Thứ Hai, 25/11/2024 22:52 (GMT +7)

Điều tiết phù hợp với năng lực các cửa khẩu để tránh tình trạng ùn tắc nông sản

Thứ 5, 12/08/2021 | 10:16:00 [GMT +7] A  A

Ngày 11/8, tại buổi làm việc trực tuyến với các tỉnh có cửa khẩu biên giới xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu, các đơn vị chuyên môn, ngoài hướng dẫn sản xuất bằng văn bản, cần hướng dẫn thêm bằng trực tuyến, trực tiếp tại cơ sở để người dân, địa phương sản xuất đáp ứng đúng yêu cầu trong xuất khẩu.

Các xe container chờ làm thủ tục xuất khẩu hàng nông sản tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Ảnh minh họa: Quốc Khánh/TTXVN

Địa phương cũng thông tin về tình hình sản xuất, khả năng xuất khẩu để tính toán sản lượng đưa lên các cửa khẩu, có sự điều tiết từ xa nhằm tránh ùn ứ, tăng chi phí, giảm chất lượng sản phẩm.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong bối cảnh dịch COVID-19, cơ quan chức năng của Trung Quốc có rất nhiều quy định mới trong việc nhập khẩu nông sản. Thời gian qua, các tỉnh có cửa khẩu đã vào cuộc rất tích cực, quan hệ tốt với các địa phương của Trung Quốc để tháo gỡ những khó khăn trong xuất khẩu.

Thương mại nông sản giữa hai nước đang có sự tăng trưởng tốt, các sản phẩm xuất nhập khẩu mang tính chất bổ trợ nhau. Tiềm năng thương mại nông sản giữa hai nước cũng còn rất lớn. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các bộ, ngành, địa phương, Thương tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam cần tích cực tháo gỡ các thủ tục về kiểm dịch. Trên cơ sở làm việc với cơ quan chức năng Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật thông báo cho các tỉnh để giảm thiểu tối đa các thủ tục. Cùng với đó, Việt Nam cũng thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, quy định của các nhà nhập khẩu Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện nay phía Trung Quốc kiểm hóa 100% lô hàng trái cây của Việt Nam. Do vậy, thời gian thông quan hàng hóa lâu hơn so với các loại trái cây của nước khác, như Thái Lan chỉ kiểm hóa 30%.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, phía Trung Quốc tạm thời dừng nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu Hà Khẩu (phía Việt Nam cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai) và cửa khẩu Thiên Bảo (phía Việt Nam cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang). Do đó, lượng phương tiện vận chuyển thanh long dồn và tăng lên tại cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn trong khi năng lực thông quan trung bình hàng ngày hiện nay qua cửa khẩu này từ 100 – 130 xe.

Trung Quốc cũng liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, đồng thời kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu từ Việt Nam.

Về năng lực thông quan qua các cửa khẩu, ông Nguyễn Quốc Toản cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 5/12 cặp cửa khẩu thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Cụ thể là: Cửa khẩu quốc tế đường sắt ga Đồng Đăng – ga Bằng Tường, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị – Hữu Nghị Quan, Tân Thanh – Pò Chài, Cốc Nam – Lũng Vài, Chi Ma – Ái Điểm. Đối với 2 cặp cửa khẩu Na Hình – Kéo Ái, Pò Nhùng – Dầu Ái (chủ yếu xuất khẩu sắt lát, tinh bột sắn và một số mặt hàng nông sản khô khác) phía Trung Quốc dừng thông quan từ ngày 6/5/2021 để lắp đặt bổ sung thêm một số thiết bị đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn thông tin thêm, hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu 5/12 cặp cửa khẩu vẫn diễn ra sôi động. Gần đây do tình hình dịch COVID-19 nên hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn, nhất là qua cửa khẩu Tân Thanh bị ảnh hưởng lớn, có ngày chỉ xuất khẩu được 37 xe hàng. Tuy nhiên, lưu lượng hàng hóa có nhu cầu xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tăng cao, trong khi năng lực bến bãi tại khu vực cửa khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu nên các lực lượng đã phải tổ chức phân luồng, điều tiết phương tiện và bố trí địa điểm dừng đỗ tạm thời.

Ông Lương Trọng Quỳnh cho biết, đến nay, phía Trung Quốc vẫn chưa hoàn tất các thủ tục nội bộ để công nhận hoạt động chính thức tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa qua khu vực Mốc 1088/2-1089 nên hoạt động xuất nhập khẩu qua tuyến đường vẫn gặp khó khăn. Nhiều loại hình xuất nhập khẩu chưa được thực hiện, các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc như tỏi khô, rau củ… vẫn phải do các xe không hàng của Việt Nam sang nhận nên khó khăn trong phân luồng phương tiện. Cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam) – Ái Điểm (Trung Quốc) vẫn chưa thống nhất thời gian làm việc chính thức nên thời gian thông quan trong ngày chỉ khoảng 6 tiếng.

Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện chỉ có 10% là xuất khẩu theo hợp đồng thương mại, còn lại xuất khẩu chủ yếu theo chính sách biên mậu. Đây là nút thắt cần tháo gỡ và có sự vào cuộc của cơ quan chức năng hai nước.

Thương nhân, doanh nghiệp vẫn chưa cập nhật thông tin kịp thời về điều kiện xuất khẩu như: kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc… nên hàng hóa thông quan gặp nhiều khó khăn. Ông Bùi Văn Khắng kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương cần phổ biến, hướng dẫn để nhân dân, doanh nghiệp trong sản xuất chủ động đảm bảo các yêu cầu của phía bạn để hàng hóa đưa đến các địa phương biên giới mới thông quan nhanh chóng hơn.

“Vừa qua, tỉnh Quảng Ninh rất tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương phía Trung Quốc và đã gửi 3 công hàm nhằm tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu. Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nâng cấp cửa khẩu, cảng để nâng cao năng lực thông quan hàng hóa; hoàn thành tuyến đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa”, ông Bùi Văn Khắng cho biết.

Ông Đỗ Văn Duy – Giám đốc Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cũng kiến nghị, các bộ, ngành cần thường xuyên cập nhập và thông báo với thương nhân về những quy định của phía Trung Quốc như: tem nhãn, truy xuất vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch… và quan trọng nhất là xây dựng nhãn hiệu thương hiệu hàng hóa để xuất khẩu ổn định.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần điều phối các vùng sản xuất trọng điểm để các địa phương biên giới có thể điều tiết lượng hàng hóa hợp lý. Nhiều sản phẩm khi vào vụ thu hoạch nếu không điều tiết sẽ dẫn đến ùn ứ. Các tỉnh cung cấp thông tin về chủng loại, số lượng, thời điểm thu hoạch các loại nông sản về các đầu mối tiêu thụ là Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản để kết nối với các địa phương có cửa khẩu. Qua đây có thể điều tiết nông sản xuất khẩu không chỉ qua cửa khẩu của Lào Cai mà còn qua các cửa khẩu khác”, ông Đỗ Văn Duy cho hay.

Ông Lương Trọng Quỳnh cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo, đẩy nhanh việc đàm phán, hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc như na, ớt, chanh leo… Cùng với đó là việc cấp mã số vùng trồng và khuyến nghị các địa phương có nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc chủ động xây dựng kế hoạch thu hoạch, điều tiết hàng hóa xuất khẩu phù hợp với năng lực các cửa khẩu để tránh tình trạng ùn tắc hàng hóa.

Bích Hồng (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/dieu-tiet-phu-hop-voi-nang-luc-cac-cua-khau-de-tranh-tinh-trang-un-tac-nong-san-20210811190704478.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu