Thời gian qua xảy ra một số trường hợp trẻ bị tử vong sau khi tiêm vắcxin khiến nhiều gia đình và phụ huynh lo lắng; nhiều người băn khoăn có nên tiếp tục tiêm vắcxin cho con hay không, nhất là với trường hợp vắcxin 5 trong 1 Quinvaxem.
Để giải tỏa băn khoăn, lo lắng của cộng đồng về tiêm phòng vắcxin, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), làm rõ hiệu quả phòng bệnh, nguyên nhân dẫn đến phản ứng sau khi tiêm vắcxin.
– Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả phòng bệnh của các loại vắcxin với sức khỏe con người?
Phó Viện trưởng Trần Như Dương: Về bản chất, việc tiêm chủng chính là sử dụng vắcxin nhằm kích thích cơ thể chủ động sinh ra miễn dịch đặc hiệu để chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Đến nay, trên thế giới đã có vắcxin phòng gần 30 bệnh truyền nhiễm. Khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã đưa vắcxin vào sử dụng phổ cập cho người dân.
Vắcxin và tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất đến nay làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong cho nhân loại. Khoảng 85%-95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể. Người được tiêm chủng sẽ hạn chế bị mắc bệnh, khó tử vong hay bị di chứng do bệnh dịch gây ra.
Nhờ có vắcxin, mỗi năm có khoảng 2,5 triệu trẻ em được cứu sống khỏi các bệnh truyền nhiễm, vắcxin và tiêm chủng góp phần quan trọng vào thành công của toàn thế giới trong thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi.
Khi đã tiêm chủng, trẻ sẽ được bảo vệ khỏi bệnh tật, sống khỏe mạnh, không bị các di chứng, dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra, giúp trẻ phát triển tốt cả thể chất và trí não. Trẻ khỏe mạnh sẽ giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm thời gian và công sức của gia đình. Ngoài ra, tiêm chủng còn giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người lớn như vắcxin phòng cúm, phòng viêm màng não do não mô cầu, phòng ung thư gan, ung thư cổ tử cung…
Bên cạnh đó, vắcxin còn có tác động lâu dài cho cá nhân và cộng đồng như tăng khả năng và năng suất lao động do không bị ốm đau. Tất cả những điều này góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Sau hơn 30 năm, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã được Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế đánh giá là một chương trình y tế công cộng hiệu quả và thành công nhất ở Việt Nam. Nhờ tiêm chủng mở rộng, hàng năm Việt Nam đã bảo vệ được hàng triệu trẻ không mắc, không chết cũng như không có các di chứng từ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phổ biến. Hàng năm, hàng triệu phụ nữ và trẻ sơ sinh không bị mắc uốn ván trong sản khoa.
– Thời gian qua, tại các địa phương đã xảy ra một số trường hợp phản ứng sau tiêm vắcxin, thậm chí đã có những trẻ tử vong. Vậy ông có thể nêu rõ các phản ứng sau tiêm vắcxin và nguyên nhân chính gây tử vong sau tiêm chủng?
Phó Viện trưởng Trần Như Dương: Phải nói rõ ràng rằng vắcxin là một chế phẩm sinh học đặc biệt có nguồn gốc từ các vi sinh vật gây bệnh hoặc độc tố của chúng, hoặc do tổng hợp sinh học đã được bào chế làm mất khả năng gây bệnh nhưng vẫn còn khả năng kích thích cơ thể sinh kháng thể bảo vệ. Phản ứng sau tiêm chủng là hiện tượng sức khỏe bất thường sau tiêm chủng, bất thường này có thể liên quan đến tiêm chủng hoặc không.
Về nguyên tắc, tất cả các vắcxin đều phải đảm bảo được tính an toàn và hiệu lực, phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, giống như thuốc, dù tốt đến đâu cũng không có loại vắcxin có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối 100% như mong muốn bởi vì tiêm vắcxin tức là đưa một kháng nguyên lạ vào cơ thể.
Thông thường, mỗi cá thể phản ứng với vắcxin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24 giờ. Tuy nhiên, một số rất ít cơ thể lại có phản ứng mạnh với vắcxin, nhất là với trẻ em như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc và tử vong.
