Chủ Nhật, 24/11/2024 21:07 (GMT +7)

Hối lộ thành viên đoàn kiểm toán dưới 2 triệu đồng có thể bị phạt tới 20 triệu đồng

Thứ 3, 14/02/2023 | 11:39:12 [GMT +7] A  A

VOV.VN - Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi mua chuộc, hối lộ tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2 triệu đồng cho thành viên đoàn kiểm toán.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội

Ngày 13/2, tại phiên họp 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước.

Pháp lệnh này quy định hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước.

Dự thảo dành 1 chương riêng với 7 điều quy định về các hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước.

Cụ thể, 7 nhóm loại hành vi vi phạm (là các hành vi phổ biến, xảy ra thường xuyên trên thực tế) được thể hiện trong dự thảo, liên quan đến: gửi báo cáo định kỳ; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán; về trả lời và giải trình liên quan đến nội dung kiểm toán; không ký biên bản kiểm toán, không chấp hành quyết định kiểm toán; mua chuộc, hối lộ thành viên Đoàn kiểm toán, cản trở công việc của KTNN; che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán và vi phạm quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, đối với mỗi hành vi thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt hành chính bao gồm phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền (đến 50 triệu đồng đối với cá nhân và đến 100 triệu đồng đối với tổ chức).

“Quy định mức phạt tiền được xây dựng phù hợp theo nguyên tắc bảo đảm mức độ răn đe và tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm tính khả thi, mức độ giáo dục pháp luật và tính hợp lý của việc áp dụng hình thức, mức phạt” – ông Ngô Văn Tuấn nói.

Bên cạnh đó còn áp dụng các biện pháp nhất định nhằm khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra. Cụ thể là buộc cải chính thông tin, tài liệu, dữ liệu có nội dung sai lệch, không chính xác hoặc không trung thực; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước; buộc nộp lại số tiền tương ứng với số tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác đã đưa hoặc sẽ đưa để mua chuộc, hối lộ thành viên Đoàn kiểm toán.

Đáng chú ý, dự thảo quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Mua chuộc, hối lộ tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2 triệu đồng cho Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán; Cản trở công việc của KTNN và kiểm toán viên Nhà nước.

Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng đối với các hành vi này là buộc nộp lại số tiền tương ứng với số tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác đã đưa hoặc sẽ đưa để mua chuộc, hối lộ.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật nhất trí sự cần thiết ban hành pháp lệnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.

Cơ quan thẩm tra đồng tình với ý kiến của Chính phủ liên quan quy định “mua chuộc, hối lộ tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2 triệu đồng” là nhằm bảo đảm phân định rõ ranh giới giữa truy cứu trách nhiệm hình sự và xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi mua chuộc, đưa hối lộ.

Về phạm vi điều chỉnh, do đây là lần đầu tiên xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với lĩnh vực này nên Ủy ban Pháp luật thống nhất quan điểm pháp lệnh chỉ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm đã rõ, xảy ra thường xuyên và mang tính phổ biến để bảo đảm tính khả thi; qua quá trình thực hiện sẽ tiến hành tổng kết, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung trong trường hợp cần thiết.

Sau khi thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết đồng ý về mặt nguyên tắc, giao Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự thảo để trình lại bằng văn bản, ban hành trong tháng 2/2023, có hiệu lực từ 1/5/2023./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu