Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 07:58 (GMT +7)
Lễ giỗ 155 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực
Thứ 5, 26/10/2023 | 15:08:57 [GMT +7] A A
Chiều ngày 25/10/2023, nhằm ngày 11/9 Âm lịch, Lễ giỗ 155 năm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực diễn ra trang trọng tại Khu Di tích Lịch sử Vàm Nhựt Tảo, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ.
Tham dự có Nguyên Chủ tịch Nước - Trương Tấn Sang; Nguyên Phó Thủ tướng - Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Long An, tỉnh Kiên Giang cùng đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh.
Với lòng tôn kính và tri ân các đồng chí lãnh đạo và nhân dân cùng nhau dâng hương và ôn lại cuộc đời chiến đấu của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực với những chiến công lừng lẫy.
Nguyễn Trung Trực tên thật Nguyễn Văn Lịch, sinh năm 1838 tại thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, Nguyễn Trung Trực tham gia nghĩa quân của Bình Tây đại nguyên soái Trương Ðịnh, được giao chức Quyền sung Quản binh đạo.
Ngày 10/12/1861, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân lập nên chiến công vang dội, đốt cháy tàu Espérance của Pháp trên sông Nhựt Tảo, tiêu diệt nhiều tên địch. Ngày 16/6/1868, ông chỉ huy nghĩa quân tiêu diệt toàn bộ lính Pháp trú tại đồn Kiên Giang.
Để dập tắt tinh thần chiến đấu của nghĩa quân, thực dân Pháp dồn lực lượng khủng bố người dân để cô lập nghĩa quân, để bảo toàn lực lượng, Nguyễn Trung Trực đã khẳng khái nộp mình cho giặc, ông bị giặc xử tử ngày 27/10/1868 tại Rạch Giá.
Hàng năm vào các ngày 11 và 12 tháng 9 âm lịch, Đảng bộ chính quyền và Nhân dân tỉnh Long An long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh để thể hiện sự cảm phục, tấm lòng biết ơn sâu sắc đến vị anh hùng dân tộc.
Nhân ngày giỗ lần thứ 155 của cụ Nguyễn, người dân khắp nơi đã không ngại đường sá xa xôi, hội tụ về khu di tích Vàm Nhựt Tảo thắp lên những nén hương để tưởng nhớ công ơn của người anh hùng áo vải “vì dân quên mình”. Đây còn là dịp để người dân khắp nơi gặp mặt, giao lưu văn hóa, phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau.
Thông qua các hoạt động của lễ hội, nhằm giáo dục người dân, nhất là thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, đây cũng là dịp để thu hút du khách, quảng bá hình ảnh Long An năng động và mến khách./.
Bích Ngân – Đức Cảnh
Ý kiến ()