Thứ Bảy, 30/11/2024 17:38 (GMT +7)

Đóng góp của Việt Nam trong 6 tháng là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ

Thứ 3, 14/07/2020 | 15:28:00 [GMT +7] A  A

Việt Nam hoàn thành 6 tháng đầu năm 2020 trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Nhân dịp này, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết “Nhìn lại sáu tháng tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và định hướng phát huy vai trò, đóng góp của Việt Nam thời gian tới” của Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung.

Nhìn lại sáu tháng tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và định hướng phát huy vai trò, đóng góp của Việt Nam thời gian tới

Hơn 200 cuộc họp chính thức cấp Đại sứ và hàng trăm cuộc họp cấp làm việc, xem xét 59 vấn đề trong chương trình nghị sự, thông qua 81 văn kiện… là những con số đầy ấn tượng về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2020 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc – cơ chế đa phương giữ vai trò hàng đầu trong duy trì hòa bình, an ninh quốc tế được các quốc gia đặc biệt coi trọng. Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong 6 tháng đầy ắp sự kiện đó, góp phần nâng cao vị thế, tạo dựng môi trường quốc tế và khu vực thuận lợi cho công cuộc phát triển, hội nhập của đất nước, đồng thời tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Nỗ lực vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội để hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất

Tình hình chính trị – an ninh, kinh tế – xã hội thế giới ngay từ đầu năm 2020 đã diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Các nước lớn gia tăng cạnh tranh chiến lược, căng thẳng, xung đột leo thang tại nhiều khu vực, đặc biệt là Trung Đông – Bắc Phi, Tây Phi, Mỹ La-tinh, trong khi các thách thức an ninh phi truyền thống như: biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, khủng bố, tội phạm có tổ chức… ngày càng lan tỏa, khó kiểm soát hơn trong một “thế giới phẳng”. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã trở thành thách thức đa chiều mang tính toàn cầu, chưa từng có tiền lệ và ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống quốc tế. Trong bối cảnh đó, Hội đồng Bảo an đã nhanh chóng điều chỉnh phương thức hoạt động để thích ứng, tiếp tục đảm trách khối lượng công việc lớn, bao quát tình hình ở tất cả các khu vực trên thế giới, trong đó có nhiều vấn đề phức tạp nổi lên như: Syria, Libya, Iran, Rakhine (Myanmar), Venezuela, Yemen, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, xung đột Israel/Palestine…

Dẫu còn những bất đồng, khác biệt quan điểm nhất định trong quá trình tìm kiếm giải pháp chấm dứt căng thẳng, xung đột, song mong muốn chung, nguyện vọng thiết tha của các quốc gia, dân tộc vẫn luôn là hòa bình, hợp tác thay vì chiến tranh, đối đầu. Đối với Việt Nam, chúng ta có nhiều thuận lợi nhờ vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, yêu chuộng hòa bình, chủ trương “chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc” của Đại hội Đảng lần thứ XII, cùng với vai trò “kép” là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN 2020. Công tác Hội đồng Bảo an luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Cấp cao, Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Trong hai Thông điệp nhân dịp Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an và đảm nhiệm đồng thời cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 (lần lượt vào tháng 6/2019 và tháng 1/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “để hoàn thành trọng trách mà cộng đồng quốc tế giao phó” cần xác định đây là “một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Ðảng và Nhà nước”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam “sẽ nỗ lực hết sức mình để đảm nhiệm thành công trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an” trong Bài viết nhân dịp Việt Nam trúng cử (tháng 6/2019), nhấn mạnh Việt Nam“ủng hộ hợp tác đa phương nói chung và Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói riêng” trong Phát biểu tại Phiên họp trực tuyến Khóa 73 Đại Hội đồng WHO ngày 19/5/2020 vừa qua.

