Thứ Tư, 27/11/2024 18:55 (GMT +7)

Đội ngũ quản lý quyết định hướng đi và tốc độ đổi mới của hệ thống giáo dục

Thứ 5, 16/11/2017 | 15:05:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Thời cách mạng công nghệ 4.0, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có vai trò “đầu tầu”, quyết định hướng đi và tốc độ đổi mới của cả hệ thống giáo dục.

Ngày 15/11/2017, tại Hà Nội, Học viện Quản lý Giáo dục, Chương trình Phát triển các trường Sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ GV&CBQLCSGDPT (ETEP) phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế “Phát triển năng lực cán bộ quản lý giáo dục Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”.

Hội thảo đã thu hút đông đảo các chuyên gia giáo dục đến từ New Zealand, Mỹ, Ý, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Lào và một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

doi ngu quan ly quyet dinh huong di va toc do doi moi cua he thong giao duc hinh 1
Hội thảo Phát triển năng lực cán bộ quản lý giáo dục Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Lãnh đạo là phải tạo ra sự thay đổi

Hơn 200 đại biểu là các nhà giáo dục, quản lý các cơ sở giáo dục, các tổ chức giáo dục có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ số trên thế giới, các chuyên gia giáo dục Việt Nam đã tập trung bàn thảo nhiều vấn đề về phát triển năng lực cán bộ quản lý giáo dục Việt Nam trong bối cảnh công nghệ 4.0.

Đó là: Sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới giáo dục và các nhà quản lý giáo dục; Các nhóm năng lực của cán bộ quản lý giáo dục cần được đào tạo để đáp ứng yêu cầu kết nối mới trên nền tảng kiến thức và công nghệ, trong nền kinh tế tri thức và thời kỳ công nghệ số. Công nghệ như là một công cụ để giải quyết các thách thức trong quản lý giáo dục; Nâng cao khả năng kết nối giữa con người và kiến thức hướng tới môi trường 4.0; Chuỗi giá trị trong mô hình năng lực của các nhà quản lý giáo dục Việt Nam.

Trong thời đại 4.0, môi trường làm việc trong các cơ sở giáo dục đào tạo và toàn xã hội theo hướng công nghệ, số hóa với trí tuệ nhân tạo kéo theo sự thay đổi nguồn nhân lực xã hội và sự phân hóa cơ cấu ngành nghề đào tạo. Do đó, phương thức quản lý trong các cơ sở giáo dục buộc phải thay đổi.

Cơ chế, chính sách của nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng năng lực cán bộ quản lý các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục các bậc học nhằm tới cái đích là đổi mới giáo dục gắn liền với xu hướng của thời đại; Tạo diễn đàn cho các nhà nghiên cứu giáo dục, hoạch định chính sách, cán bộ quản lý giáo dục trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn cũng như kết quả nghiên cứu về chính sách, cơ chế, phương pháp…trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Với báo cáo khoa học “Giáo dục vì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bền vững”, GS. Trisia Farrelly, Đại học Massey (Newzealand) khuyến nghị “cán bộ quản lý giáo dục cần trang bị những kiến thức mang tính đa ngành, kỹ năng mềm, đặc biệt là tư duy phân tích, phản biện để thích ứng với môi trường toàn cầu hóa. Và học từ xa, trực tuyến sẽ là một giải pháp”.

doi ngu quan ly quyet dinh huong di va toc do doi moi cua he thong giao duc hinh 2
Nguyễn Lộc, Đại học Nguyễn Tất Thành trình bày báo cáo “Giáo dục Việt Nam và cách mạng công nghiệp 4.0

GS. Nguyễn Lộc, Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, “Bản chất của cách mạng công nghệ 4.0 là cá nhân hóa học tập đạt đến mức độ vượt bậc, trên cơ sở áp dụng công nghệ đột phá để đạt mục tiêu. Một trong những đặc trưng cơ bản của giáo dục 4.0 là tiếp cận đa ngành, liên ngành và xuyên ngành, nhà trường phải là hệ sinh thái học tập. Người làm quản lý giáo dục phải có 2 kỹ năng lãnh đạo và quản lý và kỹ năng lãnh đạo cần được tăng cường nhiều hơn. Lãnh đạo là phải tạo ra sự thay đổi đủ mạnh đưa nhà trường phát triển, đáp ứng sự thay đổi của cách mạng công nghiệp 4.0”.

TS. Krieng Krai Bhuvanij đến từ Đại học Rangsit, Thái Lan trình bày vấn đề “Khai thác năng lực cạnh tranh trong công nghệ thông tin và hệ sinh thái khởi nghiệp, trong công nghệ số”, đã nhấn mạnh rằng, chỉ biết công nghệ, biết kết nối thôi chưa đủ mà người lãnh đạo quản lý giáo dục thời 4.0 quan trọng là phải có tư duy phân tích, bình tĩnh, tự tin, biết tự kiểm soát, nắm vững chuyên môn, có khả năng sáng tạo, đổi mới, thúc đẩy động lực cá nhân. Nói tới giáo dục 4.0 là nói tới khả năng sử dụng dữ liệu để giảng dạy theo phương thức cá nhân hóa.”

Cán bộ quản lý quyết định hướng đi và tốc độ đổi mới

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng: Sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt lên vai các nhà giáo quản lý giáo dục rất nhiều thách thức và cơ hội mới.

doi ngu quan ly quyet dinh huong di va toc do doi moi cua he thong giao duc hinh 3
Đại biểu tranh luận tại Hội thảo

Đó là môi trường làm việc trong bối cảnh công nghệ và số hóa với trí tuệ nhân tạo; Nguồn nhân lực xã hội thay đổi; Sự phân hóa cơ cấu ngành nghề đào tạo trong các trường đại học cao đẳng dẫn đến sự thay đổi trong phương thức quản lý trong các cơ sở giáo dục. Vì vậy, các nhà quản lý, lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục phải thay đổi nhận thức về vai trò quản lý, phải tự đào tạo, bồi dưỡng các nhóm năng lực để đáp ứng yêu cầu kết nối mới trên nền tảng kiến thức và công nghệ.

GS.TS Phạm Quang Trung nhấn mạnh, thời đại 4.0, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đặc biệt quan trọng trong vai trò “đầu tầu”, quyết định hướng đi và tốc độ đổi mới của cả hệ thống giáo dục. Do đó, cần xây dựng chiến lược và có bước đi phù hợp phát triển năng lực cán bộ quản lý giáo dục Việt Nam thích ứng với thời công nghệ số, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Triển khai hiệu quả Chương trình Phát triển các trường Sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ GV&CBQLCSGDPT (ETEP) sẽ là giải pháp tốt cho vấn đề này./.

Đặng Thị Huệ/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu