Thứ Bảy, 30/11/2024 17:33 (GMT +7)

Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc 2018: Nhiều phương án đảm bảo an toàn

Thứ 5, 18/01/2018 | 08:52:00 [GMT +7] A  A

Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc 2018 sẽ được tỉnh Hải Dương tổ chức từ ngày 1/3 đến ngày 10/3/2018 (tức từ 14 đến 23 tháng Giêng năm Mậu Tuất 2018).

Nghi lễ rước nước tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc, năm 2017. Ảnh: Mạnh Minh/ TTXVN

Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc 2018 còn gắn với tưởng niệm 684 năm ngày mất của Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả (1334 – 2018). Điểm mới của lễ hội năm nay, bên cạnh việc công bố Bảo vật quốc gia là “Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi”, Ban tổ chức cũng sẽ tiến hành dẹp bỏ toàn bộ các hàng quán trong khu vực nội tự chùa Côn Sơn nhằm trả lại vẻ đẹp tôn nghiêm cho không gian nơi đây.
Bên cạnh các nghi lễ truyền thống như: Lễ đàn Mông Sơn thí thực, Lễ giỗ Tam tổ Trúc lâm Huyền Quang Tôn giả, Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc, Lễ rước nước, Lễ dâng hương tại đền Nam Tào, Bắc Đẩu …, lễ hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc 2018 còn diễn ra nhiều hoạt động như: Liên hoan Pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ VIII, Giải thi đấu vật dân tộc mở rộng; thi đấu Cờ tướng; Hội thi gói bánh Chưng, giã bánh Giày và các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật truyền thống…
Chuẩn bị cho lễ hội, Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá cho Lễ hội. Các tuyến đường từ quốc lộ 18 vào khu di tích được cắm nhiều cờ lễ, băng rôn giới thiệu sơ lược về lễ hội được treo ở các trục đường chính tại thành phố Hải Dương, thị xã Chí Linh và trong khu di tích; treo quảng cáo tấm lớn tại Quốc lộ 5, Quốc lộ 37… Tỉnh Hải Dương cũng xây dựng phương án để đảm bảo cho du khách hành hương về Côn Sơn – Kiếp Bạc.

Bên cạnh chốt tại tất cả các điểm, tuyến đường dễ xảy ra ách tắc, Công an thị xã Chí Linh còn bố trí các tổ Cảnh sát giao thông cơ động, sẵn sàng phân luồng, tuyến, có mặt kịp thời điều tiết giao thông khi xảy ra ách tắc. Ban quản lý di tích phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức cho các hộ dân trong khu vực di tích ký cam kết không tăng giá và đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong dịp diễn ra Lễ hội; không để hình thức kinh doanh đổi tiền lẻ, hưởng chênh lệch trong khu vực di tích, khu vực lễ hội, không cài, giắt, đặt rải tiền tùy tiện, gây phản cảm, bố trí bàn công đức hợp lý để phục vụ nhân dân… Ban quản lý còn phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp hành nghề mê tín, dị đoan, nâng giá, chèo kéo du khách thập hương…

Tại lễ hội năm nay, Hải Dương sẽ tổ chức Công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận “Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi” là Bảo vật quốc gia.
Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi là một tư liệu quý về văn học, sử học, mỹ thuật, nhất là đối với việc nghiên cứu lịch sử phát triển của chùa Côn Sơn. Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi dựng năm Hoằng Định thứ 8 (1607) đời Lê Kính Tông, do Chiêm Đường Nguyễn Đức Minh soạn, Tạ Tuấn viết chữ, Lê Liễu người xã Kính Chủ khắc bia.
Đây là tấm bia dạng thức lục giác rất hiếm ở nước ta. Niên đại sớm nhất của dạng bia lục giác là tấm bia Quốc sư Báo Ân tự bi ở chùa Báo Ân (Hải Dương) dựng năm 1585, sau đó là bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi dựng năm 1607. Bia cao 1,2m, rộng 0,32m. Mỗi mặt bia có 68 dòng thể hiện theo lối chân thư. Sáu chữ tiêu đề bia được chạm to dưới trán. Mặt 1 ứng với chữ Côn chạm đôi rồng chầu mặt trời, mặt 4 đối lại phía sau ứng với chữ Phúc chạm đôi phượng chầu mặt trời. 4 mặt bia còn lại mỗi mặt chạm một con rồng uốn khúc khác nhau, trên nền mây cụm và mây 3 dải, thân tròn dài uốn vặn, chỉ có một con mắt nhìn thẳng, chung một dạng cấu trúc tai nhỏ, sừng dài, tóc dày, hai sợi râu mép rất dài, chân 3 móng (riêng con ở mặt chữ Tự có 4 móng).
Mạnh Tú (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu