Thứ Hai, 25/11/2024 14:50 (GMT +7)

Công trình Nobel Y học 2018 được ứng dụng điều trị ung thư tại Việt Nam

Thứ 6, 05/10/2018 | 16:38:00 [GMT +7] A  A

Cùng dựa trên nguyên tắc tăng cường miễn dịch cơ thể, gần 2 năm nay, trường ĐH Y Hà Nội đang ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch để điều trị ung thư.

Mang liệu pháp điều trị ung thư từ Nhật về Việt Nam

Giải Nobel Y học 2018 vừa được trao cho 2 nhà khoa học danh tiếng là GS Tasuku Honjo (76 tuổi, ĐH Kyoto, Nhật Bản) và GS James P. Allison (70 tuổi, ĐH Texas, Mỹ). Cả 2 cùng nghiên cứu ra một liệu pháp điều trị ung thư mới, kích hoạt tế bào miễn dịch của cơ thể để chúng nhận ra và tiêu diệt tế bào ung thư.

GS Tạ Thành Văn, Phó hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội là học trò người Việt Nam đầu tiên của GS Tasuku Honjo, biết đến các công bố rất nổi tiếng của GS Honjo trên các tạp chí hàng đầu thế giới từ cuối thế kỷ trước, khi ông đang làm thực tập sinh sau tiến sĩ tại Mỹ.

Sau đó GS Văn đã liên hệ để được tiếp tục nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của GS Tasuku Honjo, khi đó đang là Trưởng khoa Y của ĐH Kyoto và được GS chấp nhận sau vòng phỏng vấn. Thời điểm đó, GS Honjo hướng dẫn gần 40 nghiên cứu sinh và hệ sau tiến sĩ.

GS Tạ Thành Văn cùng thầy là GS Tasuku Honjo

Nhớ lại, GS Văn gọi đó là những ngày “không thấy mặt trời”, làm việc từ sáng sớm tới đêm khuya. Tất cả các học trò của GS Honjo hàng tuần đều phải báo cáo kết quả và đây là cuộc chạy đua giữa các học trò trong cùng phòng thí nghiệm và với các nhóm nghiên cứu cùng lĩnh vực trên thế giới.

GS Văn nhớ một nữ tiến sĩ đồng nghiệp người Nhật sau 3 tháng đã phải tự viết đơn xin thôi việc chỉ vì áp lực tinh thần do không thể làm ra kết quả như mong đợi dù đã cố gắng làm việc ngày đêm.

Ngay thời điểm những năm 2001, cộng đồng khoa học đều đã nghĩ GS Tasuku Honjo chắc chắn sẽ được nhận được giải Nobel vì ông có rất nhiều phát minh lớn có tính chất đột phá liên quan đến lĩnh vực miễn dịch học.

Sau gần 3 năm thực tập sinh sau tiến sĩ tại phòng nghiên cứu của GS Honjo, dù đã có công trình được công bố trên một trong những tạp chí khoa học nổi tiếng nhất thế giới song GS Văn đã xin phép thầy về nước, khước từ mức lương hậu hĩnh của các doanh nghiệp và vị trí tốt ở các viện nghiên cứu nổi tiếng của Nhật.

Trước khi về, GS Honjo đưa ra lời khuyên: Khi về nước, cần tích cực tham dự các hội nghị khoa học quốc tế để giới khoa học Việt Nam biết mình có thể làm được gì và biết nhu cầu nền khoa học trong nước đang cần gì. Đồng thời khuyên GS Văn nên có nhóm nghiên cứu của riêng mình và hứa sẽ đào tạo giúp. Cho đến nay, GS Honjo cũng mới chỉ đào tạo 4 học trò người Việt.

Nói rõ thêm về giải Nobel Y học 2018, GS Văn cho biết, ngoài các phương pháp điều trị ung thư kinh điển, khoảng 10 năm trở lại, thế giới biết đến liệu pháp miễn dịch dựa trên nguyên tắc tăng cường sức đề kháng hệ miễn dịch của cơ thể.

“Mỗi ngày, 1 người bình thường sản sinh ra vài ngàn tế bào bất thường – tế bào tiền ung thư. Khi cơ thể khoẻ mạnh, hệ thống miễn dịch sẽ nhận diện được các tế bào này, cô lập và tiêu diệt chúng. Nhưng khi cơ thể có sức đề kháng kém, các tế bào bất thường sẽ trốn thoát khỏi hệ miễn dịch và khu trú ở một cơ quan nào đó rồi phát triển thành khối u ung thư”, GS Văn giải thích.

Căn cứ vào nguyên lý đó, cả GS Tasuku Honjo và GS James P. Allison đều tìm ra lý do vì sao tế bào ung thư lại “trốn thoát” khỏi sự tiêu diệt của các tế bào miễn dịch. Trong đó GS Honjo phát hiện ra thụ thể PD-1, GS Allison phát hiện ra thụ thể CLTA-4.

Khi tiếp xúc với tế bào miễn dịch, tế bào ung thư làm bất hoạt 2 thụ thể nói trên khiến tế bào miễn dịch không nhận ra tế bào ung thư. Nhờ phát minh của 2 giáo sư, ngành dược đã sản xuất ra kháng thể kháng lại 2 thụ thể PD-1 và CLTA-4, giúp tế bào miễn dịch nhận ra tế bào ung thư để tiêu diệt đích.

Phương pháp này đã được thế giới áp dụng và được coi là phương pháp chính thức để điều trị ung thư, có hướng dẫn cụ thể.

Tại Việt Nam, GS Văn cùng cộng sự tại ĐH Y Hà Nội đã ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu tự thân từ đầu năm 2017, theo cơ chế tương tự song với hướng tiếp cận khác thông qua sự chuyển giao công nghệ của các chuyên gia Nhật Bản.

75 bệnh nhân đầu tiên được điều trị

GS Văn cho biết, các nhà khoa học trường ĐH Y Hà Nội dựa trên nguyên tắc của công trình đạt giải Nobel là tăng cường chức năng của hệ miễn dịch trong cơ thể bệnh nhân nhưng theo hướng tiếp cận hơi khác, thông qua việc phân lập tế bào miễn dịch, tăng sinh và hoạt hoá ngoài cơ thể rồi đưa lại vào cơ thể bệnh nhân.

Từ 10-30ml máu ngoại vi, các nhà khoa học sẽ tách được vài triệu tế bào miễn dịch, sau đó nhân lên và biệt hoá được vài tỉ tế bào rồi truyền lại cho bệnh nhân, tạo ra hàng rào tế bào miễn dịch đủ mạnh và đặc hiệu để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Một liệu trình điều trị gồm 3 tháng, 6 lần truyền, mỗi lần cách nhau 2 tuần.

Công trình Nobel Y học 2018 được ứng dụng điều trị ung thư tại Việt Nam

Phương pháp miễn dịch tế bào sẽ giúp cơ thể tạo ra hàng rào miễn dịch đủ mạnh để chống lại các tế bào ung thư

Hiện đề tài này đã được Bộ Y tế phê duyệt và đã thử nghiệm lâm sàng được gần 2 năm trên 75 bệnh nhân mắc 5 loại ung thư phổ biến: Phổi, gan, vú, dạ dày và đại trực tràng ở giai đoạn 3b và 4.

Theo GS Văn, những kết quả thu được ban đầu rất khả quan, giúp các bệnh nhân ung thư cải thiện rất rõ rệt về triệu chứng lâm sàng như: Ăn được, ngủ tốt hơn, bớt đau, thể trạng cải thiện, chất lượng sống được nâng cao, chưa ghi nhận phản ứng phụ.

Một số bệnh nhân đáp ứng rất tốt, có trường hợp ở ranh giới sống – chết nhưng giờ đã khoẻ mạnh bình thường. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục đánh giá về hiệu quả dài lâu của phương pháp này.

Theo kết quả điều trị tại Nhật, khi áp dụng liệu pháp này, khoảng 60% bệnh nhân có cải thiện các triệu chứng lâm sàng, 3% bệnh nhân giai đoạn 3b và 4 có khối u di căn không phát triển hoặc biến mất.

Tuy nhiên GS Văn lưu ý, phương pháp tế bào miễn dịch trị liệu là phương pháp điều trị hỗ trợ, dùng kết hợp với các phương pháp điều trị truyền thống khác. Ở giai đoạn sớm, vẫn ưu tiên các phương pháp truyền thống như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị hay điều trị đích.

Hiện tại, có hàng trăm bệnh nhân đang chờ để được áp dụng phương pháp này, tuy nhiên GS Văn cho biết, sẽ cần thêm hơn 1 năm nữa để kết thúc thử nghiệm lâm sàng. Sau đó nhóm nghiên cứu sẽ báo cáo lên Hội đồng Y đức và Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, từ đó mới xem xét, quyết định có được áp dụng rộng rãi hay không.

Theo Thúy Hạnh/ Vietnamnet

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu