Hãng tin Bloomberg cho hay, lượng vàng nắm giữ toàn cầu tăng thêm hơn 500 tấn kể từ khi chạm đáy hồi tháng 1 trong bối cảnh giới đầu tư ngày càng lo ngại về tăng trưởng kinh tế thế giới, đặc biệt sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu – EU (Brexit) và Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) chưa có kế hoạch cụ thể về việc nâng lãi suất USD.
Tính đến ngày 1/7, lượng vàng nắm giữ của các quỹ đầu tư tín thác (ETF) tăng 6,6 tấn lên 1.959 tấn từ con số 1.458 tấn vào ngày 6/1, theo số liệu của Bloomberg.
Tuần qua, lượng vàng dự trữ tăng 37 tấn khi nhà đầu tư phản ứng trước việc người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ việc ra khỏi EU (Brexit), ghi nhận 5 tháng tăng liên tiếp trong vòng 6 tháng đầu năm nay.
Trong tháng 6/2016, giá vàng lên cao nhất trong hơn 2 năm qua khi giới đầu tư thích ứng với Brexit, thúc đẩy đà tăng sau khi FED giảm lộ trình nâng lãi suất, châu Âu và Nhật Bản áp dụng lãi suất âm.
Nhiều ngân hàng, trong đó có cả Goldman Sachs, đã nâng viễn cảnh giá vàng sau sự kiện Brexit, trong khi lợi tức trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và 30 năm xuống mức thấp kỷ lục.
Vyanne Lai, nhà kinh tế học tại Ngân hàng Quốc gia Australia, nhận định, môi trường lợi tức thấp toàn cầu và bất ổn ngày một tăng trên thị trường tài chính trước những diễn biến địa chính trị đã làm tăng tính hấp dẫn của vàng, vốn được coi là tài sản trú ẩn an toàn.
Lượng vàng nắm giữ của các quỹ ETF – đạt đỉnh 2.632,5 tấn năm 2012 khi các ngân hàng trung ương tăng cường kích thích nhằm thúc đẩy tăng trưởng sau khủng hoảng tài chính toàn cầu – đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 8/2013.
Tháng trước, Ngân hàng Goldman Sachs đã nâng mục tiêu giá vàng trong 6 tháng và 12 tháng tới thêm 100 USD/ounce, trong khi Ngân hàng Hải ngoại Trung Quốc (OCBC) dự đoán giá vàng sẽ chạm mốc 1.400 USD/ounce./.
VOV-VN
Ý kiến ()