Do đó, thực tế đã có nhiều trường hợp tiêm cùng một lô vắcxin, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vắcxin lại có trẻ có phản ứng rất nghiêm trọng trong khi các trẻ khác hoàn toàn bình thường. Đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người với vắcxin.
Có nhiều nhóm nguyên nhân gây tử vong sau tiêm chủng. Thứ nhất là nhóm nguyên nhân do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác. Đây là nguyên nhân hay gặp nhất bởi vì khác với thuốc chữa bệnh dùng đơn lẻ cho từng bệnh nhân thì vắcxin trong tiêm chủng mở rộng được dùng hàng loạt cho rất đông đối tượng trong đó chủ yếu là trẻ nhỏ (giai đoạn này trẻ rất dễ bị nhiễm trùng hay các bệnh bẩm sinh).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dị tật bẩm sinh và nhiễm trùng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi; một ngày ước tính ở Việt Nam có khoảng 70 trẻ em dưới 1 tuổi bị tử vong mà không rõ nguyên nhân. Nếu các dấu hiệu của bệnh chưa được phát hiện tại thời điểm tiêm chủng thì các dấu hiệu bất thường và tử vong sau tiêm rất dễ bị quy kết do tiêm chủng.
Thứ hai là nhóm nguyên nhân do phản ứng quá mẫn cá thể đối với vắcxin. Một số rất ít người có phản ứng rất mạnh với vắcxin dẫn đến sốc phản vệ. Những trường hợp sốc nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Thứ ba là nhóm nguyên nhân do chất lượng vắcxin không đạt yêu cầu. Nếu do vắcxin không đảm bảo chất lượng thì có đặc điểm là các tai biến và tử vong xảy ra hàng loạt với các chùm ca bệnh liên quan mật thiết với cùng một loại vắcxin, cùng một lô vắcxin. Tuy nhiên, nguyên nhân này là vô cùng hiếm gặp vì tất cả các lô vắcxin trước khi được cấp phép lưu hành đều phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt.
Thứ tư là nhóm nguyên nhân do sai sót trong thực hành tiêm chủng. Đây là nguyên nhân do sai sót của cán bộ tiêm chủng gây ra như: bảo quản vắcxin không đúng, tiêm sai chỉ định, tiêm sai liều lượng, tiêm sai đường dùng, tiêm nhầm thuốc. Nếu do nguyên nhân này thì tai biến thường chỉ xảy ra ở một điểm tiêm chủng và liên quan đến một số cán bộ. Hầu hết các sai sót do thực hành tiêm chủng có thể gây tai biến cho trẻ nhưng khó dẫn đến tử vong trừ trường hợp tiêm nhầm vắcxin.
Cuối cùng là trẻ tử vong không rõ nguyên nhân. Rất nhiều trường hợp tử vong mặc dù được điều tra rất kỹ lưỡng, khách quan, khoa học nhưng vẫn không thể xác định được nguyên nhân. Trong trường hợp này tử vong được xếp vào nhóm không rõ nguyên nhân.
Mục đích của tiêm chủng là bảo cộng đồng nên nếu tỷ lệ phản ứng sau tiêm nằm trong khuyến cáo cho phép của Tổ chức Y tế thế giới thì vẫn phải duy trì tiêm chủng để tránh dịch bệnh bùng phát. Thực tiễn triển khai vắcxin ở Việt Nam trong hơn 30 năm qua với khoảng 600 triệu mũi tiêm, tai biến nặng xảy ra sau tiêm vắcxin là hãn hữu đã cho thấy tính an toàn của vắcxin.
– Phó viện trưởng có thể cho biết về nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm nếu trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng muộn?
Phó Viện trưởng Trần Như Dương: Để phòng bệnh, trẻ cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Nếu trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ, tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh trước khi được tiêm chủng do không có miễn dịch bảo vệ.
Trong quá trình thực hiện tiêm chủng thời gian qua cũng có một số nơi, một số thời điểm tỷ lệ tiêm chủng thấp và dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra như dịch sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản… cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ.
Điều này càng cho thấy nếu trẻ em không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, tiêm chủng muộn thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em và toàn thể cộng đồng.
Vì vậy, để bảo vệ trẻ tránh khỏi các bệnh nguy hiểm, các gia đình hãy đưa con đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm chủng của Bộ Y tế.
Trân trọng cám ơn./.
Ý kiến ()