Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 22:29 (GMT +7)
Làm theo cách của Tiến Minh
Thứ 4, 04/05/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Nguyễn Tiến Minh lấy suất Olympic 2016, đó là phần thưởng vinh dự riêng cho VĐV. Với thể thao Việt Nam, đặc biệt là cầu lông, môn này đang là môn duy nhất của thể thao nước nhà có một VĐV liên tiếp 3 lần giành được suất chính thức thi đấu Olympic (từ năm 2008 tới 2016).
Chuyên nghiệp
Suốt sự nghiệp thi đấu từ khi bước vào sân chơi chuyên nghiệp, nổi danh đến lúc này thì chưa một lần người ta thấy tay vợt Nguyễn Tiến Minh có “tì vết” nào. Không ít người cắc cớ, phải chăng, đó là vì Tiến Minh khôn khéo và có đại diện truyền thông hiệu quả. Điều ấy không chính xác. Bởi lẽ, tự tính chất mộc mạc và ý thức chuyên nghiệp với thể thao giúp Tiến Minh được như vậy.
Giai đoạn 2015 và 2016 là thời điểm Nguyễn Tiến Minh dần đi xuống phong độ do tuổi tác không cho phép có thể mạnh mẽ như thời đỉnh cao. Điều đó phù hợp với quy luật vận động của 1 VĐV thành tích cao, nhất là môn phải vận động nhiều như cầu lông. Thế nhưng, chưa một lần mọi người thấy Minh ca thán. Bù đắp vì phong độ chững lại (Minh không ít lần nhìn nhận thẳng thắn điều ấy trên báo chí) thì Tiến Minh vẫn chịu khó thi đấu nhiều giải quốc tế hơn.
Tất nhiên, với sự hỗ trợ tốt từ cầu lông TPHCM và Liên đoàn Cầu lông Việt Nam thì việc đưa VĐV ra nước ngoài thi đấu cũng nhằm tích lũy điểm số tốt nhất cho kỳ vọng giành suất Olympic. Về tiêu chí này, Tiến Minh là tay vợt duy nhất của Việt Nam đứng trong tốp 40 nam thế giới nên triển vọng thành công nhiều nhất. Tấm vé Olympic 2016 là hệ quả của một quá trình dài tích lũy.
Nhưng với những ai biết được rằng, tính chuyên nghiệp của VĐV thể thao đã hằn sâu trong tâm trí Tiến Minh qua việc rèn thể lực, tập cầu không nghỉ kể cả lễ tết, không bia rượu, thuốc lá… thì đó mới là điều làm nên một VĐV có thể lực sung mãn. Minh chia sẻ, điều mình cần nhất lúc này vẫn là “tôi luôn muốn thi đấu nhiều hơn nữa với đối thủ đủ trình độ như mình, chỉ có vậy mới gia tăng được chuyên môn”.
Kinh doanh thương hiệu
Tiến Minh là VĐV duy nhất của thể thao Việt Nam đã có được những hợp đồng tài trợ cá nhân giá trị tiền tỷ đồng. Từ khi thăng hoa, luôn lọt vào tốp 10 thế giới cho tới lúc này, qua từng giai đoạn, Nguyễn Tiến Minh đã từng ký kết hợp tác với 4 hãng sản xuất đồ thể thao (năm 2016, Tiến Minh được nhãn hiệu Mizuno – Nhật Bản tài trợ 1 tỷ đồng/năm gồm tiền mặt và sản phẩm).
Chưa kể, khi gây dựng được thương hiệu cho bản thân, Tiến Minh từng được CLB của Ấn Độ mời về thi đấu với số tiền 44.000 USD. Ngoài ra, nhiều chiến thắng đã mang về cho Minh tiền thưởng cao. Trong thể thao hiện đại, VĐV đạt được chuyên môn cao và có sự nổi tiếng, những lợi nhuận tới với họ là bình thường.
Chỉ có điều, để cầu lông không bị hụt hẫng khi ngôi sao giã từ sự nghiệp thì ai có thể nối tiếp như Tiến Minh. Trưởng bộ môn cầu lông Việt Nam – ông Lê Thanh Hà – từng cho biết ý thức của VĐV là điều tác động mạnh mẽ nhất tới tác phong của người đó. Nếu VĐV cầu lông hiểu được rằng sự nỗ lực của mình trong thi đấu đạt kết quả cao (điều này cũng phụ thuộc cả yếu tố năng lực bẩm sinh) thì về sau, lợi nhuận từ kinh doanh hình ảnh rất đáng kể.
Chắc chắn, ngay những gương mặt sáng giá nhất của thể thao Việt Nam như Công Vinh (bóng đá), Kim Tuấn (cử tạ), Ánh Viên (bơi lội)… cũng chưa ai ký được nhiều hợp đồng tài trợ riêng cho bản thân từ nhà sản xuất đồ thể thao như Nguyễn Tiến Minh.
Nguồn: SGGP – thethaovietnam
Ý kiến ()