẻ.

Quán cơm chay “Tùy Tâm” là địa chỉ quen thuộc của hàng trăm lao động nghèo.

Gần 1 năm nay, quán cơm chay đã trở thành nơi quen thuộc của hai chị em Cao Nguyễn Đan Hương (11 tuổi) vào giờ cơm trưa. Trên chiếc xe đạp nhỏ, Đan Hương chở theo em gái đến nhận cơm về cho hai chị em và bà ngoại sống trọ gần quán.

Em Cao Nguyễn Đan Hương, thị trấn Bến Lức, nói: “Chị em con sống với bà ngoại trong nhà trọ, hơn một năm qua trưa nào con cũng ghé đây nhận cơm về ăn. Nhờ đó mà bà ngoại tiết kiệm được tiền dành cho việc học hành của con. Cơm ở đây ngon không thua gì những quán bên ngoài. Con cảm ơn cô chú rất nhiều.”

Tương tự, dù cho đi làm thuê xa cách mấy cây số nhưng đến giờ cơm trưa là ông Trần Vĩnh Phước lại về ghé quán nhận cơm, vì theo ông Phước cơm ở quán vừa ngon vừa sạch sẽ, thêm nữa là quán chay tùy tâm nên mọi người rất thoải mái khi đến nhận cơm.

Ông Trần Vĩnh Phước, khu phố 9 thị trấn Bến Lức, chia sẻ:“Lúc chưa có quán này, buổi trưa tôi thường ăn qua loa ổ bánh mì cho xong bữa. Từ ngày biết quán, tôi thường đến đây ăn. Thức ăn ở đây ngon và mọi người ở đây thường bỏ cơm, đồ ăn thêm rất nhiều nên bữa nào tôi cũng ăn rất no”.

Dần dà khách đến quán ngày càng đông, gia đình ông Vững làm không xuể, thấy vậy nhiều bạn trẻ sống gần quán cũng tranh thủ phụ giúp, mỗi người giúp một tay, người lặt rau, nấu ăn, người rửa chén bát,…. Tuy tất bật là thế nhưng ai nấy luôn tươi cười vui vẻ, chu đáo, tận tình giúp đỡ mọi người.

Anh Lê Tuấn Anh, Khu phố 9 thị trấn Bến Lức cho biết: “Thấy việc làm từ thiện của gia đình chú Vững, tôi và nhóm bạn thường tranh thủ thay phiên nhau đến phụ giúp, mỗi người một tay. Trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, việc làm của gia đình chú rất đáng trân quí”.

Nhiều bạn trẻ cũng tham gia phụ giúp công việc nấu nướng hàng ngày tại quán

Không chỉ mở quán chay giúp đỡ người khó khăn, gia đình ông Nguyễn Hùng Vững còn thường xuyên tham gia vào các hoạt động thiện nguyện của địa phương. Hằng tháng, ông dùng chính số tiền “tùy tâm” của người ăn cơm để tổ chức những buổi phát cơm từ thiện tại các bệnh viện hay trao tặng những suất quà là nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn,.. với mong muốn mọi người cùng san sẻ với nhau bằng tâm nguyện “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

Chứng kiến những người lao động nghèo ăn ngon lành những món ăn do chính tay gia đình mình nấu, với ông Vững đó là hạnh phúc. Ước nguyện mang đến cho người lao động khó khăn những bữa cơm no cùng với tình yêu thương giữa người với người không một chút toan tính của ông Vững và gia đình nay đã thành hiện thực./.

Việt Hằng – Lê Hạnh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu