Thứ Bảy, 30/11/2024 08:51 (GMT +7)

COVID-19 tại ASEAN hết 22/10: Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp; Indonesia thêm 4.432 ca mắc mới

Thứ 6, 23/10/2020 | 13:30:00 [GMT +7] A  A

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 22/10, 9 quốc gia ASEAN ghi nhận 8.278 ca mắc COVID-19 và 178 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên trên 869.536 ca, trong đó 21.076 người tử vong.

Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Jakarta, Indonesia ngày 25/9.

Ảnh: AFP/TTXVN

Trong số 8.278 ca mắc mới tại ASEAN, Indonesia chiếm tới 4.432 ca. Indonesia là quốc gia ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất trong ngày 22/10 và cũng có tổng số ca mắc COVID-19 cao nhất ASEAN. Số ca tử vong của nước này trong ngày 22/10 cũng cao nhất ASEAN với 102 ca.

Đứng thứ hai ASEAN về số ca mắc mới trong ngày 22/10 là Philippines với 1.664 ca mắc mới và 38 ca tử vong. Bộ Y tế Philippines cho biết ngày 22/10 là ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc mới dưới 2.000 ca trong một ngày. Hiện số ca mắc tại Philippines lên tới 363.888 ca, trong đó có 6.783 ca tử vong.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines.

Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Philippines đang cân nhắc mở cửa biên giới trở lại để đón du khách từ những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm thấp và trung bình, cũng như cân nhắc áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” đối với những nước đã cho phép du khách người Philippines nhập cảnh.

Ngày 21/10, Thư ký Nội các Karlo Nograles cho biết lực lượng đặc nhiệm kiểm soát dịch sẽ đánh giá liệu năng lực y tế của Philippines có phù hợp không nếu nước này quyết định nới lỏng các quy định hạn chế du lịch đối với khách nước ngoài.

Philippines áp dụng lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh từ tháng 3 nhằm kiểm soát dịch. Lệnh cấm công dân ra nước ngoài đã được gỡ bỏ và chính thức có hiệu lực từ ngày 21/10.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Yangon, Myanmar ngày 16/10.

Ảnh: AFP/TTXVN

Đứng thứ ba ASEAN về ca mắc mới trong 24 giờ qua là Myanmar với 1.312 ca và 33 ca tử vong.

Malaysia cũng có số ca mắc tương đối cao khi ghi nhận 847 ca mới và 5 ca tử vong trong ngày 22/10.

Thái Lan ngày 22/10 ghi nhận 10 ca mắc mới, nâng tổng số ca lên 3.719, trong đó 59 người tử vong.

Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Phuket, Thái Lan ngày 13/9. Ảnh: THX/TTXVN

Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan đã nhất trí gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm một tháng, đến hết tháng 11, nhằm hạn chế dịch COVID-19 lây lan. Người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin ngày 21/10 cho biết cơ quan này sẽ đề xuất việc gia hạn nói trên lên Nội các để thông qua vào ngày 27/10 tới

Đây sẽ là lần thứ 7 Thái Lan gia hạn sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc – được ban bố kể từ tháng 3/2020 nhằm phòng chống COVID-19.

Theo kế hoạch, tuần tới CCSA sẽ chính thức thảo luận việc giảm thời gian cách ly đối với người nhập cảnh. Người phát ngôn CCSA Taweesilp cho biết nhiều quốc gia đã bày tỏ mong muốn có được Thị thực Du lịch Đặc biệt (STV), đồng thời ngành du lịch Thái Lan đang hướng tới thu hút nhiều du khách hơn. Thái Lan cũng có kế hoạch cho phép quá cảnh tại các sân bay, cũng như cho phép du thuyền và tàu du lịch đưa khách vào đất nước.

Cảnh vắng vẻ trên bãi biển tại Phuket, Thái Lan ngày 13/9. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết Bộ này đang lập kế hoạch rút ngắn thời gian cách ly xuống còn 10 ngày đối với khách du lịch. Các phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh Thái Lan ngày 20/10 đã đón đoàn du khách quốc tế đầu tiên theo chương trình STV, sau 7 tháng đóng cửa vì đại dịch COVID-19. Chương trình STV được nội các Thái Lan thông qua gần đây nhằm tái khởi động “ngành công nghiệp không khói” bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Trong khi đó, truyền thông sở tại ngày 21/10 dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Thái Lan, Trung tướng Kongcheep Tantravanich, cho biết Bộ này sẽ tặng 20 buồng áp lực âm di động cho Campuchia, Lào, Malaysia và Myanmar để hỗ trợ các quốc gia láng giềng kiểm soát dịch COVID-19.

Buồng áp lực âm cho phép nhân viên y tế lấy dịch đường hô hấp từ bệnh nhân mắc COVID-19 một cách an toàn. Mỗi buồng bao gồm một khung nhựa với vỏ trong suốt tích hợp hệ thống kiểm soát áp lực. Theo Trung tướng Kongcheep, các nước láng giềng nói trên có thể sử dụng buồng áp lực âm tại các bệnh viện.

Trung tướng Kongcheep nhấn mạnh việc Thái Lan tặng thiết bị trên cho các nước láng giềng phản ánh sự cần thiết có các nỗ lực chung trong khu vực nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Người dân đeo khẩu trang ở Viêng Chăn. Ảnh: AFP

Thứ trưởng Y tế, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Lào về phòng chống COVID-19, ông Phouthone Meuangpak cho biết ca nhiễm mới là một nam sinh viên Lào, 23 tuổi, du học tại Nga. Ngày 14/10, người này đã đáp máy bay từ Moskva (Nga) quá cảnh Pháp và Hàn Quốc, trước khi lên chuyến bay từ Incheon về thủ đô Viêng Chăn vào hôm 18/10 và được đi cách ly ngay sau đó. Ngày 20/10, kết quả xét nghiệm cho thấy sinh viên này dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo ông Phouthone Meuangpak, nam thanh niên nói trên từng mắc COVID-19 tại Nga vào đầu tháng 9 và đã được chữa khỏi. Lần xét nghiệm gần nhất của sinh viên này là vào ngày 12/10 trước khi anh này khởi hành về Lào đã cho kết quả âm tính.

Bộ Y tế Lào cho biết toàn bộ 121 hành khách đi cùng với bệnh nhân trên chuyến bay của Lao Airlines về từ Hàn Quốc đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Kết quả xét nghiệm của những người đi cùng xe buýt với bệnh nhân từ sân bay về khu cách ly cũng cho kết quả tương tự.

Tính tới ngày 21/10, Lào đã chữa khỏi 22 bệnh nhân mắc COVID-19 và hiện chỉ còn 2 bệnh nhân đang được điều trị. Bệnh nhân số 23 của Lào trước đó cũng về từ Nga và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Cùng ngày, WHO khẳng định Campuchia sẽ nhận được vaccine phòng COVID-19 khi nguồn thuốc chính thức được công bố.

Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho người lao động nhập cư tại Phnom Penh, Campuchia ngày 20/4.

Ảnh: AFP/ TTXVN

Bà Or Vandine, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia, cho biết khi chính thức công bố vaccine phòng COVID-19, WHO sẽ cung cấp một lượng vaccine đủ đáp ứng 3% dân số Campuchia, tương đương hơn 500.000 người. Theo WHO, Campuchia không thể một lúc nhận được tất cả số vaccine cần thiết vì chương trình sẽ phân phối theo từng giai đoạn với số lượng hạn chế cho các nước trên toàn thế giới.

Bà Vandine cũng cho biết WHO, Liên minh Vaccine và miễn dịch toàn cầu, và Chương trình Miễn dịch quốc gia của Bộ Y tế Campuchia đã nhất trí thiết lập một chương trình để xem xét vaccine sẽ được phân phối ra sao và những đối tượng nào được ưu tiên trước. Do vaccine ban đầu không đủ để đáp ứng cho nhu cầu, nên Bộ Y tế Campuchia và WHO tiếp tục khuyến cáo người dân tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng dịch.

Theo trang web của WHO, tính tới ngày 19/10, thế giới đã có tổng cộng 198 ứng cử viên vaccine đang được phát triển, trong đó 44 loại đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Thùy Dương/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-2210-thai-lan-gia-han-tinh-trang-khan-cap-indonesia-them-4432-ca-mac-moi-20201022220826449.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu