Thứ Ba, 26/11/2024 11:33 (GMT +7)

Điện lực tỉnh Thái Bình sẽ cấp điện cho toàn tỉnh sau ngày 2/8

Thứ 3, 02/08/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Cột điện trước cổng trường Đại học Y dược Thái Bình bị đổ gục. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Chiều 1/8, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Văn Tuynh, Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Thái Bình cho biết, thiệt hại do bão số 1 gây ra cho ngành điện địa phương rất lớn, ước tính khoảng 150 tỷ đồng.

Khắc phục mọi khó khăn, Công ty Điện lực Thái Bình quyết tâm sẽ cấp điện trở lại cho toàn tỉnh sau ngày 2/8.

Tính đến 14 giờ ngày 1/8, toàn tỉnh Thái Bình còn 288 trạm biến áp (chiếm 9%) trong tổng số hơn 3.100 trạm biến áp chưa có điện.

Khoảng 19 giờ chiều ngày 1/8, công ty sẽ đóng điện tiếp cho hơn 150 trạm biến áp. Đến hết ngày 2/8, công ty sẽ đóng điện tiếp cho 136 trạm biến áp còn lại (chiếm 4,3%), hoàn tất việc cung cấp điện cho tất cả các khu vực và khách hàng.

Hiện tại, Công ty điện lực tỉnh Thái Bình đã huy động 100% cán bộ, công nhân viên của công ty phối hợp với gần 450 nhân lực thuộc 22 đơn vị thi công (bên B) với trực tiếp thi công sửa chữa, khắc phục tại hiện trường.

Công ty Điện lực Thái Bình đã chỉ đạo các đơn vị triển khai kiểm tra, thống kê và đánh giá cụ thể các thiệt hại theo từng lộ đường dây.

Trong đó ưu tiên khắc phục các đường dây có phụ tải quan trọng, các đường dây 35 kV cấp điện cho các trạm trung gian, các trạm bơm phục vụ tiêu nước chống úng cho ruộng đồng, các hệ thống bệnh viện, bưu điện….

Theo Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Thái Bình, những ngày qua, tiến độ cấp điện trở lại cho khách hàng trong tỉnh được cập nhật hàng ngày theo hướng tập trung làm việc 3 ca liên tục; quá trình khắc phục triển khai theo phương trâm “4 tại chỗ” (nhân lực, vật tư, hậu cần và phương tiện) nhằm sớm khắc phục hậu quả, đáp ứng yêu cầu sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.

Đặc biệt, có những trạm biến áp cần đóng điện sớm để thực hiện công tác tiêu úng cứu lúa, công nhân lao động sửa chữa điện đã phải thức, làm việc thâu đêm đến hơn 2 giờ mới kịp tiến độ.

Trước đó, theo thống kê của Công ty Điện lực tỉnh Thái Bình, bão số 1 đã làm toàn bộ các đường dây trung áp bị mất điện hoàn toàn từ khoảng từ gần 24 giờ ngày 27/7.

Kết thúc bão số 1, toàn tỉnh đã có 700 cột trung áp gãy, đổ; hơn 460 cột trung áp bị nghiêng; gần 50km đường dây trung áp bị đứt; 10 trạm biến áp bị đổ sập; 1.500 cột hạ thế bị nứt, gãy; hơn 2.400 cột hạ thế bị nghiêng; khoảng 100km dây dẫn hạ thế bị đứt, trôi, mất; hơn 2.600 quả sứ hạ thế bị vỡ, hỏng; hơn 6.200 công tơ điện bị vỡ…

Thực hiện chỉ đạo trong Công điện số 16CĐ-TW ngày 31/7 của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn; số 7049 CĐ/BCT-PCTT ngày 1/8 của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương về triển khai đối phó với các diễn biến của cơn bão số 2 – Nida, để chủ động phòng chống, hạn chế thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra, ngày 1/8, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có công điện khẩn số 3148/EVN-AT yêu cầu các đơn vị khẩn trương tiếp tục khắc phục nhanh các thiệt hại do cơn bão số 1 – Mirinae gây ra

Bên cạnh đó, triển khai phương án phòng chống để đối phó với cơn bão số 2, xử lý kịp thời các tình huống, đảm bảo an toàn cung cấp điện, an toàn cho người, thiết bị, công trình và an toàn cho nhân dân, chuẩn bị đầy đủ người, phương tiện để khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra.

Tập đoàn yêu cầu các đơn vị quản lý lưới điện tăng cường kiểm tra để sớm phát hiện khu vực có khả năng sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột, trạm và có phương án xử lý kịp thời.

Đối với các Tổng công ty Điện lực, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đảm bảo cung cấp điện an toàn và ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra, đảm bảo cấp điện an toàn và nhanh nhất cho các phụ tải quan trọng, các trạm bơm tiêu úng, các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn.

Đồng thời phối hợp với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cung cấp điện dự phòng cho các phụ tải quan trọng khi mất nguồn điện lưới.

Các Tổng công ty Điện lực cũng chỉ đạo các Công ty cổ phần thủy điện trực thuộc rà soát kiểm tra công trình, nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thủy văn, vận hành hồ chứa theo quy trình, phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa và vùng hạ du.

Các Công ty thủy điện kiểm tra công trình, hồ, đập, nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thủy văn, mưa lũ, lượng nước về hồ, vận hành hồ chứa theo quy trình, phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa, vùng hạ du.

Các Công ty nhiệt điện tăng cường kiểm tra hệ thống mái che, hệ thống thoát nước mặt, kho nhiên liệu, bãi thải xỉ đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy.

Các Ban Quản lý dự án kiểm tra công trường, theo dõi sát diễn biến mưa bão, tổ chức phòng, chống, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị và công trình./.

(TTXVN/Vietnam )

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu