Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 26/11/2024 05:27 (GMT +7)
Đề nghị cắt giảm nhiều thủ tục kinh doanh
Thứ 6, 08/07/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Bộ Tư pháp đã hoàn thành thẩm định đối với 50/50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, qua đó đã đề nghị cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.
Đây là khẳng định của Thứ trưởng, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng tại cuộc họp báo thường kỳ quý II, diễn ra chiều 7/7 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, mặc dù thời hạn thẩm định được rút ngắn xuống còn 7 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đối với từng dự thảo nhưng các thành viên hội đồng thẩm định đã làm việc với cường độ cao để việc thẩm định đảm bảo chất lượng. “Bộ Tư pháp đã làm đúng và đầy đủ theo trách nhiệm của mình, theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Nguyễn Thanh Tú khẳng định.
Cụ thể, trong quá trình thẩm định, Bộ Tư pháp đều thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan và đại diện của hiệp hội doanh nghiệp, đồng thời mời Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (trong một số trường hợp có cả doanh nghiệp) tham gia. Khi thẩm định từng dự thảo Nghị định, Bộ Tư pháp luôn đặt vấn đề về sự cần thiết của các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo đúng quy định của Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014. Đó là không chỉ vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng mà còn phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư. “Trong quá trình thẩm định, chúng tôi luôn trăn trở với ba câu hỏi: Điều kiện đó có phù hợp hay không (tức là phù hợp với mục đích an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng)? Điều kiện đó có cần thiết hay cắt gọt được nữa hay không? Và cuối cùng, có thể thay thế điều kiện này bằng một biện pháp hay điều kiện khác mà ít hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp hay không?”, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Nguyễn Thanh Tú cho biết.
Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp về mặt thủ tục, giấy phép. Ảnh: Thu Hoài – TTXVN |
Hội đồng tư vấn thẩm định cũng như trong công văn thẩm định luôn quan tâm đến việc kiểm soát thủ tục hành chính – một vấn đề thường đi liền với điều kiện đầu tư kinh doanh. Theo thống kê, qua thẩm định các Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, quy định trung bình hơn 10 các thủ tục hành chính trên mỗi dự thảo Nghị định, thì nhiều cơ quan chủ trì soạn thảo chưa tiến hành đánh giá tác động của thủ tục hành chính hoặc đánh giá chưa theo đúng yêu cầu quy định.
Đánh giá về chất lượng về các dự thảo Nghị định được thẩm định vừa qua, ông Nguyễn Thanh Tú nhận định, một số dự thảo mà các bộ ngành gửi lên chất lượng rất tốt nhưng cũng có dự thảo chất lượng “rất tệ”, thậm chí có trường hợp Nghị định viện dẫn đến Thông tư. Tuy nhiên, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, một số cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp tích cực với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định cũng như các hồ sơ, tài liệu kèm theo, qua đó nâng cao chất lượng dự thảo Nghị định.
Trước lo ngại của doanh nghiệp có thể sẽ có “cài cắm” các điều kiện kinh doanh gây khó cho doanh nghiệp trong nghị định mới, ông Nguyễn Thanh Tú cho rằng, không thể cam kết không bỏ lọt điều kiện kinh doanh bất hợp lý nào nhưng doanh nghiệp cũng không cần quá lo lắng. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Tư pháp đã trình Ủy ban Thường vụ quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật 2016 Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật về đầu tư, kinh doanh. Luật này đã được đưa vào chương trình và dự kiến sẽ được thảo luận vào kỳ họp tháng 10 sắp tới của Quốc hội. Nếu phát hiện thêm những bất cập trong các nghị định trong chùm nghị định về đầu tư kinh doanh (kể cả những Nghị định đã có hiệu lực – PV) thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và các Bộ liên quan sẽ tiếp tục rà soát loại bỏ đưa thẳng trực tiếp vào Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật về đầu tư, kinh doanh.
Bộ Tư pháp nhận trách nhiệm về sai sót trong Bộ luật Hình sự 2015:
Trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc Bộ luật Hình sự (BLHS) mắc hơn 90 lỗi kỹ thuật, phải lùi thời hạn có hiệu lực và kéo theo 3 luật khác cũng phải lùi thời hạn (Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự), Thứ trưởng, Người phát ngôn của Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Quốc hội để tiến hành sửa đổi. “Với tư cách là cơ quan soạn thảo, Bộ Tư pháp có phần trách nhiệm trong việc này. Còn việc xử lý trách nhiệm thế nào, quy trách nhiệm cho ai, trách nhiệm như thế nào thì chúng tôi chờ chỉ đạo của các cơ quan cấp trên”, ông Dũng cho biết.
Ý kiến ()