Thứ Hai, 25/11/2024 15:30 (GMT +7)

Doanh nghiệp chưa lạc quan trong thời gian ngắn hạn

Thứ 4, 06/10/2021 | 15:47:00 [GMT +7] A  A

Tổng cục Thống kê cho biết, sự bùng phát mạnh của dịch COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa, giãn cách kéo dài liên tiếp đã khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt trong quý III/2021.

Công nhân lao động Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng tại khu Công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh. Ảnh tư liệu – minh họa: Thanh Vũ/TTXVN

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, sau 4 lần dịch COVID-19 bùng phát, các doanh nghiệp cũng rất chủ động ứng phó với dịch COVID-19 nhưng tiềm lực và sức chống chịu có hạn do đa phần doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, chiếm đến 98% số doanh nghiệp.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ, sức chống đỡ giảm dần. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng năm 2021 có thể cho thấy các doanh nghiệp chưa lạc quan trong thời gian ngắn hạn, mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến khu vực doanh nghiệp là rất lớn.

Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 9/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có sự sụt giảm mạnh cả về số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ đạt 3.899 doanh nghiệp, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020; số vốn đăng ký chỉ đạt 62,4 nghìn tỷ đồng, giảm 69,3%. Đây là tháng 9 có số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký thấp nhất kể từ năm 2016.

Theo đó, một số địa phương có số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký giảm mạnh trong tháng 9 là: Thành phố Hồ Chí Minh có 594 doanh nghiệp, giảm 80,9% so với cùng kỳ năm 2020, vốn đăng ký 14,5 nghìn tỷ đồng, giảm 88%.

Bình Dương có 63 doanh nghiệp, giảm 89,8%, vốn đăng ký 959 tỷ đồng, giảm 75,2%. Đồng Nai có 39 doanh nghiệp, giảm 88,1%, vốn đăng ký 230 tỷ đồng, giảm 95,8%. Hà Nội có 891 doanh nghiệp, giảm 52,6%, vốn đăng ký 13 tỷ đồng, giảm 28,7%.

Tuy nhiên, một số địa phương do kiểm soát tốt dịch bệnh nên số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng tăng so với cùng kỳ như: Hải Phòng có 206 doanh nghiệp, tăng 21,9%; Bắc Giang có 101 doanh nghiệp, tăng 7,4%.

Tính chung 9 tháng năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký đạt 1.195,8 nghìn tỷ đồng, giảm 16,3%; tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 2.873 nghìn tỷ đồng, giảm 20,2%.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 9 tháng năm 2021 tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 17,4%; doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho hay, số doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh. Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng đã gây áp lực giải quyết việc làm cho thị trường lao động. Đồng thời, làm tăng nguy cơ thất thu ngân sách nhà nước trong thời gian tới. Những doanh nghiệp đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Mặc dù, thời gian qua, các gói hỗ trợ ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của Chính phủ là kịp thời nhưng các cấp triển khai còn hạn chế nên bộ phận doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn.

Để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, trong thời gian tới ngoài việc kiểm soát tốt dịch COVID-19, triển khai mạnh mẽ, hiệu quả tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, Chính phủ cần tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chống chịu, vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất trong những tháng cuối năm.

Theo đó, Chính phủ tiếp tục duy trì các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp như: hỗ trợ giãn, hoãn, miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, chi phí cho người lao động phải nghỉ việc, thất nghiệp,… Cùng đó, có giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.

Bên cạnh đó, Chính phủ miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế.

Ngoài ra, các địa phương cần có giải pháp và triển khai thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kênh thông tin về xuất, nhập khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào, tránh phụ thuộc vào một thị trường và thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ.

Thúy Hiền (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/doanh-nghiep-chua-lac-quan-trong-thoi-gian-ngan-han-20211006105723623.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu