Theo giới chuyên gia dự báo, bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2017 sẽ có màu sắc khác biệt so với những năm gần đây, bởi hai sự kiện Brexit và Donald Trump sẽ tác động mạnh, những nhân tố tiền an ninh (chống toàn cầu hóa và bảo hộ mậu dịch) gia tăng, nhất là ở ngay 2 trên 3 trung tâm kinh tế thế giới (Mỹ và Tây Âu), nên được mô tả là “ảm đạm với nhiều biến số khó lường”.
Hai kịch bản
Theo đó, nền kinh tế toàn cầu có thể diễn ra theo hai kịch bản: Một là, “bất ổn gia tăng, rủi ro phát tác”. Bởi vì, trên thực tế thế giới đã phải chứng kiến hai cơn “tài chấn” hồi tháng 6 và tháng 11/2016 với độ “rung lắc” thị trường khá mạnh, chỉ đứng sau sự kiện sụp đổ của ngân hàng Mỹ ở phố Wall năm 2008, thậm chí thị trường có lúc còn được mô tả là “rơi thẳng đứng” như hồi tháng 11/2016.
Dự báo kinh tế toàn cầu có thể diễn ra theo hai kịch bản: bất ổn gia tăng, rủi ro phát tác và lạc quan hơn (Ảnh minh họa: KT). |
Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) đã phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017 xuống chỉ còn 3,3 – 3,4%, đồng thời cảnh báo về sự thụt lùi của xu thế tự do hóa thương mại và nguy cơ tăng trưởng thấp sẽ kéo dài. Theo đó, các nền kinh tế chủ chốt của thế giới đều bị hạ dự báo tăng trưởng (Mỹ còn 1,8%, Trung Quốc 6,2%, Nhật Bản 0,6% và Anh 1,1%…).
Hai là, “lạc quan hơn”. Bởi vì, chính sách mới của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump với việc cắt giảm thuế cho tất cả các đối tượng, từ 7 nhóm xuống còn 3 nhóm; với sắc thuế cao từ mức 39,6% xuống 33,0%; thuế công ty từ mức 35% xuống còn 15%; và loại bỏ thuế tài sản.
Ông Trump cũng chủ trương tăng chi tiêu cho xây dựng cơ sở hạ tầng (270 tỷ USD) và chi tiêu quốc phòng (450) tỷ USD) để tạo ra 13 triệu việc làm; giải quyết nợ quốc gia với gần 20.000 tỷ USD, bằng cách cắt giảm nhiều khoản chi ngoài nước… sẽ lấy lại niềm tin cho các nhà đầu tư Mỹ và thế giới, khiến có thể tạo nên một lực đẩy mới cho thị trường tài chính toàn cầu.
Dư luận hiện đang quan ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ xảy ra trong năm 2017. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, khó có thể xảy ra bởi 3 lý do: (1) Mọi biến động trên chính trường vừa qua đều xuất phát từ lợi ích kinh tế, bởi vậy hai nền kinh tế lớn, nhất và nhì hành tinh mà xảy ra chiến tranh thương mại thì không chỉ hai nước mà các nước trên thế giới cũng đều không thu được lợi ích gì.
(2) Mặc dù trong quá trình tranh cử ông Donald Trump có lên án Trung Quốc về thương mại, tỷ giá đồng nhân dân tệ không công bằng và còn dọa sẽ đánh thuế 45% đối với hàng nhập từ Trung Quốc vào Mỹ. Tuy nhiên, theo giới phân tích, giữa cương lĩnh tranh cử và chương trình hành động sẽ có sự khác nhau, chắc chắn ông Donald Trump và cả Trung Quốc cũng sẽ phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp với lợi ích của hai bên.
(3) Mặt khác, theo luật pháp Mỹ, không phải Tổng thống muốn làm gì cũng được mà còn phải thông qua Quốc hội, mặc dù đảng Cộng hòa sẽ chi phối lưỡng viện, nhưng lợi ích quốc gia Mỹ vẫn là số một. Bằng chứng là, trong cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế lần thứ 7 hồi tháng 6/2015 với 127 thỏa thuận kinh tế được thông qua, khiến cho hai vấn đề “nóng” lúc đó là Biển Đông và an ninh mạng cũng biến mất khỏi Văn kiện khi kết thúc hội nghị.
Giá dầu cũng là nhân tố được giới nghiên cứu và dư luận xem xét sự tác động đến kinh tế toàn cầu trong năm 2017. Theo đó, sự tác động tích cực, được biểu hiện ở chỗ, với tư cách: dầu đã từng được coi là bản vị của đồng USD, nên khi giá dầu ổn định cùng với đồng USD, khiến các nhà đầu tư tin tưởng hơn vào thị trường và trở thành một trong những nhân tố bảo đảm cho kinh tế tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, giá dầu cũng khó ổn định ở mức xung quanh 45-50 USD/thùng như hiện nay, do nhiều yếu tố tác động.
Vì thế, giới chuyên gia dự đoán, đã đến lúc giá dầu không còn là nhân tố tác động quá lớn đến sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu như đã từng diễn ra những năm trước đây. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng: “thị trường năng lượng năm 2017 sẽ vẫn tiếp tục khó khăn do dư thừa nguồn cung cho đến năm 2018”.
Việt Nam cần quan tâm đến 4 điểm
Theo giới chuyên gia, để khắc phục những hạn chế cho do sự biến động của thị trường thế giới, nhất là Mỹ và EU, khi TPP có thể bị vô hiệu hóa do chính quyền mới ở Mỹ, và thị trường EU có biến động, khiến việc triển khai các FTA đã ký sẽ không suôn sẻ, thì Việt Nam cần quan tâm đến 4 điểm sau:
(1) Cần triệt để khai thác thị trường nội địa và nội khối ASEAN, bởi vì đây là nơi mà Việt Nam có thế mạnh cả về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, nhất là thị trường rộng mở theo cơ chế của AEC đã ký 12/2015.
(2) Cần chủ động thu hút nguồn vốn FDI, trên cơ sở phát huy ưu thế của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao kết quả điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2016, Việt Nam cũng nằm trong điểm sáng của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và là nước có mức tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á.
(3) Cần chủ động nắm bắt thời cơ khi xuất hiện xu hướng tích cực, như kịch bản 2 dự báo diễn ra đối với nền kinh tế Mỹ, bao gồm cả tình huống thị trường Mỹ – Trung có sự căng thẳng, nhất là triệt để khai thác thị trường Trung Quốc là thì trường gần, lớn và dễ tính.
(4) Mặc dù TPP có thể chưa được thông qua trong năm 2017, nhưng Việt Nam vẫn phải phấn đấu theo tiêu chuẩn đã ký kết, vì gần đây trong khi đàm phán RCEP, các nước đã đề cập đến định hướng “tiêu chuẩn cao” gần giống như TPP. Mặt khác, các FTA mà Việt Nam ký với EU, EAEU… đều chứa đựng những yếu tố tiêu chuẩn cao. Có như vậy Việt Nam mới sớm thích nghi với những biến động phức tạp trong năm 2017./.
Ý kiến ()