Thứ Tư, 27/11/2024 23:34 (GMT +7)

Lập Tổ công tác đặc biệt trực tiếp chỉ đạo trục vớt tàu hàng chìm ở biển Quy Nhơn

Thứ 7, 09/12/2017 | 09:52:00 [GMT +7] A  A

Chiều tối 8/12, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang dẫn đầu Đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định về công tác trục vớt tàu chìm trên biển Quy Nhơn.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Sang, công tác trục vớt tàu chìm ở vùng biển Quy Nhơn triển khai quá chậm so với kế hoạch, trong đó có tàu Biển Bắc 16 bị chìm, nằm án ngữ ở luồng cảng Quy Nhơn khiến lưu thông hàng hải bị ảnh hưởng.

“Sau khi kiểm tra hiện trường, chúng tôi quyết định tạm dịch luồng hàng hải về phía bên trái tàu Biển Bắc 16 bị chìm. Trong thời gian 3 ngày, với điều kiện thời tiết thuận lợi, các phương tiện chuyên dụng sẽ hoàn thành việc nạo vét luồng tạm, đảm bảo luồng cảng Quy Nhơn sẽ hoạt động trở lại bình thường như trước đây”, ông Sang cho biết.

Tàu Nam Khánh 26 chở 2280 tấn clike đang bị chìm ở vịnh Quy Nhơn.

Theo ông Nguyễn Xuân Sang, công tác trục vớt 6 tàu chìm triển khai chậm một phần do thời tiết xấu, phần khác do các công ty trục vớt không có phương tiện thiết bị tại chỗ, việc di chuyển thiết bị phương tiện từ nơi khác về Quy Nhơn trong điều kiện thời tiết xấu đã mất rất nhiều thời gian.

“Theo quy định trong thời gian 30 ngày, các chủ tàu bị chìm có quyền được chọn phương án trục vớt, trình cơ quan chức năng phê duyệt, trực tiếp ký hợp đồng với các công ty trục vớt. Do đó, giảm trừ các ngày biển động, thời tiết xấu, hiện các chủ tàu này vẫn còn quyền này nên rất khó can thiệp. Hết thời hạn mà chủ tàu không đáp ứng yêu cầu, các các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương mới có quyền chỉ định đơn vị trục vớt tàu phù hợp, mọi chi phí chủ tàu phải có trách nhiệm chi trả”, ông Sang nói.

Ông Bùi Văn Vương, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn (Bình Định) cho biết, toàn bộ tàu chìm ở vùng biển Quy Nhơn đã hoàn thành việc hút dầu an toàn, không còn nguy cơ tràn dầu. Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn đang đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trục vớt tàu chìm, tuy nhiên thời tiết bất lợi nên không thể thúc ép các chủ tàu trục vớt nhanh hơn được. Phương án trục vớt 5 tàu đã được phê duyệt, riêng tàu Jupiter hiện vẫn đang tìm kiếm 5 thuyền viên mất tích nên chưa trình phương án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam tăng cường đôn đốc các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai trục vớt tàu chìm, đồng thời xem xét năng lực các công ty trục vớt để đảm bảo công tác trục vớt đạt yêu cầu. Quá trình nạo vét luồng lạch cảng Quy Nhơn phải đảm bảo tốt yêu cầu bảo vệ môi trường, đổ bùn cát thải phải đúng địa điểm đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Sở Tài Nguyên và Môi trường, Bộ đội Biên phòng tỉnh và Cảnh sát môi trường tỉnh giám sát chặt chẽ việc nạo vét luồng cảng và đổ xả thải.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng, việc chậm trễ trục vớt các tàu chìm ở biển Quy Nhơn đã làm ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Định.

Trước đó, ngày 7/12, Chủ tịch UBND Bình Định Hồ Quốc Dũng có văn bản hỏa tốc yêu cầu các đơn vị chức năng, công ty trục vớt chậm nhất trước ngày 10/12 phải tiến hành trục với tàu Biển Bắc 16. Nếu không, UBND tỉnh giao Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn chỉ định Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn tiến hành trục vớt tàu đắm trên, khẩn trương giải phóng luồng hàng hải Quy Nhơn để giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, đã thống nhất với UBND tỉnh Bình Định thành lập Tổ công tác đặc biệt để trực tiếp chỉ đạo, giám sát việc thực hiện trục vớt các tàu chìm ở vùng biển Quy Nhơn. Cục Hàng hải Việt Nam sẽ ra “tối hậu thư” buộc các chủ tàu chấp hành đúng thời hạn cam kết hoàn thành trục vớt, nếu không sẽ chỉ định đơn vị trục vớt.

Tin, ảnh: Nguyên Linh (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu