Tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định khu vực đồi Vọng Cảnh là khu công viên phục vụ các hoạt động như đi dạo, ngắm cảnh, nghỉ ngơi, kết hợp làm điểm dừng lý tưởng cho các chuyến du lịch đường bộ cũng như đường thủy dọc sông Hương.
Tại đây cũng có thể tổ chức các hoạt động cắm trại, sáng tác nghệ thuật, giao lưu văn hóa, đồng thời kết hợp chỉnh trang các khu ở, làng vườn gắn kết với du lịch sinh thái cảnh quan…
Đáng lưu ý, các công trình kiến trúc xây dựng tại khu vực này chủ yếu là các chòi nghỉ, chòi ngắm cảnh trên các điểm nghỉ, điểm dừng và các công trình kiến trúc trang trí nhỏ mang tính sinh thái.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng quy định việc xây dựng công trình trong khu vực đảm bảo hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới hệ thống di tích, với mật độ xây dựng toàn khu vực quy hoạch từ 30% trở xuống; nhất thiết không che chắn tầm nhìn từ đồi Vọng Cảnh và núi Bàu Hồ tới sông Hương…
Quy hoạch cũng nêu rõ, khu vực đồi Vọng Cảnh và vùng phụ cận có các phân khu chức năng chủ yếu gồm các khu vực lăng tẩm bảo tồn (lăng Tự Đức, Đồng Khánh…), tuân thủ theo các quy định về khoanh vùng bảo vệ di tích; tạo dựng các vùng đệm bằng hệ thống cây xanh, vùng sinh thái nông nghiệp.
Khu vực núi Bàu Hồ, phần đất ven sông Hương, trước mắt khoanh vùng không mở rộng phạm vi khu vực chôn cất, từng bước di dời nghĩa địa, dành quỹ đất dự kiến xây dựng các điểm ngắm cảnh, thư giãn, du lịch sinh thái, sinh hoạt cộng đồng, cây xanh cảnh quan… (dạng quỹ đất sử dụng hỗn hợp) cũng như đất cho các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật (mở rộng nhà máy nước Vạn Niên) xung quanh khu vực lăng tẩm tổ chức cây xanh vùng đệm bảo vệ di tích.
Phần đất phía Bắc núi bố trí các khu dịch vụ, du lịch sinh thái có mật độ xây dựng thấp, khai thác các giá trị kiến trúc truyền thống mang nét đặc trưng Huế. Dọc hai bờ sông Hương, khe Bối, các khe tụ thủy, xung quanh các hồ nước tổ chức trồng cây xanh tạo cảnh quan.
Đồi Vọng Cảnh từng gây xôn xao dự luận một thời bởi việc xây dựng khách sạn ở khu vực này, sau đó phải dừng dự án…/.
Ý kiến ()