Những ngày qua, một số báo phản ánh, bà con dân ấp Trà Vôn A, xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng rất ngạc nhiên khi hàng chục xe biển xanh đổ về trong ngày nghỉ, đậu nối hàng dài dự đám giỗ ở gia đình là em gái của một lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng.
Trước thông tin này, ông Nguyễn Văn Thể – Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết đã chỉ đạo cơ quan chức năng tỉnh kiểm tra, rà soát lại số xe công đi đám giỗ ở thị xã Vĩnh Châu mà báo chí phản ánh. Trên cơ sở đó, tùy tình hình Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy sẽ có hình thức xử lý thích đáng.
Dù kết quả kiểm tra, rà soát sự việc này chưa được công bố, song việc lạm dụng xe công, sử dụng xe công sai mục đích không phải diễn ra lần đầu. Trả lời VOV.VN ngày 22/12, ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, việc sử dụng xe công vào mục đích ngoài công vụ là vi phạm và cần chấn chỉnh.
PV: Con số chi phí cho xe công được công bố vừa qua là khá lớn, biểu hiện lãng phí. Có ý kiến cho rằng phải đổi mới cơ chế trong sử dụng xe công. Quan điểm của ông thế nào?
Ông Đỗ Mạnh Hùng: Có rất nhiều yêu cầu công việc phải sử dụng xe công. Việc có chức danh được quy định xe công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại chỉ là một phần trong sử dụng xe công. Vì còn có bộ phận nghiệp vụ, quân đội, công an, lực lượng chuyên ngành như phòng chống lụt bão thiên tai, chống dịch, cấp cứu…
Nói về vấn đề sử dụng xe công cũng phải tách bạch cho rõ chứ không thể nói chung, vì có những yêu cầu không thể nào bỏ được chế độ sử dụng xe công.
Nhà nước cũng đã có nghiên cứu nên mới quy định những chức danh nào được sử dụng xe công đưa đón. Đó thường là những chức danh lãnh đạo, có chức trách nhiệm vụ rất nặng nề, yêu cầu phải đảm bảo sự tập trung, sức khỏe để có thể tổ chức, điều hành, chủ trì công việc cho hiệu quả. Không phải đơn giản mà Nhà nước quy định từ chức danh nào thì được sử dụng xe công.
Theo tôi, yêu cầu cao nhất trước hết là phải đáp ứng được hiệu quả công việc, không chỉ đơn thuần chỉ là lãng phí hay không lãng phí.
PV: Để khắc phục bất cập trong sử dụng xe công hiện nay, quan trọng vẫn là rà soát lại đối tượng sử dụng xe công và người không đủ tiêu chuẩn vẫn sử dụng thì cần chấn chỉnh, thưa ông?
Ông Đỗ Mạnh Hùng: Theo tôi vấn đề này liên quan đến công khai và minh bạch việc sử dụng xe công. Thứ nhất chức danh nào được sử dụng thì đúng chức danh đó sử dụng thôi. Còn chức danh chưa đủ tiêu chuẩn thì cơ quan chủ quản, người đứng đầu phải có trách nhiệm đảm bảo thực hiện nghiêm quy định.
Bên cạnh đó, bản thân người đủ tiêu chuẩn sử dụng xe công cũng phải sử dụng đúng mục đích, đúng yêu cầu công việc, không được lạm dụng.
Phải có cơ chế kiểm soát tốt việc sử dụng xe công, tức là công khai lộ trình, kinh phí tiêu hao nhiên liệu để cho cán bộ công chức từng đơn vị và người dân có thể giám sát được việc đấy.
PV: Lâu nay không ít trường hợp sử dụng xe công sai mục đích và nhiều vụ việc đã được người dân phản ánh, thưa ông?
Ông Đỗ Mạnh Hùng: Theo tôi kỷ cương chưa nghiêm nên cũng có thể người này người khác lợi dụng, lạm dụng sử dụng xe công vào việc này việc khác.
PV: Những ngày qua báo chí có phản ánh hàng loạt xe biển số xanh của UBND tỉnh và Sở, huyện ở Sóc Trăng xếp hàng đi ăn đám giỗ nhà người dân. Dưới góc độ một đại biểu Quốc hội, ông suy nghĩ gì khi nghe thông tin này?
Ông Đỗ Mạnh Hùng: Nếu sử dụng xe công vào mục đích ngoài công vụ thì vi phạm rồi. Hiện tượng như vậy nên chấn chỉnh, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu phải nhắc nhở, có biện pháp cần thiết để xử lý vi phạm đó.
PV: Bên hành lang Quốc hội ông từng chia sẻ rằng việc hạn chế đi xe công ngoài tiết kiệm cho ngân sách, chủ động trong công việc còn tạo sự thiện cảm với người dân. Hình ảnh đoàn xe biển xanh chở người đi ăn giỗ rõ ràng là hình ảnh không thiện cảm?
Ông Đỗ Mạnh Hùng: Tôi vừa dự cuộc tiếp đoàn cựu chiến binh của Trung đoàn thủ đô, các bác có nói trụ sở một số địa phương xây rất to, điều đó một phần nói lên đất nước mình phát triển nhưng các bác cũng băn khoăn rằng trụ sở càng to thì người dân càng “khó vào”.
Ví von như vậy cũng không hẳn có liên quan nhưng theo tôi sử dụng xe công khoặc khoán xe công cũng có tác động nhất định đến cách nhìn của người dân.
Một cán bộ lãnh đạo mà đi phương tiện công cộng hoặc sử dụng phương tiện bình thường như người dân thì có thể khoảng cách gần gũi hơn. Mình nói là với ý như vậy thôi.
PV: Phải chăng vấn đề quản lý xe công cần đi từ vấn đề quy định, quy chế chung phải chặt hơn, bởi lẽ nơi này sử dụng sai không bị xử lý thì nơi khác cũng “nhìn vào”?
Ông Đỗ Mạnh Hùng: Trở lại vấn đề kỷ cương thôi. Đối với quy định đã có thì đối chiếu rà soát để thực hiện nghiêm. Thực tiễn nếu còn bất cập, cái gì chưa hợp lý thì ta điều chỉnh bổ sung. Khi đã hoàn chỉnh rồi thì mọi người đều có trách nhiệm thực hiện.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Là một trong số ít cán bộ đủ tiêu chuẩn đi xe công ủng hộ và thực hiện chủ trương khoán xe công, ông Đỗ Mạnh Hùng cho rằng việc khoán xe vừa tiết kiệm cho ngân sách, người trong cuộc cũng chủ động, vừa tạo ra những suy nghĩ thiện cảm hơn cho người dân.
“Nhận khoán tiêu chuẩn xe công vụ mức 10 triệu đồng/tháng và thấy rất thoải mái, thuận tiện. Tôi không đủ cơ sở để khẳng định chi phí trung bình 320 triệu đồng/năm cho mỗi xe công đang hoạt động có lãng phí hay không, nhưng chắc chắn một điều là việc nhận khoán của những người có tiêu chuẩn xe công ở các cơ quan Quốc hội đã tiết kiệm cho ngân sách”- ông Hùng trao đổi với phóng viên tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.
Ý kiến ()