Kiên định đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ và những kết quả vững chắc bước đầu, tạo đà cho những đóng góp tiếp theo

Cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 lên máy bay sang Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ, ngày 19/11/2019. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Có thể khẳng định, trong 6 tháng vừa qua, Việt Nam đã đảm đương thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, đạt được các mục tiêu đề ra theo đúng các chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, góp phần tạo dựng môi trường khu vực và quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, tiếp tục thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế. Những kết quả này cho thấy, sự đóng góp hiệu quả của các bộ, ngành hữu quan trên cơ sở cơ chế phối hợp liên ngành chặt chẽ, kịp thời; quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo; sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại đa phương; cùng với sự tham gia, đồng hành tích cực của các cơ quan báo chí trong nước.

Trên tinh thần “Đối tác vì hòa bình bền vững”, Việt Nam luôn đề cao tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; ủng hộ tìm kiếm giải pháp cho các tranh chấp, xung đột khu vực và quốc tế thông qua đàm phán, tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan; đồng thời, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm tái thiết và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và khu vực. Chúng ta đã tham gia một cách tự tin, chủ động và thực chất trong các hoạt động của Hội đồng Bảo an, vừa khẳng định lập trường nguyên tắc một cách có bản sắc, vừa thể hiện quan điểm khách quan, cách xử lý linh hoạt, khéo léo.

Đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ngay trong tháng đầu tiên tham gia Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã nhanh chóng bắt nhịp, thực hiện tốt vai trò điều hành hoạt động, thương lượng các văn kiện, đại diện cho Hội đồng Bảo an trong quan hệ với các nước, Ban Thư ký Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, khu vực cũng như báo giới. Ở cương vị này, chúng ta đã đưa ra hai sáng kiến là Thảo luận mở cấp Bộ trưởng về “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” nhận được mức độ quan tâm kỷ lục (106 nước phát biểu), thông qua Tuyên bố Chủ tịch riêng đầu tiên về Hiến chương Liên hợp quốc và Phiên họp về “Hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN”, tạo diễn đàn trao đổi hợp tác lần đầu tiên giữa Hội đồng Bảo an và ASEAN. Các sáng kiến này phù hợp với mong muốn của các nước thành viên Liên hợp quốc nói chung và các nước ASEAN nói riêng là đề cao Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, đặc biệt trước xu hướng gia tăng hành động đơn phương, cường quyền, không tôn trọng luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia…

Chúng ta tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động quan trọng do Hội đồng Bảo an tổ chức như Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu tại Cuộc họp trực tuyến Cấp cao về chủ đề “Kỷ niệm 75 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2” (theo lời mời của Ngoại trưởng Estonia), Lãnh đạo Bộ Ngoại giao tham dự và phát biểu tại Cuộc họp mở trực tuyến về tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine (do Ngoại trưởng Pháp chủ trì); tham gia đồng tổ chức Thảo luận trực tuyến về “Bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang là bảo vệ thường dân” cùng Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Thụy Sĩ…

Để triển khai Chỉ thị 25 của Ban Bí thư ngày 8/8/2018 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, ta đã chủ động phát huy vai trò trung gian, hòa giải khi điều kiện cho phép để góp phần thu hẹp khác biệt giữa các nước trong nhiều vấn đề phức tạp như: Rakhine (Myanmar), Nam Sudan, Venezuela, Syria, xung đột Israel/Palestine, tranh chấp về sử dụng chung nguồn nước giữa Ai Cập, Ethiopia và Sudan liên quan đến Đập thủy điện Đại phục hưng (GERD) ở Ethiopia, ứng phó với đại dịch COVID-19… Ở những tình huống phức tạp như vậy, ta thể hiện cách tiếp cận cân bằng và xây dựng, cố gắng đáp ứng quan tâm chính đáng của các bên liên quan và quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, đồng thời bảo vệ lập trường, quan điểm và lợi ích của Việt Nam trên các vấn đề hòa bình, an ninh quan trọng được xem xét.

Việt Nam cũng đã chứng tỏ năng lực chủ trì, điều hành công việc của các cơ quan trực thuộc của Hội đồng Bảo an mà chúng ta làm Chủ tịch, nhất là Ủy ban theo dõi thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Nam Sudan (nơi chúng ta đang triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2). Là Điều phối viên của nhóm các nước Ủy viên không thường trực (E10) trong tháng 5/2020, ta đã chủ động nối lại cơ chế họp hàng tháng gần đây bị gián đoạn do dịch COVID-19 giữa E10 và Tổng Thư ký Liên hợp quốc qua hình thức trực tuyến, chủ trì xây dựng phát biểu chung của E10 tại Phiên họp mở về phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an… Chúng ta đã thúc đẩy phối hợp với Indonesia để cùng có một số phát biểu chung đề cao vai trò, hợp tác và sự hiện diện của ASEAN tại Hội đồng Bảo an, nhất là khi ta đang đồng thời đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN 2020.

Với nhiệm vụ và quyền hạn đặc thù được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an có thể đưa ra những quyết định có tác động trực tiếp đến các quốc gia, khu vực liên quan. Chính vì vậy, sự tham gia, đóng góp trách nhiệm và tiếng nói “có lý, có tình” của Việt Nam đối với những vấn đề tưởng như rất xa xôi với chúng ta (như ở châu Phi, Mỹ La-tinh, Trung Đông…) được cộng đồng quốc tế ghi nhận, xứng đáng với uy tín và sự tin tưởng dành cho một Ủy viên không thường trực được bầu với số phiếu kỷ lục gần như tuyệt đối (192/193 phiếu). Các nước coi trọng và lắng nghe ý kiến của Việt Nam trong tham gia xử lý các vấn đề phức tạp ở khu vực châu Á như Iran, Hồng Công, Rakhine (Myanmar)… Dư luận báo chí và giới học giả quốc tế có nhiều bình luận tích cực về đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an, đặc biệt đã có nhận định cho rằng Việt Nam là tâm điểm chú ý của toàn cầu với vị trí, uy tín và “trọng trách kép” trong năm 2020.

Tiếp tục thúc đẩy các quan tâm, ưu tiên của Việt Nam đóng góp cho sứ mệnh duy trì hòa bình và an ninh quốc tế

Những thành công bước đầu nói trên là tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp của mình tại Hội đồng Bảo an. Chúng ta đã và đang hoàn thiện các kế hoạch cụ thể để thúc đẩy hơn nữa các quan tâm, ưu tiên về tăng cường chủ nghĩa đa phương với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực; thúc đẩy tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; tái thiết hậu xung đột, trong đó có khắc phục hậu quả bom mìn; hoạt động gìn giữ hòa bình; vấn đề nhân đạo và bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang…, thông qua những đóng góp xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ 2020-2021 và các sự kiện mang tính dấu ấn, nhất là trong tháng 4/2021 khi Việt Nam lần thứ hai là Chủ tịch Hội đồng Bảo an.

Tuy tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp do tác động sâu rộng của đại dịch COVID-19 và xu thế hợp tác, đấu tranh giữa các nước, Việt Nam sẽ quyết tâm hoàn thành tốt trọng trách, đóng góp nhiều hơn nữa cho các nỗ lực chung tại Hội đồng Bảo an vì hòa bình, an ninh quốc tế, vì ổn định, phát triển bền vững của các quốc gia, và vì cuộc sống bình an, thịnh vượng của mọi người dân trên thế giới. “Người dân nước nào cũng yêu chuộng hòa bình, cũng chán ghét chiến tranh, cũng muốn được tự do, độc lập”, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích dẫn trong phát biểu của Việt Nam tại Phiên họp Cấp cao ngày 8/5/2020 của Hội đồng Bảo an nhân dịp kỷ niệm 75 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai cũng chính là mục tiêu phấn đấu, nỗ lực nhất quán của Việt Nam khi đóng góp vào công việc của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong thời gian tới.

TTXVN/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/thoi-su/dong-gop-cua-viet-nam-trong-6-thang-la-uy-vien-khong-thuong-truc-hdba-lhq-20200714122827501.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu