Thứ Bảy, 23/11/2024 03:06 (GMT +7)

“Hành vi trả thù, trù dập người tố cáo tham nhũng thường rất tinh vi”

Thứ 2, 21/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương: Hành vi trả thù, trù dập thường rất tinh vi, nếu chúng ta không có biện pháp hữu hiệu bảo vệ cũng làm cho người tố cáo tham nhũng nản lòng.

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 50 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, vấn đề này lại được dư luận dành sự quan tâm đặc biệt. Bởi một lần nữa Chỉ thị thẳng thắn nhận định tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu; số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít; thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Phạm Anh Tuấn – Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Tham nhũng còn phức tạp nên cần biện pháp phù hợp hơn

PV: Theo ông thì Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng sẽ tác động như thế nào đến công tác phòng chống tham nhũng?

Ông Phạm Anh Tuấn: Hội nghị Trung ương 4 khóa XI ra Nghị quyết về những vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay, trên cơ sở đó Bộ Chính trị có Kế hoạch số 08 giao nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Sau 3 năm thực hiện thấy được một số vướng mắc khó khăn trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng trong tình hình hiện nay. Đứng trước bất cập khó khăn như vậy, Ban Nội chính Trung ương có tham mưu cho Ban chỉ đạo Trung ương để đề xuất Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 50.

"hanh vi tra thu, tru dap nguoi to cao tham nhung thuong rat tinh vi"  hinh 0

Ông Phạm Anh Tuấn – Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương

Hy vọng Chỉ thị này ra đời sẽ tác động trực tiếp đến các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cơ qun tổ chức đơn vị trách nhiệm, ý thức đầy đủ hơn nữa, triển khai hiệu quả giải pháp để nhằm phát hiện, xử lý tham nhũng.

PV:Tại sao những đánh giá của các bộ ngành, địa phương luôn lạc quan hơn so với nhận định trong báo cáo của các cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng, thưa ông?

Ông Phạm Anh Tuấn: Nếu nói lạc quan hơn thì chưa hẳn, tuy nhiên, chúng ta cần thống nhất nhận thức với nhau là tham nhũng là hiện tượng xã hội phức tạp và trong xã hội văn minh tham nhũng thường có độ ẩn rất cao.

Hiện nay, chúng ta và hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chưa có bộ công cụ thực sự khoa học, thực sự hữu hiệu làm thước đo tình hình tham nhũng.

Đánh giá tình hình tham nhũng ở mức độ nào phải được dựa vào nhiều yếu tố. Thứ nhất dựa vào đặc điểm, điều kiện phát triển KT-XH của từng vùng, từng miền, địa phương. Xác định lĩnh vực quản lý nhà nước của một bộ nào đó có nguy cơ xảy ra tham nhũng cao nhiều hay ít. Thứ 3 xem ở đó các vụ việc, vụ án tham nhũng xảy ra nhiều hay ít. Thứ 4 cũng phải xem công tác phòng chống tham nhũng ở ngành, địa phương đó có tốt hay không…

Tổng hợp những yếu tố đó ta mới có thể tiệm cận tình hình tham nhũng do các thông số tình hình tham nhũng ở các địa phương và các bộ ngành là không giống nhau.

Kết hợp với không loại trừ bệnh quan liêu, thích thành tích, sợ trách nhiệm của số ít cán bộ lãnh đạo cho nên dẫn đến câu chuyện đánh giá tình hình tham nhũng ở các địa phương khác với đánh giá tổng thể của Trung ương.

PV: Từ thực tế đó cho thấy, băn khoăn của người dân: Tham nhũng đang trốn ở đâu, chống ai, ai chống vẫn đang cần lời giải đáp minh bạch, không thể chung chung?

Ông Phạm Anh Tuấn: Trong thời gian vừa qua công tác phòng chống tham nhũng cũng đạt được kết quả quan trọng. Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế quản lý KT-XH được quan tâm và chặt chẽ hơn, hạn chế tối đa kẽ hở lợi dụng tiêu cực, tham nhũng. Chúng ta tiếp tục xây dựng hoàn thiện các quy định về phát hiện xử lý tham nhũng.

Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính cũng tốt để hạn chế tối đa sách nhiễu, tiêu cực của không ít người có trách nhiệm, quyền hạn trong bộ máy Nhà nước khi tiếp xúc, giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.

Nhiều vụ án kinh tế tham nhũng lớn những năm gần đây được phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời, tạo sức mạnh răn đe và phòng ngừa chung.

Tuy có cố gắng như vậy nhưng tham nhũng vẫn đang xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành; tính chất tham nhũng ngày càng tinh vi; thủ đoạn cũng tinh vi phức tạp, phạm vi rộng hơn và tính có tổ chức trong nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng rõ nét hơn. Mức độ tham nhũng lớn, nhất là một số vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhiều vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài… Tham nhũng vặt vẫn diễn ra hàng ngày, gây khó chịu trong xã hội.

Chúng ta xác định đúng thực trạng, tính chất, mức độ của tham nhũng để có giải pháp phù hợp để phòng ngừa, phát hiện xử lý cho hiệu quả.

Người lãnh đạo muốn tự phát hiện tham nhũng không quá khó

PV: Lâu nay phòng chống tham nhũng chúng ta trông chờ vào giám sát bên trong, giám sát nội bộ giữa các cơ quan, đơn vị. Rõ ràng rất khó vì sự đùn đẩy, bao che, ràng buộc lợi ích rất dễ xảy ra?

Ông Phạm Anh Tuấn: Hiện nay, chúng ta cũng biết khâu kiểm tra, giám sát bên trong nội bộ để tự phát hiện tham nhũng vẫn đang là khâu yếu.

Ở đây có nhiều nguyên nhân, trong đó do người đứng đầu thiếu trách nhiệm, ngại va chạm; hành vi tham nhũng có độ ẩn cao khó phát hiện; không loại trừ ở đâu đó người đứng đầu cơ quan đơn vị cũng dính vào tiêu cực thì họ không thể lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra giám sát nội bộ để phát hiện tham nhũng được.

Tuy nhiên, nếu tập thể và người lãnh đạo quan tâm, muốn phát hiện tham nhũng trong nội bộ cũng không phải là việc quá khó.

Giải quyết vấn đề này, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 50 trong đó nhấn mạn giải pháp đầu tiên là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, nhà nước, đoàn thể, cơ quan đơn vị phải gương mẫu thực hiện và phải có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng; chủ động tự phát hiện vụ việc khi có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Đồng thời, Bộ Chính trị xác định kết quả công tác phòng chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo của cơ quan, đơn vị tổ chức đó.

PV: Chỉ thị 50 nhấn mạnh giải pháp hát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của xã hội, nhất là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, ban thanh tra nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng… trong phát hiện tham nhũng. Ông có cho rằng cơ chế giám sát bên ngoài này không dễ dàng thực hiện vì có rất nhiều rào cản?

Ông Phạm Anh Tuấn: Cơ chế kiểm tra, giám sát bên ngoài để phát huy tác dụng phải được thực hiện đồng bộ, có nhiều giải pháp, biện pháp cụ thể khác nhau, tương hỗ với nhau chứ không có giải pháp nào độc lập. Vì đây là kiểm tra, giám sát mang tính chất xã hội, tính chất cơ quan dân cử.

Sau này phải nghiên cứu, báo cáo chuyên đề để nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát từ bên ngoài.

PV: Vậy theo ông, làm thế nào để giám sát bên ngoài thực sự là công cụ mạnh trong phòng chống tham nhũng?

Ông Phạm Anh Tuấn: Tôi nghĩ có nhiều biện pháp, nhưng ở đây chú trọng một số biện pháp cần lưu ý: Phải nâng cao chất lượng giám sát công tác pháp luật xử lý tham nhũng của Quốc hội, HĐND các cấp và cần được thực hiện một cách thường xuyên, có chất lượng.

Tạo cơ chế phát huy vai trò của Ủy ban mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, đặc biệt là vai trò báo chí. Cần khuyến khích và bảo vệ hiệu quả người tố cáo tham nhũng, đi đôi với đó là cần phải xử lý nghiêm mọi hành vi trả thù, trù dập người tố cáo tham nhũng.

Chúng ta đã biết vừa qua có một số cá nhân tích cực tố cáo tham nhũng, nhưng trên thực tế cơ chế chưa đồng bộ nên việc bảo vệ người tố cáo không phải là chuyện dễ. Hành vi trả thù, trù dập thường rất tinh vi, nếu chúng ta không có biện pháp hữu hiệu bảo vệ cũng làm cho người tố cáo tham nhũng nản lòng.

"hanh vi tra thu, tru dap nguoi to cao tham nhung thuong rat tinh vi"  hinh 1

Đề xuất lập cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập rất đáng chú ý

PV: Kết luận của thanh tra, kiểm toán, tin báo tố giác tội phạm có được xem xét đến hay không lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Các chuyên gia từng nhiều lần đề xuất xây dựng cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập. Đây có phải là đề xuất rất đáng quan tâm, thưa ông?

Ông Phạm Anh Tuấn: Qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chúng ta phát hiện về sai phạm kinh tế là rất nhiều. Nhưng tìm ra tham nhũng trong các sai phạm đó lại rất ít, không tương xứng.

Do nhiều nguyên nhân, trong đó luật pháp của chúng ta quy định các cơ quan thanh tra, kiểm toán không phải là cơ quan điều tra nên họ không đủ thẩm quyền, khả năng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ điều tra để đi tìm, xác định, kết luận một hành vi mang tính ẩn rất cao, tinh vi, phức tạp để kết luận có tham nhũng hay không.

Thứ hai không loại trừ một số cơ quan thanh tra hay kiểm toán không muốn chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra vì nhiều lý do khác nhau.

Chính vì vậy, Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị lần này yêu cầu rất rõ, trong quá trình thanh tra, kiểm toán khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng yêu cầu cơ quan thanh tra, kiểm toán phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Vừa qua Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo cũng thấy được điều này cho nên đã xây dựng kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổng rà soát các kết luận thanh tra kinh tế – xã hội từ đầu năm 2011 cho đến nay, để trên cơ sở đó phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong các kết luận này ở 63 tỉnh thành để yêu cầu chuyển cơ quan điều tra.

Về đề xuất xây dựng cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập, tôi nghĩ rằng gọi như thế nó chưa sát nghĩa. Bởi vì phòng chống tham nhũng có hai mảng là phòng ngừa và phát hiện xử lý.

Riêng phòng ngừa là trách nhiệm của tất cả cơ quan, đơn vị, bộ ngành, địa phương, ở đâu cũng phải có trách nhiệm triển khai các biện pháp phòng ngừa. Có chăng có cơ quan quản lý nhà nước, hay cụ thể hơn là cơ quan quản lý Nhà nước giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác phòng ngừa tham nhũng. Luật PCTN và Luật Thanh tra đã giao nhiệm vụ này cho cơ quan Thanh tra Nhà nước giúp Chính phủ về vấn đề này.

Ý tưởng xây dựng cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập, tức là muốn xây dựng cơ quan điều tra độc lập để phát hiện xử lý tham nhũng. Cái này xuất phát từ việc chúng ta là thành viên Công ước LHQ về phòng chống tham nhũng, mà Công ước cũng khuyến nghị các thành viên nên có các cơ quan chuyên trách quản lý hay điều phối việc phòng ngừa, phát hiện xử lý tham nhũng. Đây cũng là vấn đề quan trọng rất đáng chú ý, nhưng phải tính kỹ để bảo đảm hiệu quả thực sự, không trùng giẫm, chồng chéo lên cơ quan hiện hành.

“Tham nhũng chính sách” là có.

PV: Chúng ta có một hệ thống chính sách, pháp luật tuy chưa thực sự hoàn thiện nhưng cũng khá đầy đủ trong phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định không thể phòng chống tham nhũng thành công nếu các quy định, các cơ chế lại tự bó hẹp nhau và khi tham nhũng chính sách với cơ chế xin – cho vẫn tồn tại. Ông có suy nghĩ như thế nào?

Ông Phạm Anh Tuấn: Gần đây có khái niệm được dùng nhiều là “tham nhũng chính sách”. Tôi hiểu ở đây muốn nói rằng lợi dụng xây dựng thể chế quản lý kinh tế xã hội để anh lồng ý chí chủ quan hay lợi ích cục bộ vào đó để dễ tiêu cực tham nhũng.

Muốn hạn chế chúng ta phải thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, trước hết cải tiến quy tình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quản lý KT –XH. Đặc biệt chú ý công tác thẩm định, thẩm tra chặt chẽ, hiểu quả, lắng nghe ý kiến phản biện, trong đó có phản biện xã hội đối với dự án luật, dự thảo nghị định, dự thảo văn bản pháp luật.

Chúng ta khác với một số quốc gia khác. Các nước phát triển, hệ thống pháp luật của họ tương đối ổn định, xây dựng pháp luật của họ chủ yếu là sửa chữa, điều chỉnh các văn bản pháp luật đang có. Còn của chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi, bắt đầu xây dựng hoàn thiện cho nên phải giao cho cơ quan quản lý Nhà nước, người hiểu rõ nhất, sâu nhất vấn đề đó trực tiếp xây dựng các dự thảo dự án luật. Bởi không thể giao cho một anh không có kinh nghiệm, không có thực tiễn quản lý Nhà nước của lĩnh vực đấy xây dựng pháp luật, đạo luật nào đó quản lý Nhà nước về lĩnh vực đó.

Vấn đề này Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng tính kỹ rồi. Cái gì cũng có tính hai mặt của nó, câu chuyện lồng ý chí chủ quan, lợi ích cục bộ vào trong các văn bản là có chứ không phải không.

PV: Theo ông, giải pháp nào cần được quan tâm để Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị thực sự phát huy tác dụng thực chất?

Ông Phạm Anh Tuấn: Muốn hay không muốn thì người đứng đầu cơ quan đơn vị và tập thể lãnh đạo trực tiếp lãnh đạo, chỉ đoạn công tác này, đặc biệt là người đứng đầu.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu trong 7 nhóm giải pháp là các cấp ủy, các tổ chức Đảng phải có trách nhiệm phổ biến, quán triệt và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện nghiêm Chỉ thị.

Đồng thời Bộ Chính trị cũng giao cho Ban Nội chính Trung ương chủ trì phối hợp với các ban Đảng, các ban cán sự Đảng, đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan tổ chức có liên quan giúp Bộ Chính trị theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị và phải định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng việc thực hiện Chỉ thị.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Ngọc Chi – Ngọc Thành/VOV

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu