Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 15:30 (GMT +7)
Kỳ vọng xung lực mới
Thứ 2, 07/06/2021 | 11:09:00 [GMT +7] A A
Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Trung Quốc (SACFMM), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ sáu (MLC-6) và các hoạt động liên quan diễn ra tại Trùng Khánh, Trung Quốc từ ngày 7-8/6 là một trong những sự kiện trọng tâm của chuỗi hoạt động đánh dấu 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN – Trung Quốc, dấu mốc lớn trên chặng đường dài nhiều thành tựu trong hợp tác song phương và cũng hứa hẹn điểm khởi đầu mới để phát triển hơn nữa quan hệ hai bên.
Cuộc họp lần thứ 22 Ủy ban Hợp tác chung ASEAN – Trung Quốc (ACJCC) diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của Phó Tổng thư ký phụ trách Chính trị – An ninh Michael Tene và Ủy ban các Đại diện thường trực tại ASEAN (CPR). Ảnh: TTXVN phát
Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, có thể nói quan hệ đối thoại và hợp tác ASEAN-Trung Quốc đã không ngừng phát triển, đi vào chiều sâu và được thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực, đem lại những lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Năm 1991, ASEAN và Trung Quốc bắt đầu quá trình đối thoại song phương. Năm 2003, Trung Quốc tham gia Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), trở thành đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN và hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Trong 30 năm qua, hai bên đã duy trì đối thoại và trao đổi thường xuyên ở các cấp để vượt qua khác biệt, thúc đẩy hợp tác. ASEAN và Trung Quốc tiến hành tham vấn về các vấn đề chính trị-an ninh mà hai bên cùng quan tâm thông qua các cơ chế như Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc, Hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN – Trung Quốc… Hai bên đã ký một loạt văn kiện quan trọng trong lĩnh vực chính trị và an ninh, trong đó có Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc vì hòa bình và thịnh vượng (năm 2003), Tuyên bố chung ASEAN và Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống (năm 2002), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC, ký năm 2002)… Trung Quốc cũng ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm trong các tiến trình khu vực do ASEAN khởi xướng như Hội nghị cấp cao Ðông Á (EAS), ASEAN 3, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM ).
Hợp tác kinh tế-thương mại là điểm sáng trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc, với bước tiến quan trọng vào tháng 11/2002, hai bên ký kết Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện, tiền thân của Hiệp định Thương mại tự do (FTA) ASEAN-Trung Quốc. Năm 2010, Khu vực Thương mại tự do ASEAN- Trung Quốc (ACFTA) đã được hình thành và đi vào hoạt động.
Với nỗ lực đẩy mạnh hợp tác của cả hai bên, Khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc đã trở thành khu vực thương mại tự do lớn thứ ba thế giới, sau Khu vực thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU), Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (Mỹ-Mexico-Canada) và hai bên từng bước trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhau.
Tính đến năm 2020, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 12 năm liên tiếp. Theo số liệu thống kê của Ban Thư ký ASEAN, năm 2019, tổng giá trị thương mại ASEAN-Trung Quốc đạt 641,6 tỷ USD, tăng 11 lần so với tổng giá trị thương mại 54,8 tỷ USD khi FTA khởi động vào năm 2002.
Năm 2005, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu thứ yếu của ASEAN với kim ngạch xuất khẩu chỉ chiếm 3,7% kim ngạch xuất khẩu toàn khu vực, thấp hơn nhiều so với thị trường Mỹ (17,5%), Nhật Bản (12,5%) và EU (8,7%). Tuy nhiên, năm 2018, Trung Quốc đã vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của ASEAN với thị phần lên tới 13,9%, vượt qua Mỹ và EU có cùng tỷ trọng 11,2%; Nhật Bản là 7,9%.
Không những vậy, Trung Quốc đồng thời còn là thị trường có lượng hàng hóa xuất khẩu vào ASEAN cao nhất. Năm 2018, tỷ trọng hàng hóa nhập khẩu vào ASEAN từ thị trường Trung Quốc lên tới 20,5%, cao hơn gấp 4 lần tỷ trọng 5,4% của năm 2005 và cao hơn nhiều so với các thị trường EU (9,2%), Nhật Bản (8,4%) và Mỹ (7,4%).
Ở chiều ngược lại, ASEAN cũng dần trở thành đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tính đến năm 2019, ASEAN đã liên tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc (sau EU) với thị phần thương mại lên mức 14%, mức cao nhất kể từ khi thống kê vào năm 1992 và tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương luôn ở mức cao.
Bước sang năm 2020, mặc dù phải gồng mình chống lại dịch bệnh COVID-19, nhưng quan hệ thương mại giữa hai bên đã được nâng lên cả về quy mô và chất lượng. Hợp tác vẫn được duy trì và tăng trưởng tốt, kim ngạch thương mại ASEAN – Trung Quốc tăng 32,9% và thương mại với ASEAN chiếm 15% toàn bộ kim ngạch thương mại của Trung Quốc, Nhờ đó, lần đầu tiên ASEAN đã vượt qua EU để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Không chỉ đạt được kết quả đáng ghi nhận trong thương mại hàng hóa, hai bên còn không ngừng đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau như đầu tư, kết nối, du lịch, giao lưu văn hóa, giáo dục, y tế…. Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ASEAN và Trung Quốc đã tích cực hỗ trợ lẫn nhau trong phòng chống virus SARS-CoV-2.
Trong số các đối tác đối thoại của ASEAN, Trung Quốc là đối tác số một trên nhiều phương diện, điều này cho phép quan hệ của hai bên được xác định là toàn diện, tiên phong và sáng tạo. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc diễn ra tháng 11/2020, các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc cùng nhận định hai bên đã chia sẻ những lợi ích chung hết sức to lớn và sự hợp tác giữa song phương trong những năm qua đã tạo nền tảng để ASEAN-Trung Quốc có thể tiếp tục tăng cường hợp tác thực chất và hiệu quả hơn nữa.
Đánh giá về quan hệ hai bên, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nêu rõ ASEAN là ưu tiên trong chính sách láng giềng của Trung Quốc, đồng thời cho rằng trong số các mối quan hệ giữa ASEAN với các đối tác đối thoại, quan hệ Trung Quốc-ASEAN là quan hệ năng động và hiệu quả nhất. Theo ông Vương Nghị, mối quan hệ chiến lược toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc đóng vai trò quan trọng cho hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực. Quan chức ngoại giao Trung Quốc hy vọng hai bên sẽ phối hợp nâng tầm quan hệ Trung Quốc – ASEAN và xây dựng một cộng đồng Trung Quốc – ASEAN chặt chẽ hơn Trong khi đó, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi khẳng định mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc có ý nghĩa to lớn, đồng thời kỳ vọng hai bên sẽ nắm bắt cơ hội kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại để nâng tầm mối quan hệ.
Năm 2021 đã được coi là Năm Phát triển bền vững ASEAN – Trung Quốc. Trong bối cảnh cả ASEAN và Trung Quốc đang cùng phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn do những biến động khó lường trên thế giới và đặc biệt, do tác động của đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành trong khu vực, có thể nói, ưu tiên hàng đầu lúc này của cả hai là đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo đời sống bình yên cho người dân, đồng thời duy trì môi trường ổn định chung để cùng nhau khôi phục và phát triển sau đại dịch. Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc trong suốt 30 năm qua đã được xây dựng trên nhận thức chung về việc duy trì quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, đồng thời thông qua đối thoại để giải quyết bất đồng, thiết lập sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Điều đó sẽ tạo thêm xung lực đưa quan hệ hai bên phát triển lên tầm cao mới, đem lại lợi ích thiết thực cho cả ASEAN lẫn Trung Quốc, đồng thời đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển chung của khu vực.
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ky-vong-xung-luc-moi-20210607081406869.htm
Ý kiến ()