Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 19:29 (GMT +7)
Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội gia tăng nhanh, diễn biến phức tạp
Thứ 5, 25/05/2017 | 15:58:00 [GMT +7] A A
Mặc dù chưa đến mùa dịch (tháng 6 – 7 hàng năm) nhưng số lượng ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội đã tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2016; đặc biệt đã có 1 ca tử vong và dịch bệnh này đang có xu hướng gia tăng nhanh.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội và đại diện UBND quận Hoàng Mai kiểm tra việc chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại các hộ gia đình. Ảnh: Diệu Linh. |
Dịch sốt xuất huyết đến sớm
“Từ tháng 1/2017 đến nay, Hà Nội ghi nhận hơn 860 ca sốt xuất huyết (SXH) rải rác tại 26/30 quận/huyện. Trong đó, đã ghi nhận 1 ca tử vong tại phường Trung Liệt, Đống Đa. Trong khi cả năm 2016 chỉ ghi nhận khoảng 6.000 ca và không có ca tử vong nào”, BS Đào Hữu Thân, Phó trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, cho biết.
Theo BS Đào Hữu Thân, năm nào tại Hà Nội cũng ghi nhận các trường hợp sốt xuất huyết, nhưng năm nay, dịch SXH đến sớm hơn thường lệ nên tại thời điểm này gia tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân có thể do nền nhiệt từ đầu năm đến nay cao hơn so với mọi năm, nên đã tạo điều kiện cho muỗi truyền virút SXH phát triển và gây bệnh.
Nhân định về tình hình dịch trong thời gian tới, đại diện Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, tính đến ngày 24/5, tình hình dịch bệnh SXH tại Hà Nội vẫn có xu hướng gia tăng nhanh và diễn biến phức tạp; đặc biệt tại các quận huyện thuộc khu vực nội thành như: Đống Đa (235 bênh nhân), Hoàng Mai (161), Hai Bà Trưng (83), Thanh Xuân (61)… tác nhân gây bệnh SXH tại Hà Nội được xác định là vi rút Dengue typ 1 và typ 2.
“Đa số bệnh nhân SXH đều ở thể thông thường với biểu hiện sốt cao liên tục, điều trị hỗ trợ sau khoảng 1 tuần là khỏi nhưng có một số trường hợp sốc Dengue thể nặng, diễn biến rất nhanh và nguy hiểm. Nếu những bệnh nhân này chậm đi viện thì khả năng tử vong cao do không có thuốc điều trị đặc hiệu…”, BS Đào Hữu Thân khuyến cáo.
Đây là một vấn đề rất đáng lo ngại vì theo kết quả xét nghiệm, trường hợp bênh nhân tử vong đầu tiên do SXH tại Hà Nội ngày 14/5 vừa qua chính là do sốc Dengue; dù trước đó, nữ sinh Học viện Ngân hàng này đã đến các cơ sở để điều trị nhưng diễn biến xấu rất nhanh và đã không qua khỏi.
Không có bọ gậy, không có muỗi và bệnh sốt xuất huyết
Được biết, sau khi ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên năm 2017 do sốc Dengue, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có công văn chỉ đạo tất cả sở, ban ngành và các quận, huyện về việc tăng cường công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.
UBND Thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ ngành y tế tổ chức triển khai ngay các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh. Trong các chiến dịch cần có sự tham gia của lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn và cơ quan công an để đảm bảo 100% hộ gia đình được xử lý; chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tổ chức giám sát chặt chẽ ca bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế; phát hiện sớm, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch. Kiên quyết không để dịch kéo dài, lan rộng.
Về phía Sở Y tế Hà Nội, cũng đang tổ chức mạnh các hoạt động tuyên truyền để phòng chống dịch bệnh, đặc biệt tại các điểm nóng đã xuất hiện bệnh nhân SXH.
Bên cạnh đó, ngành Y tế đã tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt bọ gậy, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng, cộng tác viên. Tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ làm công tác điều trị tại tất cả các tuyến. Đảm bảo đủ cơ số thuốc, phương tiện điều trị và giường bệnh để kịp thời tiếp nhận điều trị sớm bệnh nhân, hạn chế tối đa tử vong do SXH…
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân cũng cần chủ động vệ sinh môi trường, bởi không có bọ gậy, không có muỗi và bệnh sốt xuất huyết. Cần thường xuyên loại bỏ đồ phế thải để diệt bọ gậy và tránh tạo cơ hội cho chúng phát triển thành muỗi. Nhiều khi mầm bệnh ở ngay chính những lọ hoa còn đọng lại chút nước hoặc trong những chậu cây cảnh mà người dân vẫn trưng trong vườn nhà.
Chia sẻ về vấn đề này, BS Đào Hữu Thân cũng cho biết, thực tế, muỗi SXH rất phổ biến, hầu như đều xuất hiện ở khu vực có ổ dịch (có bệnh nhân SXH). Bởi vậy, phòng chống SXH đòi hỏi phải triển khai tổng lực các giải pháp; trong đó vai trò của chính quyền địa và hộ gia đình rất quan trọng.
“Thông thường muỗi SXH nhà nào sẽ đốt chủ nhân của ngôi nhà ấy và ít khi bay sang đốt người hàng xóm. Do đó, mỗi người dân cần phải chú ý dự phòng để trong nhà mình không có muỗi, trong bể nước và các vật dụng trong nhà không có bọ gậy. Khi có biểu hiện sốt cao liên tục, nổi ban thì cần khám tại cơ sở y tế ngay để được tư vấn, điều trị, tránh những biến chứng đáng tiếc nếu mắc SXH thể n”, BS Đào Hữu Thân nhấn mạnh.
Ý kiến ()