Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 17:39 (GMT +7)
Lễ hội hoa Ban năm 2018 – tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống
Thứ 2, 19/03/2018 | 09:08:00 [GMT +7] A A
Tối 17/3, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đã diễn ra Lễ khai mạc Lễ hội hoa Ban lần thứ 5 năm 2018.
Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc; Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Điện Biên và các tỉnh trong nước, đại diện các tỉnh Bắc Lào và hàng ngàn người dân cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc phát biểu. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN |
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc nhấn mạnh: Lễ hội hoa Ban được tỉnh Điện Biên tổ chức thường niên là hoạt động thiết thực, góp phần cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa trong cộng đồng Tây Bắc, là bước phát triển mới với tầm nhìn chiến lược để đưa Điện Biên trở thành điểm đến quan trọng trong cung đường du lịch Tây Bắc. Các hoạt động trong lễ hội nhằm tôn vinh, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Điện Biên đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới Tây Bắc Tổ quốc, là địa bàn trọng yếu về quốc phòng an ninh; là đầu mối giao thông quan trọng và là địa phương giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng. Đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị, trong công tác phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, Điện Biên phải gắn liền với phát huy các lợi thế so sánh của tỉnh, trong đó có lợi thế về phát triển du lịch.
Để khai thác có hiệu quả, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, địa phương cần lưu ý tổ chức hợp lý không gian du lịch, phát triển du lịch theo hướng chuyên biệt, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, theo chiều sâu; tăng cường quảng bá, khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa Tây Bắc; tập trung đầu tư một số khu, tuyến điểm du lịch có tầm quốc gia, tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc có sức cạnh tranh; khuyến khích mở rộng liên doanh, liên kết hình thành các tuyến du lịch trong nước và quốc tế.
Tỉnh cũng cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về yếu tố tự nhiên, văn hóa dân tộc, thế mạnh đặc trưng, trong đó đặc biệt phát huy giá trị quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ; tăng cường liên kết với các tỉnh trong khu vực và trên cả nước để từng bước đưa Điện Biên thành trọng điểm du lịch quốc gia.
Chương trình nghệ thuật trong buổi lễ khai mạc. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN |
Đêm Khai mạc Lễ hội hoa Ban lần thứ 5 năm 2018 được mở đầu với chương trình nghệ thuật “Hoa Ban – Tình ca Tây Bắc” là bản hòa ca về tình đất, tình người Điện Biên, nơi vẻ đẹp cốt cách, tâm hồn con người hòa quyện trong dòng chảy lịch sử, sắc màu văn hóa và phong cảnh thiên nhiên, đất trời hùng vĩ.
Trong chương “Mùa hoa Ban nở”, các tiết mục “Chuyện tình hoa Ban”, “Hoa Ban trắng”… đã khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt của hoa Ban trong đời sống, tiềm thức của con người Điện Biên, trở thành một biểu tượng của miền đất, biểu trưng cho tình cảm và đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên.
Các tiết mục “Hội xuân Điện Biên”, “Ngày hội giã bánh dày”, “Hào khí Điện Biên”, “Xuân về bản em”… trong chương “Hương sắc Điện Biên” là truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của 19 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn, là nét độc đáo của Điện Biên, làm say lòng du khách.
Chương “Điện Biên vẫy gọi” khắc họa một Điện Biên đang hướng tới tương lai bằng sự nỗ lực phát huy tối đa tiềm năng và nguồn lực sẵn có, hứa hẹn về “miền hoa Ban” đang đổi thay, khởi sắc từng ngày.
Khép lại chương trình khai mạc là màn bắn pháo hoa tầm thấp kéo dài 15 phút; hoạt động cộng đồng vòng xòe đại đoàn kết, không gian trải nghiệm nhảy sạp dân tộc Khơ- mú và dân tộc Thái diễn ra tại Quảng trường 7/5.Đêm khai mạc Lễ hội mang đến cho du khách, người xem những ấn tượng, cảm nhận tốt đẹp về mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, linh thiêng, tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa và thân thiện, mến khách.
Nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội hoa Ban năm 2018, từ ngày 18 – 20/3, các hoạt động thi trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên; chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ hội; trưng bày, triển lãm di sản văn hóa tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc tỉnh Điện Biên; trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch các tỉnh Tây Bắc; giao lưu, thi đấu các môn tung còn, kéo co, tù lu, giã bánh dày, cà kheo, đẩy gậy, đẩy xe đạp thồ…
Trong đó, điểm nhấn là cuộc thi trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa đặc trưng, truyền thống của các dân tộc tỉnh Điện Biên, trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam; cuộc thi xe đạp thồ tái hiện lại hình ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ hơn 60 năm trước của quân và dân ta.
Là hoạt động thường niên được tổ chức vào trung tuần tháng 3 gắn với thời điểm Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Lễ hội hoa Ban nhằm tôn vinh, phát huy các loại hình di sản văn hóa dân tộc của tỉnh Điện Biên; gắn bảo tồn văn hóa với phát huy tiềm năng thế mạnh du lịch, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, qua đó góp phần định vị thương hiệu du lịch Điện Biên, đưa biểu tượng hoa Ban trở thành biểu trưng cho mảnh đất và con người Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung.
Ý kiến ()