Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 05:41 (GMT +7)
Du lịch Việt Nam: Cấm – Sự bất lực của quản lý
Thứ 4, 12/04/2017 | 10:54:00 [GMT +7] A A
Mấy hôm nay, dư luận quan tâm nhiều đến văn bản yêu cầu dừng mọi hoạt động chèo thuyền kayak đối với du khách trên vịnh của UBND thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).
Bởi, lệnh cấm này không những ảnh hưởng đến khách du lịch, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và ngay chính địa phương mà còn làm sâu sắc thêm sự bất cập trong quản lý tồn tại lâu nay.
Du khách bơi thuyền Kayak trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Tiến Dũng/TTXVN |
Thiệt hại đầu tiên thuộc về doanh nghiệp. Theo một số công ty du lịch, phần lớn khách quốc tế đặt tour đi Vịnh Hạ Long đều đặt dịch vụ chèo thuyền kayak; và tour du lịch cũng thường được bán trước khá lâu, có khi tới vài tháng, nửa năm.
Do đó, lệnh cấm đưa ra một cách đột ngột đã khiến các doanh nghiệp trở tay không kịp, chỉ còn cách xin lỗi khách; nếu khách không đồng ý thì đành hủy tour, đền tiền. Chưa hết, du lịch Việt Nam xưa nay đã có tiếng là… đơn điệu, nhàm chán, những dịch vụ để khách nước ngoài tiêu tiền là rất ít.
Ngay cả Vịnh Hạ Long, tiếng là Di sản Thiên nhiên thế giới nhưng theo các công ty du lịch, khách đến đây chủ yếu cũng chỉ ngắm cảnh và ngủ là… chấm hết. Nay mới có thêm chèo thuyền kayak là dịch vụ gia tăng thì lại cấm… vô thời hạn, khiến nguồn thu đã hạn hẹp lại càng ít. Và du lịch Việt Nam đơn điệu lại hoàn đơn điệu. Doanh nghiệp thu tí thì thu ngân sách của địa phương cũng giảm theo.
Như vậy, thiệt hại trước mắt là về kinh tế; còn hậu quả lâu dài là ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp và hình ảnh của du lịch Việt Nam trong du khách nước ngoài. Vậy, một dịch vụ có nhiều cái lợi như chèo thuyền kayak vì sao lại bị cấm?
Lý do được đưa ra là: Chèo thuyền kayak trên vịnh Hạ Long đang phát triển quá nhanh, nhiều doanh nghiệp triển khai “chui”, vì hoạt động này chưa được cơ quan chức năng phê duyệt và cấp phép chính thức. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ chèo thuyền kayak không niêm yết giá, hoặc không thực hiện theo giá đã niêm yết, có biểu hiện “chặt chém” du khách…
Ô hay! Một dịch vụ lành mạnh, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch và mang lại nguồn thu cho cả doanh nghiệp và ngân sách địa phương thì cần khuyến khích chứ sao lại sợ khi nó “phát triển nhanh”? Còn nếu dịch vụ ấy có biểu hiện lệch lạc thì trách nhiệm quản lý, điều chỉnh để dịch vụ phát triển đúng hướng, đúng pháp luật thuộc về cơ quan quản lý và chính quyền địa phương chứ không phải là “cấm” một cách tùy tiện!
Tuy nhiên, lâu nay vẫn tồn tại tình trạng trong các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương đó là, cứ cái gì “không quản được thì cấm”, mà việc dừng hoạt động của dịch vụ chèo thuyền kayak trên Vịnh Hạ Long nói trên chỉ là một ví dụ nhỏ.
Nói rộng ra, cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách (do người dân và các doanh nghiệp đóng thuế) là để phục vụ người dân và doanh nghiệp, duy trì trật tự và tạo điều kiện cho xã hội, trong đó có hoạt động kinh tế phát triển lành mạnh, đúng pháp luật. Như vậy, quản lý thực chất là phục vụ chứ không phải là sự thể hiện quyền uy qua các lệnh “cấm”.
Biện pháp “CẤM” chỉ là biểu hiện của sự bất lực. Còn nguyên nhân của sự bất lực ấy phải chăng là do trình độ và năng lực của cán bộ không theo kịp sự phát triển của xã hội? Nếu vậy, một khi cán bộ, công chức không đủ trình độ, năng lực để quản lý sự phát triển của xã hội thì điều cần phải xem xét trước tiên chính là bản thân cán bộ, công chức đó, chứ không phải là kéo lùi sự phát triển của xã hội bằng các lệnh “cấm”.
Như vậy mới có thể dần dần chấm dứt được hội chứng “không quản được thì cấm”, để xã hội nói chung và nền kinh tế nói riêng phát triển lành mạnh.
Ý kiến ()