Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 21:02 (GMT +7)
Hôm nay, Quốc hội bỏ phiếu kín lấy tín nhiệm 44 chức danh
Thứ 4, 25/10/2023 | 10:18:19 [GMT +7] A A
VOV.VN - Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 44 chức danh bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả sẽ được công bố ngay tại kỳ họp theo quy định của Nghị quyết 96 của Quốc hội.
Sáng nay (25/10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.
Tiếp đó, Quốc hội thành lập Ban Kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín.
Trước đó, chiều 24/10, Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách 44 người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6. Sau đó, đại biểu Quốc hội thảo thảo luận ở đoàn về nội dung này.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, có 50 người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm theo quy định, và hiện có 49 vị trí đang giữ chức vụ. Tuy nhiên, theo quy định không lấy phiếu tín nhiệm với người có thông báo nghỉ công tác và người được bầu, phê chuẩn trong năm lấy phiếu (từ 1/1/2023) nên UBTVQH trình Quốc hội danh sách 44 chức danh lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6.
Bà Nguyễn Thị Thanh cho biết, 5 nhân sự không lấy phiếu tín nhiệm, gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh. Chiều cùng ngày, Ban Kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu, sau đó Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, giúp cho các chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
Đồng thời, đây cũng là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ. Vì vậy, đây là công việc hệ trọng, cần được tiến hành theo đúng quy trình, thủ tục chặt chẽ, đảm bảo dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch.
Ngọc Thành/VOV.VN
Ý kiến ()