Thứ Sáu, 22/11/2024 20:57 (GMT +7)

Giảm nghèo bền vững vùng Tây Bắc: Số hộ nghèo giảm 3,91%/năm

Thứ 5, 10/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A


Tính đến cuối năm 2014, vùng Tây Bắc vẫn còn 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 20%, trong đó Hà Giang là 23,21%, Cao Bằng 20,55%, Yên Bái 20,57%, Sơn La 23,94%, Điện Biên 32,57%, Lai Châu 23,48%. Nguyên nhân là do sáu tỉnh này điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội rất khó khăn và tập trung số đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất vùng với tổng số 29/45 huyện nghèo 30a và 3/12 huyện nghèo hưởng cơ chế 30a của cả vùng.

Thụ hưởng nhiều Chương trình, chính sách

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, toàn vùng Tây Bắc nói chung và 6 tỉnh nói riêng được hưởng hầu hết các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung áp dụng cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cả nước theo các lĩnh vực như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ xuất khẩu lao động, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

Với diện tích gần 9.000 ha, dung tích trên 9 tỷ m3 nước, hồ Sông Đà đem lại tiềm năng lớn để phát triển nghề cá cho tỉnh Sơn La. Ảnh: Điêu Chính Tới – TTXVN

Chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, chính sách hỗ trợ về giáo dục cho học sinh, sinh viên nghèo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số (DTTS), chính sách hỗ trợ y tế, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, định canh, định cư, tạo việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách trợ giúp pháp lý, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn và các chính sách riêng cho vùng theo Đề án do Ban Chỉ đạo Tây Bắc xây dựng và tổ chức thực hiện cùng các dự án giảm nghèo có quy mô thực hiện và tổng nguồn lực lớn (như Dự án hỗ trợ giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc do World Bank hỗ trợ thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tại các tỉnh do Sở Kế hoạch và Đầu tư phụ trách thực hiện…).

Thông qua cơ chế, chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, đặc biệt là sự nỗ lực của người dân, đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo nói chung và hộ DTTS nói riêng được cải thiện rõ nét, tạo điều kiện để người dân trên địa bàn tiếp cận thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, điện, nước sinh hoạt, giao thông đi lại.

Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết, đến nay toàn vùng Tây Bắc đã có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, trên 80% xã có đường xe công nông, xe máy đến các thôn, bản. Hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới cho 75% diện tích ruộng, 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã. 100% số xã có trường học trung tâm, trạm y tế được đầu tư kiên cố. Tình hình chính trị – xã hội được ổn định, an ninh – quốc phòng được giữ vững, đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục cải thiện và có nhiều đổi mới. Đồng bào các dân tộc đoàn kết, giữ vững truyền thống yêu nước, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước.

Giai đoạn 2011 – 2015, Nhà nước đã tập trung nguồn lực bố trí cho thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn 6 tỉnh gần 40 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 22 tỷ đồng; ngân sách địa phương trên 1,2 tỷ đồng; nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi trên 8,2 tỷ đồng; nguồn vốn huy động cộng đồng (vốn doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể, cộng đồng và người dân) hơn 1 tỷ đồng; vốn từ các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác đã và đang thực hiện trên địa bàn trên 4,8 tỷ đồng; hỗ trợ khác (Vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn phi chính phủ NGO) hơn 2,5 tỷ đồng.

Nhờ có nguồn vốn trên, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng đã giảm từ 842.017 hộ (chiếm 34,41% năm 2010) xuống còn 484.181 hộ (18,26% năm 2014). Bình quân giảm 3,91%/năm, tốc độ giảm nghèo tương đối nhanh nhưng vẫn còn cao gần gấp đôi so với mức giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn quốc trong cùng giai đoạn.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, công tác lãnh đạo triển khai một số nhiệm vụ Nghị quyết của Chính phủ ở một số địa phương, cơ sở còn chậm. Việc tổ chức triển khai và kiểm tra, đôn đốc thực hiện Nghị quyết chưa quyết liệt; chỉ đạo thực hiện quyết định của UBND tỉnh về chương trình giảm nghèo có nội dung chưa kịp thời, chưa sâu sát và thiếu quyết liệt. Chưa có những giải pháp sáng tạo, đột phá. Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ ở các huyện nghèo còn lúng túng, chậm tiến hành giao đất, giao rừng cho nhân dân, việc triển các chính sách hỗ trợ hộ nghèo gặp khó khăn. Chính sách hỗ trợ đất sản xuất đã được triển khai từ giai đoạn 2006 – 2010 nhưng kết quả thực hiện được rất hạn chế, do quỹ đất không còn; nhiều tỉnh gặp khó khăn trong việc tạo quỹ đất.

Kết quả giảm nghèo chưa mang tính bền vững, tốc độ giảm nghèo giữa các vùng, miền không đồng đều, thiếu tính bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, vốn vay giải quyết việc làm… còn chưa đáp ứng so với yêu cầu. Tiến độ triển khai một số chương trình, dự án còn chậm; một số dự án phải tạm dừng do Chính phủ không tiếp tục bố trí vốn hỗ trợ; nhiều dự án đầu tư dàn trải, hiệu quả chưa cao. Cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu so với nhu cầu thực tế của địa phương, các công trình đường giao thông liên thôn, liên bản, trạm y tế xã, thủy lợi, nước sạch, điện sinh hoạt, nhà văn hóa,… chưa có kinh phí để đầu tư; mức đầu tư cho các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và Chương trình 135 thấp.

Công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn đã được quan tâm, tổ chức thực hiện nhưng chưa thường xuyên. Một số địa phương còn thụ động trong thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; chưa cân đối, bố trí được nguồn ngân sách địa phương và chưa thực hiện tốt công tác huy động nguồn lực hỗ trợ từ các doanh nghiệp, xã hội, cộng đồng, người dân… vào thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn. Công tác lồng ghép nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt hiệu quả cao.

Các hoạt động đầu tư tại một số địa phương còn nặng về các công trình đầu tư với yêu cầu về quy mô và nguồn lực lớn, các công trình quy mô vừa và nhỏ phục vụ cho các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất chưa được chú trọng; chưa phát huy được của người dân và cộng đồng trong tổ chức đầu tư, quản lý, kiểm tra, giám sát các công trình đầu tư trên địa bàn.

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu