Ngân hàng đầu tiên hoạt động thanh toán biên mậu
Agribank đến với Campuchia sớm nhất trong các tổ chức tín dụng của Việt Nam.
Ý thức được vai trò, trách nhiệm của một doanh nghiệp lớn trong thúc đẩy quan hệ thương mại giữa 2 nước, xác định Campuchia là thị trường tiềm năng, từ năm 2005, Agribank mở Văn phòng đại diện tại Phnom Penh, là ngân hàng Việt Nam đầu tiên triển khai hoạt động thanh toán biên mậu, giúp doanh nghiệp 2 nước thuận lợi trong thanh toán hàng hóa xuất nhập khẩu.
Từ văn phòng đại diện, ngày 28/6/2010, Agribank đã chính thức khai trương chi nhánh đầu tiên tại thủ đô Phnom Penh.
Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu việc Agribank mở rộng mạng lưới hoạt động ra nước ngoài, là cầu nối thị trường tài chính – ngân hàng giữa Việt Nam và Campuchia, đem tới đất nước chùa Tháp một hệ thống thanh toán, dịch vụ ngân hàng tiên tiến, hiện đại đáp ứng nhu cầu tài chính – tiền tệ cho thị trường 15 triệu dân.
Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, Chi nhánh Agribank Campuchia đã đầu tư vốn cho vay vào các lĩnh vực như: Viễn thông, trồng cây cao su, chăn nuôi, giao thông, hỗ trợ vốn…, cung ứng các dịch vụ, tiện ích ngân hàng cho các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam sang đầu tư, kinh doanh tại Campuchia.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại đây, khi vướng các rào cản về pháp lý để tiếp cận vốn, dịch vụ của ngân hàng địa phương thì chính các ngân hàng Việt Nam là điểm đến, cầu nối cho doanh nghiệp Việt.
Doanh nghiệp Việt sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn vay, chuyển tiền về Việt Nam, hoặc các dịch vụ khác mà không thể tiếp cận tại thị trường nước ngoài.
Đối với dịch vụ chuyển tiền giữa Việt Nam và Campuchia, song song với việc sử dụng dịch vụ của các tổ chức khác, Agribank Campuchia sử dụng kênh chuyển tiền nội bộ qua hệ thống corebanking (qua KO) với các lợi thế như chi phí rẻ, nhanh chóng đã hỗ trợ rất lớn cho hoạt động thanh toán thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia, là chỗ dựa tin cậy đối với các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Campuchia.
5 năm hoạt động, Agribank dành cho doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia một số món vay như: Cho Viettel Cambodia Ltd. vay số tiền 20 triệu USD để đầu tư, phát triển hệ thống viễn thông rộng khắp Campuchia.
Agribank Campuchia cho vay vốn các công ty cao su thuộc tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đầu tư tại Campuchia, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng chục ngàn lao động nông thôn Campuchia.
Đối với các doanh nghiệp, cá nhân bản địa, Agribank cho vay vốn để nhập khẩu máy móc, thiết bị hàng hóa, nguyên vật liệu, thi công các công trình giao thông, y tế, trường học, khách sạn, nhà ở… góp phần phát triển hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, trường học, nhà ở, văn phòng và dịch vụ du lịch của Campuchia.
Nỗ lực ghi dấu ấn trên đất Campuchia
Tổng kết 5 năm hoạt động tại thị trường Campuchia, chi nhánh cũng phải trải qua khá nhiều thời điểm khó khăn.
Giai đoạn 2012-2013, Campuchia xảy ra bất ổn chính trị gây ảnh hưởng lớn đến tình hình trật tự an ninh và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tại Campuchia, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam (do đặc thù về chính trị).
Về pháp lý, quản lý nhà nước của Campuchia chưa chặt chẽ, thực thi pháp luật chưa minh bạch nên chi phí đầu tư cao.
Pháp luật Campuchia nói chung và Ngân hàng Quốc gia Campuchia nói riêng chủ yếu là các văn bản về luật, còn thiếu các văn bản hướng dẫn dưới luật nên khó khăn khi thực hiện.
Nhà nước Campuchia chưa có quy định cụ thể về các biện pháp đảm bảo tài sản khi vay vốn nên công tác xử lý nợ xấu, quá trình xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ của các ngân hàng còn gặp khó khăn, vướng mắc và mất nhiều thời gian, chi phí.
Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia gặp khó khăn trong việc xin cấp quyền sở hữu tài sản. Do vậy, rất ít doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu thế chấp tài sản đảm bảo là bất động sản để vay vốn kinh doanh. Trong những năm qua, khách hàng chủ yếu là các doanh nghiệp viễn thông và cao su.
Trong 2 năm trở lại đây, ngành cao su thế giới gặp khó khăn, công nghiệp hóa dầu ngày càng phát triển nên cao su thiên nhiên đang dần hạn chế sử dụng. Nhiều doanh nghiệp phá sản, rút về nước.
Tập đoàn viễn thông lớn của Việt Nam tại Campuchia cũng rút vốn. Chính vì vậy, Agribank giảm mạnh vốn huy động và dư nợ từ các khách hàng chiến lược.
Đối với các doanh nghiệp Campuchia, họ có nhiều thông lệ, quan điểm kinh doanh khác Việt Nam, nên cán bộ chi nhánh phải thuyết phục và giải thích rất nhiều cho khách hàng để họ hiểu và chấp nhận các quy trình thủ tục trong cho vay của Agribank.
Bên cạnh đó, lĩnh vực cho vay nước ngoài chứa đựng nhiều rủi ro hơn so với cho vay trong nước bởi vì nguồn thông tin ở nước ngoài thường kém tin cậy, việc kiểm soát các khoản tín dụng ở xa khó khăn hơn và hệ thống pháp luật Campuchia chưa đủ mạnh, minh bạch để đảm bảo tính hiệu lực cho các hợp đồng cũng như để giải quyết tranh chấp khi xảy ra phá sản….
Trải qua những bỡ ngỡ và áp lực, Agribank Campuchia quyết tâm cùng nhau vượt qua khó khăn, từng bước tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành nhiệm vụ, kinh doanh có hiệu quả, đưa chi nhánh trở thành một trong những địa chỉ đáng tin cậy của khách hàng Campuchia và các nhà đầu tư Việt Nam tại thị trường Campuchia. Agribank được đánh giá có năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động và chất lượng tín dụng, dịch vụ tốt.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Agribank Campuchia luôn chú trọng đến công tác an sinh xã hội.
Bước vào năm hoạt động thứ 6 tại thị trường tuy tiềm năng nhưng cũng nhiều thách thức, đã có nhiều tín hiệu khách quan khả quan hơn đối với hoạt động của chi nhánh non trẻ này.
Agribank Campuchia đang từng bước nỗ lực khẳng định ý nghĩa tồn tại và phát triển của mình, là một dấu ấn của Agribank trong tiến trình hội nhập từng bước vươn ra quốc tế và đóng góp vào việc củng cố, phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống Campuchia và Việt Nam./.
Ý kiến ()