Thứ Bảy, 30/11/2024 13:53 (GMT +7)

Kinh tế năm 2018 sẽ xoay chuyển nhưng cần đề phòng bong bóng

Thứ 7, 06/01/2018 | 09:28:00 [GMT +7] A  A

Các chuyên gia kinh tế phân tích về chất lượng tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 cũng như dự báo tăng trưởng năm 2018.

Tại diễn đàn Cơ hội đầu tư kinh doanh năm 2018 diễn ra ngày 5/1/2018 tại Thanh Hóa, TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần bàn sâu hơn nữa về chất lượng tăng trưởng GDP và xuất nhập khẩu. Điều này quan trọng hơn con số tăng trưởng GDP 6,81%, bởi dường như nền kinh tế đã xác lập được động thái tăng trưởng mới, dù chưa thay đổi được mô hình tăng trưởng.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Bản thân sự thay đổi về mặt chất lượng thể hiện ở mức nào? TS Trần Đình Thiên phân tích: Thứ nhất, cơ chế tăng trưởng đã nghiêng về chế biến chế tạo, giảm khai thác tài nguyên.

Thứ hai, Chính phủ đã có nỗ lực thay đổi môi trường kinh doanh, thực sự tạo được niềm tin cho doanh nghiệp và có hiệu ứng tích cực thực sự. Thủ tướng cũng khẳng định phải làm ráo riết, chứ buông tay một chút là không được. Người ta nói “trên nóng dưới vẫn lạnh” nhưng thật ra ở dưới cũng đang nóng dần lên.

Thứ ba, khu vực kinh tế tư nhân đã tự mình khẳng định được mình. Từ lâu nó đã quan trọng rồi nhưng năm nay thể hiện rất nhiều, đặc biệt là vốn tư nhân thay được vốn đầu tư công chậm. Điển hình như Tập đoàn SunGroup làm sân bay ở Quảng Ninh trong vòng 18 tháng và tháng 6 sẽ khai trương đường bay. Nếu Nhà nước làm thì có khi sẽ mất 15 – 20 năm.

Theo chuyên gia này, có một số điểm về mặt chính sách tới đây sẽ cần đẩy mạnh trong năm 2018: Quốc hội đã thông qua cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh, tạo đột phá mạnh trong phân cấp, phân quyền nhưng không dễ dàng khi áp dụng vào thực tế. Cần bàn lại Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt để ban hành trong tháng 5 này, khi đó sẽ có tác động mở cửa, đột phá mạnh nhất. Cần có các nghị quyết để giải quyết nợ xấu, đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, sở hữu chéo ngân hàng. Đổi mới về thể chế, cơ chế rất quan trọng, sẽ tạo niềm tin cho năm 2018, mang đến những chỉ tiêu thành tích.

“Dự báo kinh tế năm 2018 có thể tích cực, con số rất cao do FDI, đầu tư tư nhân tăng cao. Nhưng kinh nghiệm giải ngân chậm năm 2017 là bài học của Chính phủ. Năm nay sẽ là năm xoay chuyển nhưng cũng có thể gây ra bong bóng vì cách đây 10 năm cũng xảy ra bong bóng khi bùng nổ FDI, bùng nổ thị trường chứng khoán và bất động sản”, ông Thiên dự báo.

6,81% không phải con số ảo

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, con số tăng trưởng năm 2017 là kết quả phản ánh đúng nỗ lực phấn đấu của tất cả các thành viên tham gia từ lập chính sách đến cộng đồng doanh nghiệp.

“Những lần gặp Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê và chứng kiến các chuyên viên thực hiện, tôi khẳng định các công thức tính là chuẩn xác, không cần hoài nghi, phần còn lại là số liệu đầu vào có chuẩn hay không. Ví dụ như số liệu ở các bộ ngành, địa phương đưa lên có mức chính xác như thế nào, có thể ảnh hưởng phần nào. Nhưng tôi thấy con số địa phương cũng khá sát. Ví dụ như Hà Nội – khu vực đầu tàu có mức tăng trưởng trên 7% là con số khá chính xác”, ông Đông cho hay.

Ông Đông đồng tình với việc không nên “ru ngủ” bằng các con số, nhưng khi các con số thống kê là xác thực thì ta phải tự tin để tiếp tục. Nên đặt tiếp vấn đề là nhìn ở góc độ doanh nghiệp thì nên lường trước các rủi ro như thế nào trong hoàn cảnh sắp tới.

“Chính phủ kiến tạo cần tiếp tục kiểm soát vấn đề chi phí, kết cấu hạ tầng cần tiếp tục làm tiếp. Cải thiện hạ tầng để thay đổi chi phí logistics. Nhà nước cũng không cần làm hạ tầng mà ra chính sách thu hút dòng vốn xã hội. Như ông Trần Đình Thiên nói các công ty tư nhân xây dựng họ làm rất nhanh. Trên thế giới xây sân bay rất to có 2 năm, giá rất rẻ. Nhà máy điện cũng vậy, phải nhanh hơn chứ không thể cứ 5 năm”, ông Đông đề nghị.

Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

TS Võ Trí Thành: Đây là giai đoạn phục hồi rõ hơn

Theo TS Thành, đây là giai đoạn phục hồi rõ hơn, tốt hơn, chứ chưa tăng trưởng bền vững và có tính lâu dài, thể hiện ở tăng trưởng GDP cả ba năm qua là trên 6%.

“Phải nói Việt Nam đến năm 2015 đã tạo ra “thế trận” hay vì có 3 lợi thế: Một là lợi thế của người đi trước so với nhiều nước trên khu vực và thế giới. Hai là thế trận kết hợp giữa mạng sản xuất và xuất khẩu. Ba là vai trò đối tác chiến lược trong các hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, từ 2016 có các tác động phát sinh làm thế trận ấy không còn đẹp, do các vấn đề khách quan như câu chuyện bất định trong hiệp định TTP, hay câu chuyện ASEAN 6. Trong 2018, chúng ta cần duy trì các lợi thế và không làm giảm thiểu thế trận hiện tại”, chuyên gia nhận định.

Hoàng Dương/Báo Tin tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu